Quy tắc '2 tài khoản' giúp người mới đi làm không hết tiền vào cuối tháng
Là một người mới đi làm, tôi phải tự đặt cho mình quy tắc trong quản lý tài chính để không gặp tình trạng cháy túi, cũng như tiết kiệm được tiền cho tương lai.
Tiền đối với tôi
Tôi có mối quan hệ yêu - ghét với tiền! Tôi yêu tiền vì nó có thể mở ra những cơ hội mới như học kỹ năng mềm để nâng cấp bản thân, du lịch, đi chơi với bạn bè, người thân, mua các món đồ mà tôi thích… Nhưng ngược lại tiền cũng là thứ mà tôi phải cố gắng thật nhiều mới kiếm được, nhưng nếu không biết giữ vào đầu tháng thì sẽ “bay sạch” vào cuối tháng.
Là một người thuộc thế hệ trẻ mọi người gọi là “Gen Z” trong môi trường năng động là thành phố Hà Nội, xung quanh tôi có quá nhiều “cám dỗ” để tiêu tiền. Mặc dù muốn có một cuộc sống hưởng thụ nhưng rõ ràng đối với một người mới đi làm thì lương nếu tiêu quá tay chắc chắn sẽ hết.
Cũng vì vậy mà tôi ý thức được việc mình phải tiết kiệm, về ngắn hạn thì để không gặp tình trạng “cháy túi” vào cuối tháng, còn về dài hạn thì để tích trữ cho những dự định dài hơi. Từ đó tôi tạo cho mình quy tắc “2 tài khoản”, sau một thời gian thử nghiệm thì cũng đã thấy được hiệu quả.
Không có nhiều tiền thì mở 2 tài khoản ngân hàng làm gì?
Sự thật là việc tôi có 2 tài khoản ngân hàng lúc đầu không phải là chủ ý, mà vì ngân hàng liên kết với công ty để trả lương lại không phải là ngân hàng mà trước đây tôi sử dụng cho mục đích cá nhân.
Nhưng khi có 2 tài khoản, tôi phân chia rõ ràng là một tài khoản để tiêu dùng, chi trả những thứ hàng ngày như ăn sáng, ăn trưa, đổ xăng, gửi xe, ăn uống với bạn bè cuối tuần, trả tiền điện vào đầu tháng… và một tài khoản chỉ dành cho tiết kiệm và những lần chi tiêu lớn (mua các món đồ giá trị cao) và gửi tiền cho phụ huynh.
Tài khoản tiêu dùng chính là tài khoản mà công ty sử dụng để trả lương. Ngay ngày đầu nhận được tiền lương, tôi sẽ lập tức chuyển một nửa vào tài khoản tiết kiệm và giữ nửa còn lại dành cho việc chi tiêu thường nhật. Tỷ lệ tiêu dùng / tiết kiệm đối với mỗi người chắc chắn sẽ khác nhau, cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của từng người nhưng đối với tôi đây là tỷ lệ hợp lý. Tài khoản tiết kiệm khi đạt đến một số tiền nhất định sẽ được tôi mở sổ tiết kiệm với thời gian 6 tháng - 1 năm.
Nếu như ngại tạo một tài khoản mới, một cách làm đơn giản hơn là sử dụng một tài khoản ngân hàng để tiết kiệm và một ví điện tử (Momo, ZaloPay, Moca…) để làm tài khoản thanh toán. Tuy vậy cách này có nhược điểm là khi muốn rút tiền mặt thì vẫn sẽ phải “động” tới tài khoản ngân hàng.
Cách tôi để thẻ của mỗi tài khoản trong ví cũng được tính kỹ! Thẻ tiêu dùng được đặt cao nên dễ lấy hơn trong những lúc thanh toán và cũng là thẻ mua sắm hợp tác với Mastercard nên khi chi trả không cần phải nhập mã pin. Thẻ của tài khoản tiết kiệm tất nhiên là đặt ở nơi “khuất” và khó lấy hơn trong ví, chỉ là thẻ ghi nợ thông thường nên mỗi khi sử dụng thanh toán sẽ phải nhập mã pin. Thậm chí để tăng tính hiệu quả hơn thì tôi có thể hủy thẻ của tài khoản tiết kiệm, chỉ sử dụng hoàn toàn qua ứng dụng với các giao lịch lớn.
Tiết kiệm được hay không vẫn do cách suy nghĩ
Thực chất đây là một “quy tắc mềm”, nó không cứng nhắc vì đôi khi tôi vẫn sử dụng tới tài khoản tiết kiệm để mua đồ, hoặc có những tháng vẫn tiêu quá số tiền tự định mức cho bản thân. Tuy vậy sau 1 năm áp dụng quy tắc này, tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản nhỏ để lo cho tương lai, phòng trừ trường hợp ốm đau của bản thân và gia đình. Tôi đã không gặp tình trạng “cháy túi” và phải vay người này, người kia để mua đồ nữa.
Quy tắc này được tôi đặt ra để trở thành một “vật cản” mỗi khi muốn chi tiêu gì đó: Thấy số dư còn lại trong tài khoản chi tiêu không còn nhiều nên không muốn mua nữa, hoặc rút thẻ của tài khoản tiết kiệm ra để chi trả cảm thấy khó nên cũng… không muốn mua nữa! Song sự thật là “vật cản” này không quá khó để vượt qua, tiền ở tài khoản nào thì vẫn… là tiền của bạn, đã muốn sử dụng thì không ai có thể ngăn cấm được bạn cả.
Cách tiết kiệm hữu hiệu nhất vẫn là thay đổi cách suy nghĩ mà thôi. Thay vì mua một cốc Starbuck tôi mua nước từ anh bán cà phê dạo trên xe máy với giá chỉ 10.000 Đồng, thay vì thay smartphone mỗi năm một lần thì phải 3 năm tôi mới làm điều đó, quần áo tôi cũng mặc thật đơn giản chứ không mua quá nhiều. Đơn giản vì với cá nhân tôi, cảnh sống “Đầu tháng bung xõa cuối tháng trắng tay” đem lại thật nhiều thất thỏm, lo âu!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng