"Quỷ dữ" Monsanto: Tác giả của chất độc màu da cam, kẻ tình nghi của dịch bò điên, virus gây teo não
Trong một thập kỷ qua, tập đoàn Monsanto vốn nổi tiếng trong ngành phân bón, hóa học và thực phẩm biến đổi gen đã trở thành mục tiêu đả kích của nhiều tổ chức. Mới đây, dị tật đầu nhỏ của trẻ sơ sinh cũng bị nghi ngờ là do chất độc sản xuất bởi công ty này.
Công ty Monsanto với kế hoạch nâng cao hiệu suất cây trồng thông qua biến đổi gen đã gặp phải nhiều tiếng nói phản đối, biểu tình và bị đưa vào nhiều bộ phim tài liệu liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trên các trang mạng xã hội như Facebook, thương hiệu Monsanto thường bị gắn kèm với từ “quỷ dữ” nhằm thể hiện sự bất bình của cộng đồng mạng đối với công ty. Trong bảng xếp hạng các DN bị ghét nhất thế giới, Monsato thường tranh giành vị trí số 1.
Thậm chí, khi Monsanto mua công ty chuyên về số liệu thời tiết Climate Corporation với giá khoảng 1 tỷ USD, CEO của Climate là ông David Friedberg cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, kể cả các nhân viên trong chính công ty mình.
Chính cha của ông Frieadberg cũng đã thốt lên: “Monsanto ư? Đó có phải công ty đáng ghét nhất trên thế giới không? Cha tưởng con muốn làm thế giới trở nên tốt hơn chứ?”.
Vậy đâu là nguyên nhân cho sự thù ghét trên? Câu trả lời đến từ quá khứ không mấy tốt đẹp của Monsanto.
Mặc dù Monsanto không phải công ty duy nhất thực hiện các sản phẩm biến đổi gen cũng như bị các tổ chức xã hội chỉ trích, nhưng hãng đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi coi thường sức mạnh của dư luận và phải trả giá đắt.
Từ chất độc màu da cam cho tới dị tật đầu nhỏ ở Brazil
Từ khi được thành lập vào năm 1901, Monsanto đã vấp phải nhiều chỉ trích khi hãng hóa chất này sản xuất nhiều loại sản phẩm gây hại cho môi trường cũng như người tiêu dùng, như chất độc màu da cam (dioxin), hóc môn tăng sữa cho bò, chất làm ngọt nhân tạo có khả năng gây ung thư Aspartame (E951)...
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hơn 19 triệu gallon (khoảng 76 triệu lít) chất diệt cỏ, hay còn gọi là chất độc màu da cam. Thành phần chính của loại chất hóa học này là Dioxin dùng để diệt cỏ.
Mặc dù chính quyền Washington tuyên bố loại hóa chất trên vô hại nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy loại chất này có thể khiến trẻ sơ sinh gặp dị tật, bao gồm tật teo não (đầu nhỏ) và di truyền cho các thế hệ sau.
Kể từ thập niên 80, Monsanto giảm đầu tư vào mảng hóa chất và dịch chuyển dần sang mảng công nghệ sinh học và thực phẩm biến đổi gen. Hiện nay, Monsanto tuyên bố hãng đặt mục tiêu phát triển trở thành tập đoàn chuyên về nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên mới đây, theo các quan chức Brazil, quốc gia này đã sử dụng một lượng lớn chất diệt cỏ có độc tính cao hơn so với bình thường nhằm dọn dẹp những rừng cây đã quá già ở khu vực rừng Amazon, qua đó tiết kiệm chi phí.
Một khảo sát mới đây trên 440 mẫu Anh tại rừng nhiệt đới Amazon cho thấy những cánh rừng và động vật ở đây đã nhiễm những chất độc diệt cỏ mà chính phủ Brazil phun xuống, qua đó có thể ảnh hưởng đến những thế hệ cây cối cũng như động vật đời kế tiếp.
Trong tuần trước, khoảng 4 tấn chất độc màu da cam được phát hiện gần khu vực rừng Amazon chờ sử dụng. Nếu số hóa chất này được dùng, khoảng 30 triệu m2 rừng cây sẽ nhiễm độc, bao gồm cả các động vật và nguồn nước trong đó.
Kẻ tình nghi của dịch bò điên ở Anh
Mọi chuyện bắt đầu từ cuối thập niên 90 khi Monsanto đưa những sản phẩm biến đổi gen vào Châu Âu và làm dư luận dậy sóng, nhưng hãng thay vì trấn an người tiêu dùng thì lại sử dụng các biện pháp cứng rắn, qua đó làm xói mòn hình ảnh công ty.
Sản phẩm biến đổi gen đầu tiên của Monsanto là đậu tương và được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép vào năm 1994. Dẫu vậy, không có nhiều người tiêu dùng Mỹ biết đến loại sản phẩm này cho đến khi Monsanto cố gắng bán chúng sang Châu Âu, và đây là thời điểm mọi chuyện bắt đầu.
Năm 1996, nước Anh rúng động với dịch bệnh bò điên khiến người tiêu dùng lo sợ. Dư luận nước Anh khi đó đã dấy lên nghi ngờ rằng chính các hạt đậu tương biến đổi gen cho bò ăn là nguyên nhân chính gây ra loại dịch bệnh này.
Mặc dù đậu tương biến đổi gen của Monsanto đã được liên minh Châu Âu (EU) thông qua kiểm định về chất lượng, nhưng người dân Anh khi đó vẫn có phản ứng tiêu cực với loại sản phẩm này. Nhiều cửa hàng ở Anh khi đó từ chối bán loại sản phẩm này sau dịch bò điên trong khi hàng loạt các tổ chức xã hội và môi trường tăng cường biểu tình phản đối Monsanto.
Thậm chí Thái tử Anh Charles cũng đã có bài phỏng vấn cho rằng sản phẩm biến đổi gen đang đi ngược lại truyền thống của tự nhiên.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là Mosnanto lại khá coi thường cơn bão dư luận này. Trong cuốn hồi ký của mình, Giám đốc Truyền thông Philip Angell của Monsanto thời đó cho rằng sự nghi ngờ của người tiêu dùng Anh với sản phẩm của hãng là “một điều đáng tiếc” nhưng ông vẫn tự tin công ty có thể vượt qua được vấn đề này.
Thậm chí, một cựu nhân viên giấu tên cho biết thái độ của Monsanto khi đó với sự phản đối trong dư luận là “Nếu bạn không thích sản phẩm của chúng tôi và có ý định ngăn chặn chúng, công ty có quyền kiện bạn về tội vi phạm tự do thương mại”.
Khi đó, Monsanto đã đưa ra một chiến dịch quảng cáo với chi phí 1,6 tỷ USD mang theo thông điệp thực phẩm biến đổi gen là an toàn và người tiêu dùng nên nghe ý kiến từ nhiều phía. Hãng cũng cho đính kèm thông tin liên lạc của các tổ chức môi trường trong đoạn quảng cáo. Trớ trêu thay, người tiêu dùng khi đó cho rằng chiến dịch marketing trên của Monsanto là không thành thật.
Khi nhận ra tình hình đã quá nghiêm trọng và vượt ngoài tầm kiểm soát, Monsanto quyết định cố gắng cứu vớt hình ảnh thương hiệu công ty bằng nhiều cách khác nhau, từ tham gia đối thoại với các bên liên quan tại Châu Âu cho đến hạ mình xin lỗi tại hội nghị hòa bình xanh (GreenPeace) năm 1999.
Dẫu vậy, mọi chuyện đã quá muộn và Monsanto trở thành hình ảnh xấu xí tiêu biểu cho thương hiệu sản phẩm biến đổi gen tại Anh kể từ đó.
Sản phẩm “Kẻ Hủy diệt”
Năm 1998, Monsanto mua lại công ty Delta Pine and Land Company, một doanh nghiệp phát triển thành công loại hạt giống chỉ có thể trồng một lần cho năng suất cao và không thể tái sử dụng làm hạt giống lần 2, hay còn được các tổ chức môi trường gọi là “Kẻ Hủy diệt”.
Sản phẩm này khiến những người nông dân buộc phải mua hạt giống mới mỗi năm với nông sản biến đổi gen để cho năng suất cao nhất mà không thể sàng lọc tái sử dụng từ hạt giống cũ.
Điều này cũng tương tự khi người tiêu dùng sử dụng một công nghệ mới và họ bị buộc phải ký kết một thỏa thuận độc quyền với nhà cung cấp dịch vụ.
Do đó trong trường hợp những người nông dân cố tình vi phạm điều khoản trên, nghĩa là nếu họ cố gắng trồng nông sản biến đổi gen không phải từ hạt giống mua của Monsanto, công ty sẽ kiện họ ra tòa vì vi phạm bản quyền.
Biểu tình chống Monsanto ở Chile năm 2013
Xem xét theo khía cạnh kinh doanh, việc làm của Monsanto là hoàn toàn hợp pháp, nhưng động thái này lại không phù hợp với đạo đức xã hội. Việc đăng ký bản quyền hạt giống không thể tương tự như đăng ký bản quyền phần mềm bởi đây là loại tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền sở hữu của tất cả mọi người, như đất và nước.
Việc Monsanto phát triển hạt giống biến đổi gen là bình thường, nhưng ép người nông dân phải liên tục mua hạt giống qua mỗi mùa vụ là điều khiến nhiều tổ chức và người tiêu dùng phẫn nộ.
Năm 1998, Monsanto thắng trong một vụ kiện với ông Percy Schmeiser, một nông dân Canada sau khi ông này từ chối trả khoản phí trồng cây cải dầu biến đổi gen của Monsanto. Ông Schmeiser cho rằng những hạt giống biến đổi gen của Monsanto đã vô tình bay vào trang trại của ông và vì không có chủ đích trồng loại cây biến đổi gen nên ông không cần phải trả phí.
Dù Monsanto thắng kiện nhưng ông Schemeiser lại được dư luận ủng hộ và xuất hiện trong nhiều bộ phim tài liệu chống lại công ty. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng ông Schmeiser là anh hùng chống lại cả một đế chế xấu xa.
Đáp lại, Monsanto chỉ đưa ra câu trả lời gọn lỏn: “Sự thật là ông Percy Schmeiser không phải là một anh hùng. Ông ta chỉ là một người vi phạm luật bản quyền và biết cách kể một câu chuyện hay ho với mọi người”.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng