Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm

    PV,  

    Thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề con người.

    Mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có chiến lược riêng, nhưng ở Việt Nam, các quỹ rất khó hoạt động đúng bản chất.


    Sôi động


    Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm 1
    Quỹ DFJV của VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước đầu tiên được thành lập.

    Tại thị trường Việt Nam, hiện có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông.


    Trong đó, có thể kể đến một số tên tuổi, như DFJV, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên trong nước, thuộc VinaCapital liên doanh với Quỹ Draper Fisher Jurvetson (DFJ) của Mỹ; Quỹ CyberAgent (Nhật Bản), Quỹ IDG Ventures Việt Nam (IDGVV) thuộc Quỹ IDG (Mỹ)... Tuy nhiên, hoạt động mạnh và có nhiều khoản đầu tư nhất vẫn là IDGVV và DFJV.


    Trong đó, IDGVV được biết đến là quỹ đầu tư mạo hiểm thực sự với 40 khoản đầu tư, chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực: hạ tầng thương mại điện tử, thông tin - truyền thông; kinh doanh công nghệ; truyền thông giải trí.


    Ngoài ra, IDGVV cũng đang lên kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực khác, như năng lượng sạch, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. IDGVV đang gây quỹ thứ hai trị giá 150 triệu USD để đầu tư vào các lĩnh vực trên, dự kiến giữa năm nay sẽ bắt đầu giải ngân.


    Đáng chú ý trong chiến lược đầu tư của IDGVV là, dựa vào 20% các khoản đầu tư để mang về 80% tổng lợi nhuận cho Quỹ.


    Điểm lại danh mục đầu tư của IDGVV, mỗi mảng có 1 - 2 thương vụ thành công. Cụ thể, ở 2 mảng thông tin - truyền thông và kinh doanh công nghệ, khoản đầu tư của IDGVV vào VCCorp (chủ sở hữu các trang Bamboo, CafeF…) và PeaceSoft (quản lý trang NganLuong.vn và trang ChoDienTu.vn) đều đạt tỷ suất sinh lời nội bộ khá cao, hơn 30%.


    Ở mảng truyền thông - giải trí và hạ tầng thương mại điện tử, 2 cái tên đang làm mưa, làm gió ở thị trường Việt Nam là VinaGame (tiền thân của Tập đoàn VNG) và DiaDiem JSC (sáng lập NhomMua.com).


    Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch IDGVV cho biết, Quỹ IDG đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ sử dụng nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, vì đây là những lĩnh vực rất tiềm năng.


    Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm 2
    Ông Nguyễn Hồng Trường.


    Thứ nhất, sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sang sử dụng các dịch vụ online và mobile nhằm tối ưu hóa chi phí và tăng cường hiệu quả kinh doanh.


    Các doanh nghiệp được IDGVV đầu tư đã đón đầu xu hướng này và các dịch vụ mà họ cung cấp cho thị trường đã chứng minh tính hiệu quả. Các hình thức quảng cáo trực tuyến hay bán hàng qua mạng có chi phí thấp hơn và doanh số bán hàng cao hơn, do đó hai lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với quảng cáo truyền thống hay thương mại truyền thống.


    Thứ hai, sự phát triển mạnh của các dịch vụ nội dung số đi theo sự phát triển của Internet và mobile, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, giáo dục, game, nội dung mobile và truyền thông xã hội.


    “Đây là nền tảng cho sự phát triển bùng nổ của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông ở Việt Nam trong thời gian tới, với khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với các ngành sản xuất, kinh doanh truyền thống. IDG với tư cách nhà đầu tư, rất hài lòng với sự phát triển này”, ông Trường khẳng định.


    Nếu IDGVV luôn sẵn sàng bung tiền ra với hàng loạt danh mục công ty, thì DFJV lại thực hiện chiến lược “ăn chắc mặc bền”. “Chúng tôi luôn tìm kiếm những công ty đang ở giai đoạn lớn lên, chứ không phải những doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ với những ý tưởng kinh doanh mơ hồ”, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành DFJV cho hay.


    Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm 3
    Ông Thân Trọng Phúc.


    Danh mục các khoản đầu tư của DFJV chỉ đếm trên đầu ngón tay và ông Phúc chia chúng ra thành đèn xanh - đèn vàng - đèn đỏ. Năm nay, trong 10 danh mục đầu tư của Quỹ, có khoảng 50% sẽ thoát ra khỏi vùng báo động đỏ. Cụ thể, có 3 công ty đang ở thế đèn xanh, có hoạt động kinh doanh tốt, nhiều nhà đầu tư muốn mua.


    Đối mặt với thách thức


    Ông Phúc thừa nhận, trong số các quỹ đang hoạt động mạnh tại Việt Nam, chỉ duy nhất IDGVV hoạt động đúng với bản chất của quỹ đầu tư mạo hiểm.




    Trong khi đó, DFJV của ông lại không thể áp dụng chiến lược đầu tư đúng với bản chất mạo hiểm. Lý do là, thị trường Việt Nam chưa đủ các yếu tố thực sự tốt cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động thành công.


    Vậy thế nào là nhà đầu tư mạo hiểm? Theo Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm quốc gia của Hoa Kỳ, “nhà đầu tư mạo hiểm” là nhà đầu tư chuyên nghiệp, chuyên gây quỹ và xây dựng doanh nghiệp trẻ mang tính đột phá.


    Nhà đầu tư mạo hiểm là nhà đầu tư dài hạn, trực tiếp tham gia các dự án đầu tư và tích cực làm việc với đội ngũ quản lý để xây dựng một doanh nghiệp lớn.


    Nhà đầu tư mạo hiểm có thể tham gia từ những giai đoạn đầu phát triển sản phẩm đến khi có được doanh thu. Công ty có thể cần, hoặc không cần kêu gọi thêm vốn trước khi họ đạt được lợi nhuận. Quy mô đầu tư vì vậy đa dạng hơn, tùy thuộc từng ngành. Nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư lâu dài và giữ vai trò chủ động trong HĐQT và đôi khi trong Ban điều hành.


    Mỗi quỹ có một chiến lược riêng, nhưng ở khu vực Đông Nam Á (trừ Singapore và Indonesia) đầu tư mạo hiểm chứa đựng nhiều rủi ro hơn, vì ý tưởng hay, đột phá, nhưng cơ sở hạ tầng và các yếu tố hỗ trợ rất hạn chế.


    “Đó là lý do để chúng tôi không dám rót vốn dàn trải vào những khoản đầu tư nhỏ”, ông Phúc nói và cho biết, DFJV cũng muốn có chân trong các công ty thương mại điện tử, nhưng vài năm nữa mới tìm nơi bỏ vốn. Kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn có quá nhiều rủi ro, khi doanh nghiệp chưa gây dựng được uy tín và thói quen tiêu dùng của người dân chưa sẵn sàng cho mô hình thương mại điện tử phát triển đúng nghĩa, giống như eBay, Amazone.


    Hơn nữa, tất cả các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam đều cho rằng, thách thức lớn nhất đối với họ vẫn là bài toán con người. Với những công ty đã có quy mô, khả năng quản trị của ban điều hành cần tốt hơn nhiều, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tăng trưởng bền vững và không “ngủ quên” trên chiến thắng.


    Đối với những DN mới khởi nghiệp, đang kêu gọi vốn đầu tư, khả năng điều hành công ty của những sáng lập viên nhiều ý tưởng sản phẩm, nhưng thiếu kinh nghiệm quản trị cũng là thách thức lớn. Bởi lẽ, thành công của một công ty không chỉ ở việc tạo ra một sản phẩm tiềm năng, mà còn là làm thế nào để biến tiềm năng đó thành hiện thực.


    Chờ bứt phá


    Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thể mạo hiểm 4



    Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, thị trường Internet Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, quy mô thị trường còn tiếp tục mở rộng, để có đủ tiềm năng bứt phá cho tất cả DN trong tương lai.


    Năm nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm ở thị trường Việt Nam sẽ hướng vào hai phân khúc chính.


    Thứ nhất, tăng trưởng đầu tư cho những doanh nghiệp Internet đã đạt được lợi thế theo quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực nội dung số, quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử và các dịch vụ online như giáo dục, du lịch, việc làm.


    Thứ hai, nhắm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong một số lĩnh vực về nội dung di động, các dịch vụ trên nền tảng mobile và một số thị trường ngách trong lĩnh vực thương mại điện tử.


    Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông vẫn tăng trưởng, chứ không thu hẹp như một số ngành khác, do các xu hướng sản phẩm mới trong ngành này liên tục được giới thiệu trên thế giới. Việt Nam có cơ hội để áp dụng tương tự tại thị trường nội địa.


    Liên quan đến vấn đề thoái vốn, trung bình, các quỹ đầu tư đều xác định sẽ thoái vốn trong khoảng thời gian 4 - 7 năm và họ tin các khoản đầu tư thành công sẽ tạo nên lực hút đối với hoạt động mua bán, sáp nhập trong tương lai. Vậy nên, họ không quá lo lắng vào chuyện thoái vốn, mà tập trung vào việc hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư củng cố và phát triển hoạt động kinh doanh thật ổn định, để có thể bán với mức giá tốt nhất.


    Theo Báo đầu tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày