Quân đội Mỹ phát triển thiết bị nhận diện người từ xa 200 mét thông qua nhịp tim, độ chính xác 95%
Các thử nghiệm cho thấy thiết bị này có khả năng nhận diện một người trong khoảng cách xa đến 200m, với độ chính xác đến 95%.
- Công nghệ nhận diện khuôn mặt của Mobifone có thể phát hiện nhân viên trốn việc, sinh viên trốn học, tội phạm và khách hàng VIP chỉ bằng một cái ló mặt
- Đại học Thăng Long lại nổi ầm ầm: Điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt, cúp học chỉ còn là giấc mơ!
- Trung Quốc: Hệ thống "chống cúp học" bằng AI và nhận diện khuôn mặt cho kết quả khả quan
Cũng giống như các dấu vân tay đặc trưng, mọi người đều có một nhịp tim đặc trưng và ý tưởng đó đang truyền cảm hứng cho thiết bị xác định danh tính mới nhất của quân đội Mỹ.
Theo báo cáo của Technology Review, dựa vào yêu cầu của các lực lượng hoạt động đặc biệt, Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng nguyên tắc này để phát triển một thiết bị laser hồng ngoại, có khả năng xác định danh tính chiến binh địch từ xa bằng cách dựa vào nhịp tim đặc trưng của họ.
Thiết bị mới này của Bộ Quốc phòng Mỹ có tên Jetson, sử dụng phương pháp đo độ rung không tiếp xúc bằng laser (kỹ thuật laser vibrometer) để phát hiện các chuyển động trên bề mặt da, do nhịp tim người gây ra. Thiết bị này là một ứng dụng dựa trên các công nghệ hiện tại, vốn đang được sử dụng trên các thiết bị đo độ rung từ xa đối với các kết cấu đặc biệt, như tuabin cánh quạt gió.
Thiết bị laser này được cho có thể xuyên qua quần áo và đạt được độ chính xác đến 95% cho khả năng nhận dạng trong khoảng cách từ 200 mét trở lại, và nó có khả năng mở rộng khoảng cách lên xa hơn nữa.
Steward Remaly, quan chức quốc phòng trong Văn phòng Công nghệ hỗ trợ Hoạt động chống Khủng bố của Lầu Năm Góc, nói với trang Technology Review: "Tôi không nói rằng bạn có thể làm vậy trong không gian, nhưng từ khoảng cách xa hơn là điều hoàn toàn có thể."
Công nghệ này hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Thiết bị laser này không thể xuyên qua các lớp quần áo dầy và mục tiêu phải ngồi hoặc đứng im một chỗ thì việc nhận diện mới hiệu quả. Thiết bị mất khoảng 30 giây để đọc được danh tính của mục tiêu. Ngoài ra cũng cần phải tạo ra một cơ sở dữ liệu về tín hiệu nhịp tim.
Nếu bỏ qua các giới hạn trên, việc xác định danh tính từ xa bằng nhịp tim sẽ bổ sung thêm một phương pháp bảo mật sinh trắc học mới, bên cạnh các phương pháp khác như quét võng mạc, nhận diện gương mặt hoặc dấu vân tay, vốn đang có ngày càng nhiều vai trò trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ hiện nay, nhiều smartphone đang sử dụng cả các biện pháp bảo mật định danh thông qua dấu vân tay và giọng nói.
Cho dù Jetson vẫn còn xa mới đạt đến mức độ hoàn hảo, việc xác định danh tính từ xa qua nhịp tim mang đến một số ưu thế so với những phương pháp xác định danh tính truyền thống khác. Ví dụ, tín hiệu nhịp tim của một ai đó sẽ không thể bị chỉnh sửa giống như gương mặt hoặc dấu vân tay.
Đại diện phòng Công nghệ Hỗ trợ chống khủng bố giải thích rằng: "Việc có thể đo đạc được các tín hiệu nhịp tim đặc trưng của một cá nhân trong khoảng cách xa sẽ bổ sung thêm khả năng nhận dạng sinh học khi các điều kiện môi trường và các thay đổi trên diện mạo gương mặt có thể ngăn cản khả năng sử dụng hệ thống nhận diện gương mặt."
Văn phòng này cũng nhấn mạnh rằng những thay đổi rất đơn giản đối với ngoại hình của một người, như râu tóc, kính râm hoặc mũ, có thể khiến các công cụ nhận dạng sinh trắc học từ xa trở nên vô dụng, nhưng việc che giấu nhịp tim đặc trưng của mỗi người lại là điều khó khăn hơn.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng