Razer BlackWidow Ultimate 2016: Phiên bản hoàn mỹ nhất của góa phụ đen
Sau ngần ấy năm, cuối cùng Razer đã lắng nghe game thủ để tạo ra phiên bản BlackWidow Ultimate hoàn thiện nhất từ trước tới nay.
Nhắc đến Gaming Gear, game thủ Việt không ai không nghĩ đến Razer - thương hiệu từ lâu đã chiếm được cảm tình nhờ thiết kế tinh tế và có nhiều sản phẩm phân khúc tầm trung phù hợp với túi tiền người Việt Nam.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Razer là BlackWidow Ultimate - dòng bàn phím chơi game thành công rực rỡ ngay từ những phiên bản đầu tiên ra lò cách đây đã 6 năm. Gần đây, hãng lại tiếp tục tung ra phiên bản tiếp theo của con gà đẻ trứng vàng này, có tên gọi BlackWidow Ultimate 2016, sở hữu nhiều cải tiến đáng giá so với những người tiền nhiệm. Liệu bộ bàn phím giá 2,9 triệu đồng này có tiếp nối được thành công của các đàn anh đi trước? Chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó ngay bây giờ.
Thông số kỹ thuật - Tính năng nổi bật
- Switch: Razer Switch, tuổi thọ 60 triệu lần nhấn.
- Tần số giao tiếp 1000 Hz.
- Nhận tối đa 10 phím cùng lúc (10 key roll-over).
- Tất cả các phím đều có thể lập trình Macro.
- Mỗi phím trang bị đèn led riêng biệt với 6 chế độ sáng khác nhau.
- Tích hợp jack Audio/Micro và USB bên hông bàn phím.
Tổng quan đóng hộp, phụ kiện
Razer nổi tiếng là thương hiệu Gaming Gear luôn chăm chút đến hình thức và thiết kế, không chỉ sản phẩm mà cả vỏ hộp cũng vậy. Là một sản phẩm được hãng coi là chủ đạo, BlackWidow Ultimate càng không ngoại lệ. Bên ngoài là hình ảnh bàn phím cùng các thông số chính.
Cứ mỗi năm Razer lại ra thêm 1-2 phiên bản BlackWidow với ít nhiều thay đổi, cải tiến. Vì vậy ở góc dưới bên phải vỏ hộp họ để dòng chữ 2016 EDITION rất to bằng màu xanh truyền thống, nổi bật giữa nền đen để dễ phân biệt với các bản cũ.
4 phim điều hướng để lộ ra ngoài, cho phép người dùng bấm thử để đánh giá chất lượng switch, cảm giác bấm và bề mặt phím trước khi quyết định.
Razer BlackWidow Ultimate 2016 có 2 phiên bản. Bản thường sử dụng Razer Green Switch có tiếng “click click” khi bạn gõ phím, lực phản hồi mạnh tương tự như switch Blue. Bản còn lại có tên BlackWidow Ultimate 2016 Stealth, sử dụng Razer Orange Switch.
Thông số Switch được liệt kê chi tiết ở mặt sau hộp.
Mở hộp! Khác với BlackWidow 2014 cầu kỳ kiểu cách, BWU 2016 được đóng đơn giản hơn nhưng vẫn chăm chút. Bàn phím được phủ bằng một tấm silicon, game thủ có thể sử đụng để đậy bàn phím chống bụi khi không sử dụng.
Phụ kiện đậm chất Razer Gaming Gear từ xưa đến nay: 2 sticker Razer màu xanh, 1 sách hướng dẫn và thư chào mừng bạn đến với thế giới Razer.
Thiết kế
BWU 2016 vẫn mang đậm dáng vẻ của người tiền nhiệm 2014. Tuy nhiên Razer đã mang đến 1 cải tiến rất đáng giá mà game thủ mong chờ bấy lâu: Đó chính là lược bỏ hàng nút Macro không cần thiết giúp bố cục phím trở về thông thường, game thủ không còn phải chật vật làm quen, cũng như không còn bấm nhầm nữa.
Chất liệu vỏ cũng được Razer cải tiến, không còn là nhựa sần bám vân tay như phiên bản trước. Lớp nhựa của bản 2016 này sờ vào có cảm giác khác hoàn toàn, mềm mại hơn và không hề bám vân tay.
Khu vực hàng phím chức năng (F1 -> F12) được chỉnh sửa lại, không còn quá sít nút ESC nữa mà theo vị trí tiêu chuẩn. Và đã là bàn phím Gaming, đương nhiên các nút này được tích hợp thêm chức năng Multimedia như chuyển bài hát, tăng giảm âm lượng, khóa phím Windows (tránh bấm nhầm khi chơi game), thay đổi độ sáng bàn phím…
Dây bàn phím được bọc dù, dày và cực kỳ chắc chắn. Bàn phím có 3 cổng kết nối với máy tính, bao gồm 1 cổng USB cấp tín hiệu và điện chính, 1 cổng HUB USB và 1 cổng 4-pole tích hợp tai nghe micro. Việc sử dụng cổng 4-pole thay cho 2 cổng tai nghe và micro riêng biệt có vẻ như là 1 cải lùi. Nếu sử dụng với máy tính để bàn (không tích hợp sẵn cổng 4-pole) game thủ chỉ có thể cắm được headphone vào bàn phím, còn jack micro lại phải luồn cắm vào case.
Ở mặt dưới, BWU 2016 có 5 chân đệm cao su chống trượt cùng 2 chân chống gia tăng độ dốc bàn phím. Khi bật lên, 2 chân chống này nảy tiếng tách to, chắc nịch, nghe cực sướng tai.
Logo Razer nằm chính giữa cạnh dưới của bàn phím, không cầu kỳ, không hoa mỹ nhưng lại làm ngất ngây con tim bao nhiêu game thủ.
Hệ thống đèn led
BWU 2016 mang trên mình ánh sáng xanh lá đặc trưng mê hoặc của Razer. Đèn led có màu sắc giống như phiên bản 2014 nhưng được cải thiện về tuổi thọ. Tấm nền bên dưới được sơn màu xanh lá giống màu đèn led, giúp ánh sáng liền mạch, không bị cảm giác ngắt quãng ở khe giữa các phím. Cũng nhờ tấm nền màu xanh lá này mà màu sắc đồng đều hơn.
Phần mềm: Điểm mạnh truyền thống của Razer
Giống như tất cả các sản phẩm Gaming Gear khác của Razer, BWU 2016 sử dụng trình điều khiển Razer Synapse 2.0 để điều khiển các chế độ led, cũng như tùy chỉnh bàn phím. Giao diện phần mềm có 3 tab là Customize, Lighting và Gaming Mode.
Ở tab đầu tiên (Customize) là hình ảnh chung của bàn phím. Game thủ có thể tạo và sử dụng các profile khác nhau ở tab này.
Tab thứ 2 (Lightning) là nơi người dùng điều chỉnh chế độ sáng của bàn phím. BWU 2016 được Razer ưu ái rất nhiều, cung cấp giao diện tương tác trực quan hơn nhiều so với phiên bản trước. Có tổng cộng 6 chế độ sáng:
- Breathing: Đèn led từ từ bật tắt giống như nhịp thở.
- Reactive: Đèn led sẽ sáng trên nút được nhấn rồi từ từ tắt.
- Ripple: Đèn led tỏa ra từ phím được nhấn.
- Static: Chế độ sáng tĩnh.
- Starlight: Đèn led bật tắt bất kỳ như bầu trời sao.
- Wave: Chế độ đèn led như sóng nước giống phiên bản Chroma, tuy nhiên chỉ có màu xanh lá thay vì 16,7 triệu màu.
Tại tab Gaming Mode, người dùng có thể bật chế độ chơi game của BWU 2016: Toàn bộ phím Windows, Alt Tab sẽ bị khóa, các hàng F sẽ trở thành nút Multimedia tương ứng.
Trải nghiệm sử dụng
BWU 2016 sử dụng Razer Switch giống các người tiền nhiệm 2014 và Chroma. Razer mang đến người dùng 2 phiên bản sử dụng Switch khác nhau:
- Phiên bản Green Switch: Cho tiếng gõ click đặc trưng (nhiều người so sánh với tiếng máy đánh chữ), cảm giác gõ “sướng” nhất.
- Phiên bản Orange Switch: Dành cho người cần sự tĩnh lặng tuyệt đối, tuy nhiên gõ không “phê” bằng Green Switch.
Cảm giác gõ của BWU 2016 có vẻ chắc chắn và “đanh” hơn phiên bản cũ. Phiên bản trong tay tôi sử dụng Green Switch, gõ văn bản và sử dụng thông thường cực thích, có thể gây nghiện sau thời gian ngắn.
Trong chiến trường game, khả năng Anti-Ghosting 10 phím cùng lúc là vừa đủ hoàn hảo (ngang với số ngón tay người), tất cả các tổ hợp phím phức tạp thường gặp khi chơi game đều nhận trơn tru.
Kết luận
Sau ngần ấy năm, cuối cùng Razer đã lắng nghe game thủ để tạo ra phiên bản BlackWidow Ultimate hoàn thiện nhất từ trước tới nay, trong đó đáng kể nhất là bố cục bàn phím được điều chỉnh lại. Hàng phím macro truyền thống đã được gỡ bỏ, nhờ vậy sản phẩm trở nên thân thiện hơn với người mới làm quen với dòng BWU. Bên cạnh đó, chất liệu vỏ đã có sự cải tiến, không còn bám vân tay như trước. Chất lượng nút bấm cũng đã có sự cải thiện, nảy và chắc chắn hơn.
Trong tầm giá dưới 3 triệu đồng, Razer Black Widow Ultimate 2016 là siêu phẩm rất đáng cân nhắc, đặc biệt nếu bạn là một fan cứng của Razer.
Ưu:
- Đèn led đẹp mắt, độ sáng đều.
- Thiết kế bàn phím và layout thay đổi so với phiên bản trước, dễ làm quen và sử dụng với người mới.
- Vỏ bàn phím chống bám vân tay.
- Cảm giác gõ thích hơn phiên bản cũ.
- Driver trực quan, dễ sử dụng.
- Tất cả các phím đều có thể lập trình macro.
Nhược:
- Jack audio 4-pole hơi bất tiện đối với máy bàn.
- Giá còn cao.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng