Quảng cáo sữa tuyên bố giúp trẻ tăng 3-5 cm chiều cao trong 3 tháng: Chuyên gia nói đây là "con số rất vô lý", nếu có thật thì là cao dạng bệnh lý, rất nguy hiểm
Một quảng cáo thổi phồng và "phóng đại" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Người tiêu dùng mất niềm tin, ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc lao đao
- "Chiến thần" livestream bán hàng giả, trách nhiệm của sàn thương mại điện tử ở đâu?
- Bong bóng livestream Trung Quốc nổ tung: Nói khô cổ cả tháng không bán được sản phẩm nào, ngành công nghiệp tỷ USD bỗng trở thành ‘lò lừa đảo’‘
- Livestream triệu người xem: Streamer có thể kiếm được bao nhiêu tiền chỉ trong vài giờ trên TikTok?
- KOL, KOC và các đơn vị kinh doanh có thể bị phạt 20-30 triệu đồng nếu không thông báo về việc mình được trả tiền để review, quảng cáo sản phẩm
Những ngày gần đây, bên cạnh vụ việc cơ quan chức năng phát hiện hơn 600 nhãn hiệu sữa giả được lưu hành trên thị trường trong suốt 4 năm qua, dư luận xã hội còn bày tỏ sự bức xúc đặc biệt với những quảng cáo sữa có công dụng được thổi phồng. Điển hình là một nhãn hiệu sữa từng được quảng bá là có thể giúp trẻ tăng từ 3-5 cm chiều cao trong vòng 3-6 tháng.
Điều đáng nói hơn là thông điệp này đã liên tục được nhấn mạnh - không chỉ từ tuyên bố của chính hãng sữa - mà còn trong nhiều phiên livestream, quảng cáo, bán hàng với sự tham gia của một số diễn viên, MC, biên tập viên truyền hình – những người nổi tiếng cho biết họ cũng đang cho chính con mình uống sữa này và đạt được mức tăng chiều cao lý tưởng.
Thế nhưng, việc tăng từ 3-5 cm chiều cao trong vòng 3-6 tháng có khả thi về mặt khoa học hay không? Và quan trọng hơn, nó có thực sự lý tưởng và khỏe mạnh hay không? Hãy cùng phân tích dựa trên tài liệu y khoa và ý kiến của một số chuyên gia.

Một người nổi tiếng quảng cáo sữa tăng chiều cao.
"Con số rất vô lý"
Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, một chuyên gia về sinh học phân tử tại Viện nghiên cứu City of Hope, Hoa Kỳ:
"Đứng ở góc độ khoa học thì đây là một sự vô lý. Ở độ tuổi trẻ đang lớn (từ 3 đến 15 tuổi) tốc độ chiều cao tăng trung bình chỉ khoảng 1–1.5 cm mỗi 3 tháng, do vậy con số 3-5 cm sau 3 tháng "ở người" là một con số rất vô lý".
Tiến sĩ Vũ cho biết mặc dù đúng là có một số nghiên cứu khoa học liên kết việc uống sữa với cải thiện chiều cao ở trẻ em, tuy nhiên, mức tăng này thường không quá vượt trội.
Điển hình như nghiên cứu đầu tiên, thường được trích dẫn nhiều nhất về hiệu quả tăng trưởng chiều cao từ uống sữa đã được thực hiện từ năm 1928.
Đó là nghiên cứu của bác sĩ John Boyd Orr, một nhà sinh lý học dinh dưỡng người Scotland, đồng thời là tổng giám đốc đầu tiên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Sau khi theo dõi một nhóm trẻ ở độ tuổi từ 5-14 tiêu thụ sữa ngoài chế độ ăn bình thường, Orr nhận thấy những đứa trẻ này phát triển được một chiều cao trung bình hơn 20% so với nhóm trẻ không tiêu thụ sữa.

Một quảng cáo sữa ở Anh thập niên 1920, sau nghiên cứu của John Boyd Orr thì các công ty sữa mới tập trung vào tiếp thị sữa giúp tăng chiều cao.
Thế nhưng, con số 20% này chỉ tính trên 7 tháng theo dõi. Nghĩa là nếu trung bình, một đứa trẻ sau 7 tháng cao tự nhiên lên được 3 cm, thì việc uống sữa chỉ giúp chúng cao thêm 0,6 cm mà thôi.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2018 đăng trên tạp chí Nutrition đã theo dõi 717 trẻ em trong độ tuổi từ 2-17 cho thấy việc uống mỗi 236 ml sữa mỗi ngày chỉ giúp trẻ tăng thêm trung bình 0,39 cm chiều cao trong suốt thời thơ ấy và thanh thiếu niên.
"Các bạn nên biết rằng, các bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là yếu tố di truyền với ảnh hưởng khoảng ~60-80%. Sau đó mới tới yếu tố dinh dưỡng khoảng ~20-30%; Thể dục thể thao ~5-10%; Giấc ngủ ~5% và cả môi trường sống (độ ô nhiễm, nguồn bệnh, căng thẳng, v.v…)", tiến sĩ Vũ cho biết.
Do đó, không có chuyện một loại sữa có thể đơn độc tác động vào chiều cao của trẻ và khiến con số gia tăng ở tốc độ 3-5 cm sau 3-6 tháng. "Cho đến nay chưa có loại sữa tăng trưởng chiều cao nào được chứng minh một cách khoa học có tác dụng rõ ràng, đáng kể và vượt trội so với sữa bình thường", tiến sĩ Vũ nhấn mạnh.

Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Đình Toán quảng cáo sữa tăng chiều cao, nhưng chính ông cũng phủ nhận sữa có thể giúp tăng 3-5 cm trong 3-6 tháng.
Đồng ý với anh là ý kiến của Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng:
"Khẳng định cao lên từ 3-5 cm là không có cơ sở khoa học. Nếu đúng thì vấn đề này tác giả nào nghiên cứu? Nghiên cứu ở đâu, vào thời gian nào? Thử nghiệm lâm sàng ở đâu? Có đối chứng hay không? Kết quả nghiên cứu đã được hội đồng khoa học nào nghiệm thu?.... Chứ không phải là tự ý nói ra rồi gắn tên một chuyên gia dinh dưỡng vào để tăng thêm niềm tin cho sản phẩm là không được".
Con số bệnh lý
Trên thực tế, có một giai đoạn duy nhất mà sữa có thể giúp trẻ tăng trưởng chiều cao vượt trội. Đó là trong 6 tháng đầu đời. Các nghiên cứu chỉ ra trong khoảng thời gian này, trẻ sẽ tăng trung bình 2,5 cm mỗi tháng.
Con số tương đương với mức tăng 7,5 cm sau mỗi 3 tháng. Và vì giai đoạn này, dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sữa mẹ, do đó, có thể nói sữa đã đóng góp vào toàn bộ hệ số 30% dinh dưỡng quyết định đến chiều cao của trẻ.
Sau đó, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ sẽ giảm mạnh. Trong giai đoạn từ 1-4 tuổi, trung bình, trẻ chỉ còn tăng được 10 cm/năm, mức suy giảm 70% so với giai đoạn tăng trưởng nóng đầu đời.
Con số tiếp tục giảm xuống chỉ còn một nửa, 5 cm/năm trong giai đoạn từ 4-12 tuổi, và chỉ tăng trở lại khi trẻ bắt đầu vào giai đoạn dậy thì.


Biểu đồ tăng chiều cao lành mạnh theo độ tuổi.
Đối với trẻ em gái, tuổi dậy thì thường trong khoảng 8-13 tuổi. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng chiều cao của trẻ có thể đạt đỉnh ở 11 cm/năm. Đối với trẻ em trai, tuổi dậy thì bắt đầu muộn hơn, trong khoảng 9,5-14 tuổi, với tốc độ tăng chiều cao đạt đỉnh ở 13 cm/năm.
Các nhà khoa học gọi đỉnh này bằng một khái niệm "Peak Height Velocity -PHV" hay tốc độ tăng chiều cao đỉnh. Nhưng đỉnh này cũng chỉ kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng và không vượt ngưỡng 15 cm/năm.
Vì vậy, ngay cả trên đỉnh PHV này, trẻ cũng không thể đạt được tốc độ tăng trưởng 5cm/3 tháng, tương đương với 20 cm/năm như các loại sữa được quảng cáo một cách thổi phồng.
Chỉ trừ một trường hợp có thể xảy ra, đó là trường hợp tăng chiều cao bệnh lý, xảy ra ở những đứa trẻ mắc phải "bệnh khổng lồ".

Peak Height Velocity -PHV" hay tốc độ tăng chiều cao đỉnh ở trẻ em nam và trẻ em nữ.
Bệnh khổng lồ (Gigantism) là một rối loạn hiếm gặp xảy ra khi tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng (GH - Growth Hormone) trong giai đoạn trẻ em hoặc thanh thiếu niên, trước khi các sụn tăng trưởng ở xương đóng lại.
Điều này dẫn đến sự phát triển quá mức về chiều cao và kích thước cơ thể so với người bình thường cùng độ tuổi. Bệnh khổng lồ thường xuất phát từ một khối u trong tuyến yên của trẻ, thứ kích thích GH tiết quá mức, dẫn đến dư thừa yếu tố tăng trưởng chiều cao IGF-1 (Insulin-like Growth Factor 1) thúc đẩy tăng trưởng mô và xương.
IGF-1 chính là hợp chất có mặt trong nhiều loại sữa. Do đó, nếu một đứa trẻ đã mắc bệnh khổng lồ, việc uống sữa sẽ chỉ làm cho tình trạng trở nên trầm trọng.
Nếu chiều cao của những người mắc bệnh khổng lồ không được kiểm soát, họ tự đặt mình vào nguy cơ phì đại tim và suy tim, do trái tim phải làm việc quá sức để nuôi dưỡng cơ thể quá khổ.
Những người mắc bệnh khổng lồ cũng thường bị biến dạng khuôn mặt, tay chân, gặp các vấn đề về xương khớp, thị giác, rối loạn chuyển hóa. Về cơ bản, họ có tuổi thọ thấp hơn so với mặt bằng chung dân số. Lúc này, cao và cao nhanh không hề tốt mà còn nguy hiểm.

Yao Defen, người phụ nữ cao hơn 2,2 mét ở Trung Quốc nhưng chỉ thọ 39 tuổi.
Con số hợp lý
Như tiến sĩ Vũ đã chỉ ra, chiều cao là một yếu tố được quyết định bởi cả di truyền và môi trường bao gồm dinh dưỡng, trong đó, yếu tố di truyền chiếm tới 60-80% chiều cao của trẻ.
Do vậy, các quảng cáo sữa kiểu như "Mặc bố mẹ thấp [uống sữa vào sẽ giúp] con cao bất chấp là rất giả tạo", anh cho biết.
Trên thực tế, các nhà khoa học có một công thức có thể cho phép các bậc cha mẹ tính toán tương đối chiều cao lành mạnh của con mình. Nó được gọi là Midparental Height (MPH).
Nếu trẻ sinh ra là con trai , chiều cao tiềm năng MPH (cm) của trẻ sẽ tính bằng [chiều cao của bố + (chiều cao của mẹ +13)]/2.
Nếu trẻ sinh ra là con gái , chiều cao tiềm năng MPH (cm) của trẻ sẽ tính bằng [(chiều cao của bố - 13) + chiều cao của mẹ]/2.
Ví dụ, nếu bố cao 172,72 cm, mẹ cao 157,48 cm, thì chiều cao tiềm năng của con trai sẽ là [172,72 cm + (157,48 cm + 13 cm)]/2 = 171,6 cm. Chiều cao tiềm năng của con gái sẽ là [(172,72 cm – 13 cm) + 157,48 cm]/2 = 158,6 cm.
Những con số này có thể dao động trong khoảng ±8,5 đến ±10 cm, dẫn đến việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một biểu đồ tăng trưởng chiều cao khỏe mạnh cho trẻ mà bạn có thể đối chiếu:



Câu hỏi đặt ra cuối cùng là: Làm thế nào để giúp trẻ đạt được tới chiều cao tiềm năng? "Thật ra, điều này không quá khó khăn. Mọi thứ đều nằm trong tầm tay bạn, ngay cả khi điều kiện kinh tế không mấy dư dả", tiến sĩ Vũ cho biết.
Đầu tiên, vẫn phải khẳng định ngoài gen di truyền thì dinh dưỡng là yếu tố nền tảng tiếp theo cho sự phát triển chiều cao. Trong giai đoạn tăng trưởng, bạn cần đảm bảo trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, để nạp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu như:
Protein từ thịt, cá, trứng, sữa, và đậu giúp xây dựng mô và cơ bắp. Canxi và vitamin D, có trong sữa, cá hồi, rau xanh, và ánh nắng mặt trời, hỗ trợ phát triển xương chắc khỏe. Kẽm và magie (từ hạt, ngũ cốc, và hải sản) cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng.
Đặc biệt tránh chế độ ăn thiếu chất hoặc thừa đường, tránh đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến với nhiều chất béo bão hòa, vì chúng có thể cản trở hấp thụ dinh dưỡng.
Thứ hai, đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, bởi hormone tăng trưởng (GH) được tiết ra nhiều nhất trong giấc ngủ sâu, đặc biệt vào ban đêm. Trẻ em và thanh thiếu niên cần ngủ 8-10 tiếng mỗi đêm, trong môi trường yên tĩnh, tối, và thoải mái.
Thiếu ngủ hoặc ngủ không đúng giờ có thể làm giảm sản xuất GH, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ đi ngủ sớm (trước 22h) và duy trì thói quen ngủ đều đặn. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ để đảm bảo giấc ngủ chất lượng.
Thứ ba, tập thể dục kích thích sự phát triển của xương và cơ bắp, đồng thời cải thiện lưu thông máu, giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Các môn thể thao như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, hoặc yoga có thể hỗ trợ kéo dài cột sống và tăng cường sức mạnh xương. Các bài tập nhảy dây, đu xà, hoặc chạy bộ cũng thúc đẩy sự phát triển chiều cao.

"Đừng quên vận động thể chất, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng là những yếu tố thiết yếu giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu – mà không cần phải lệ thuộc vào các sản phẩm sữa chức năng đắt tiền", tiến sĩ Vũ cho biết.
Cuối cùng, trong một số trường hợp, trẻ có thể gặp các rối loạn tăng trưởng do thiếu hormone hoặc bệnh lý như bệnh khổng lồ. Nếu trẻ phát triển chiều cao bất thường (quá chậm hoặc quá nhanh), cần tham khảo ý kiến bác sĩ nội tiết. Xét nghiệm máu, chụp X-quang xương, hoặc đo hormone có thể giúp xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
ChatGPT viết prompt, Claude/Gemini và Cursor dựng code trong 5 phút, tôi chỉ... đứng nhìn: Flappy Bird "made by AI" hóa ra chơi được thật!
Tôi thử bảo AI tái tạo lại Flappy Bird huyền thoại chỉ bằng một dòng prompt và ngỡ ngàng khi game chạy mượt, chơi được thật, nhưng cái kết thì hơi... khó nói.
Giới khoa học bối rối khi phát hiện đàn dê sống sót hơn 250 năm trên đảo hoang không có nước ngọt