Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đã 5 lần suýt bị hủy diệt trong suốt 30.000 năm qua
Đã 5 lần trong quá khứ rạn san hô Great Barrier - rạn san hô lớn nhất thế giới - thoát khỏi bờ vực của sự diệt vong. Thế nhưng kỳ tích này liệu có lặp lại nữa?
Suốt 30.000 năm qua, rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đã phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa đe dọa đến sự tồn vong của mình, như nước biển dâng, nhiệt độ nước biển tăng cao, hay lượng trầm tích dưới đáy biển tăng cao. Thế nhưng, bất chấp những hiểm nguy đe dọa, thì rạn san hô này vẫn sống sót, dù đã 5 lần đứng sát bên bờ vực của sự diệt vong - theo như nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học được thực hiện ở khu vực Bắc Queensland, Úc.
"Tại đây, chúng tôi đã ghi lại sự phát triển và tiến hóa của rạn san hô Great Barrier, trước những thay đổi lớn về mặt môi trường trong suốt hơn 30.000 năm qua, trên cơ sở dữ liệu về trầm tích và mặt địa lý được tìm thấy dựa vào các lõi rạn san hô hóa thạch." - nhóm nghiên cứu cho biết.
Những gì nhóm nghiên cứu ghi lại đã cho chúng ta thấy được rằng, rặn san hô Great Barrier đã từng hai lần bị phá hủy trên diện rộng - do nước biển cạn khiến cho rạn san hô bị phơi bày ra ngoài không khí. Chúng lần lượt diễn ra vào 30.000 và 22.000 năm trước. Khi ấy, rạn san hô đã dần dịch chuyển hướng về phía biển để sinh tồn.
Hai lần "đại nạn" tiếp theo diễn ra vào khoảng 17.000 và 13.000 năm trước, khi nước biển liên tục dâng cao ngoài tầm kiểm soát. Rạn san hô lúc đó lại dần dịch chuyển ngược về phía đất liền để tránh bị chết ngạt.
Lần đại nạn cuối cùng diễn ra vào khoảng 10.000 năm trước, nguyên nhân là bởi lượng trầm tích dưới đáy biển tăng cao, chất lượng nước biển giảm xuống, cũng như do nước biển tiếp tục dâng lên.
San hô có thể chết khô, và cũng có thể chết ngạt
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rạn san hô đã từng thoát khỏi việc bị diệt vong gây ra bởi những biến đổi môi trường nghiêm trọng, chẳng hạn như việc băng tan chảy làm nước biển dâng cao." - nhà địa chất học Jody Webster đến từ trường đại học Sydney cho biết.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rạn san hô cũng rất nhạy cảm với những thay đổi tăng cao của trầm tích trong nước biển, và đây là vấn đề tương đối nguy hiểm, gây ra bởi cách mà chúng ta đang sử dụng đất".
Mặc dù trong quá khứ đã 5 lần rạn san hô Great Barrier "thoát nạn", tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng kỳ tích này sẽ chắc chắn lặp lại lần nữa, khi mà ở thời điểm hiện tại rạn san hô đang dần bị thu hẹp lại với tốc độ đáng báo động. Theo lời của nhóm nghiên cứu, rạn san hô này "chắc chắn chưa bao giờ từng đối mặt với những thay đổi chóng mặt về mực nước biển, cũng như nhiệt độ nước biển như hiện tại".
"Tôi hết sức lo ngại về khả năng mà rạn san hô có thể sinh tồn qua những sự thay đổi chóng mặt của môi trường hiện tại và trong tương lai" - ông Webster chia sẻ.
Nguyên nhân của điều này đến từ tốc độ thay đổi của môi trường sống trên Trái đất hiện tại. Nếu như trong quá khứ, nhiệt độ biển tăng lên vài độ sau khoảng 10.000 năm, thì nay chỉ mất khoảng 100 năm, nhiệt độ trung bình đã tăng lên khoảng 0,7 độ C rồi.
Vậy nên, nếu muốn cứu lấy một báu vật thiên nhiên như rạn san hô Great Barrier, chúng ta không thể nào trông chờ một phép màu nào đó xảy ra, mà phải trực tiếp hành động, bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như hạn chế việc phát thải carbon ra môi trường. Nếu không, những tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời như vậy sẽ chỉ còn được con cháu chúng ta biết đến trong sách vở mà thôi.
Tham khảo ScienceAlert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng