Quảng cáo kiểu “xì tin”
Trong khi các tập đoàn đa quốc gia đã tận dụng những công cụ quảng cáo mới thì doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ.
Những ngày này, các bạn trẻ Việt Nam đang hào hứng với thông tin về dự án tìm kiếm phi hành gia Việt Nam thứ hai bay vào vũ trụ sau anh hùng Phạm Tuân. Theo đó, đơn vị tổ chức sẽ chọn ra một người trong số hàng ngàn thí sinh đăng ký để đưa sang Mỹ tham gia khóa huấn luyện phi hành gia và có cơ hội trở thành người Việt thứ hai bay vào vũ trụ. Dự án đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ nhờ vào sức lan truyền của internet.
Thực ra, đây là một chương trình do Unilever tổ chức đồng loạt cho nhãn hàng Axe tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Và đó cũng chỉ là một trong số nhiều hoạt động mà tập đoàn này thực hiện để quảng bá sản phẩm mới này tại thị trường Việt Nam.
Trước đó không lâu, nhãn hàng Axe đã tung ra một số video clip trên internet với nội dung khá hấp dẫn và có lồng ghép thông điệp sản phẩm như “Cách cưa gái tại hồ bơi” hay “Chân dài nhảy Flash mob” thu hút rất nhiều lượt xem và bình luận. Sau đó là một sự kiện góp mặt nhiều nhân vật trẻ đẹp và nổi tiếng mang tên Umbrella Party cũng được tổ chức tại TP.HCM với hình ảnh của nhãn hàng này.
Có thể nói, truyền thông theo lối du kích như vậy chi phí không cao mà lại giúp Axe đánh trúng vào thị hiếu và sự tò mò của đối tượng khách hàng mục tiêu là nam giới từ 18-24 tuổi.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu truyền thông Simulmedia (Mỹ), dựa vào số liệu của Nielsen và Kantar Media, cho biết chiến dịch quảng cáo truyền hình trị giá 6,3 triệu USD của Axe tại nước này hồi đầu năm ngoái chỉ chạm được đến khoảng 40% đối tượng khách hàng mục tiêu dự tính.
Rõ ràng, khi hiệu quả chi phí quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng không còn như mong đợi, các tập đoàn đa quốc gia bắt buộc phải tìm đến những công cụ truyền thông khác chi phí thấp hơn mà vẫn thu hút sự chú ý của đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Bên cạnh internet, mạng viễn thông di động cũng được tận dụng để quảng bá và tăng độ nhận biết sản phẩm. Trường hợp của nhãn hàng dầu gội Clear (cũng của Unilever) tại Việt Nam là một ví dụ.
Có mặt trên thị trường đã lâu, nhưng đến năm ngoái, Clear vẫn chưa có được một kênh truyền thông chính thức để kết nối với khách hàng trên mạng xã hội. Nhận ra tầm quan trọng của việc này, họ đã kết hợp với hãng công nghệ di động Jana (Mỹ) để thực hiện một chiến dịch thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Với mức chi phí có hạn của dự án, những người thực hiện đã dựa vào Facebook để mời khách hàng trả lời 5 câu hỏi về tóc và cung cấp số điện thoại cá nhân để nhận 20.000 đồng vào tài khoản di động. Mục tiêu của dự án khi đó là thu thập được thông tin từ 10.000 khách hàng trong vòng 2 tuần.
Bất ngờ thay, Clear đã nhận được gần 20.000 phản hồi từ khách hàng trên Facebook chỉ trong 24 tiếng, đồng thời có đến 95% trong số đó nằm ở phân khúc khách hàng mục tiêu từ 15-30 tuổi của họ. Quan trọng hơn, Clear còn thu thập được nhiều thông tin có ích được cung cấp bởi khách hàng (thông qua trả lời các câu hỏi) có thể giúp họ chủ động trong chiến lược phát triển sản phẩm sau này. Ngoài ra, trang Facebook của Clear Việt Nam cũng nhận được thêm từng đó người theo dõi, trở thành một công cụ truyền thông hiệu quả đến khách hàng mà tốn ít chi phí.
Trong khi các tập đoàn đa quốc gia đã biết tận dụng những công cụ mới thì dường như doanh nghiệp lớn của Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ. Mới chỉ có một số doanh nghiệp trẻ đi tiên phong trong việc đưa công nghệ mới vào hoạt động marketing của mình. Khác với mục tiêu của các tập đoàn lớn là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và kết nối trực tiếp với cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ thường dùng internet để thu hút khách hàng tiềm năng và bán được hàng.
Theo Nhịp cầu đầu tư
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng