Robot cũng phải có khả năng quên như con người, nếu như ta muốn tạo ra những trí tuệ nhân tạo tiên tiến

    Dink,  

    Bộ não con người có khả năng "quên", và đó chính là điều khiến ta ở một đẳng cấp khác với trí tuệ nhân tạo.

    Ta, con người, hiểu cái cảm giác quên đi thứ gì chứ. Quên đi ngày sinh nhật của người yêu cũ, quên đi một kí ức tuổi thơ. Thậm chí, trong một bài thử nghiệm những người có trí nhớ siêu phàm – những người có khả năng nhớ thứ tự của một bộ bài trong chưa đầy 20 giây – cũng thừa nhận rằng mình đã nhiều lần quên chìa khóa ở đâu đó. Ta có thể nắm quyền điều khiển nhiều thứ, nhưng danh sách dài ấy chưa bao gồm kí ức.

    Việc quên đi một thứ gì đó vừa khó lại vừa dễ, đối với cả con người và trí tuệ nhân tạo AI. Các nhà nghiên cứu AI vẫn đang đào sâu nghiên cứu, để xem bản chất của trí nhớ của một con robot thực tế sẽ như thế nào, liệu có tồn tại theo nhiều cách khác nhau.

    Đây không chỉ là vấn đề kĩ thuật, mà còn liên quan tới cả vấn đề riêng tư cá nhân, bị nhiều luật lệ ràng buộc – cả luật pháp lẫn đạo đức con người. Nhẹ, thì là con robot giúp việc nhà bạn thấy chồng đang vụng trộm hút một điếu thuốc, dù đã hứa với vợ là sẽ từ bỏ hoàn toàn thuốc lá. Nặng, thì là con robot ấy thấy một ai đó sát hại một ai khác.

    Và lại dấy lên một câu hỏi khác nữa. Ai sẽ là người nắm trong tay sức mạnh, khả năng khiến cho con robot ấy quên đi kí ức mà nó đã có? Nhưng cứ tạm để câu hỏi ấy ở đó đã, bởi trước hết ta cần tìm một giải pháp hiệu quả khiến cho trí tuệ nhân tạo có thể quên.

    Tại sao con người chúng ta lại có khả năng “quên”?

    Nhiều người cho rằng khi bộ nhớ (não của ta) trở nên đầy, thì ta sẽ tự động quên những kí ức cũ để tạo chỗ trống cho kí ức mới.

    Ví dụ này cho thấy việc não ta bị “đầy bộ nhớ” không phải là bức tranh toàn cảnh.

    Vậy nếu không phải, thì tại sao ta lại có thể quên? Một lời lý giải khác cho rằng những kí ức khiến ta hiểu hơn về thế giới này, chứ không chỉ là để ta nhớ về thứ này thứ kia. Theo cách này, ta sẽ giữ lại những kí ức hữu ích, những thông tin quý giá và hữu dụng – những kinh nghiệm sống. Ta sẽ quên đi những kí ức kém quan trọng (như số điện thoại người yêu cũ).

    Ví dụ, có một vài nghiên cứu cho thấy rằng người ta nhớ những thông tin trái ngược nhau hơn là những thông tin được lặp lại liên tục. Một yếu tố quyết định kí ức nào được giữ lại, đó là tầm quan trọng hay tính khác thường của nó, cũng như cảm xúc và tâm trạng của ta lúc tạo nên kí ức đó. Ta có thể tạo ra một ví dụ như thế này: nếu như bây giờ một tảng thiên thạch to bằng cái ô tô lao xuống Trái Đất, tạo ra một sự kiện lớn của nhân loại, chắc chắn ta sẽ nhớ lúc thiên thạch chạm đất, ta đang làm gì lúc đó.

    Thế vậy robot học cách “quên” như thế nào?

    Ta không gọi thông tin được lưu trữ trong các thiết bị là kí ức, mà chúng chỉ là dữ liệu, là bộ nhớ mà thôi. Máy tính sẽ quên đi một phần dữ liệu khi mà một tác vụ nào đó không còn cần thiết nữa. Bộ nhớ sẽ được giải phóng, để dành chỗ chứa dữ liệu cho những tác vụ khác.

    Điều này cũng đúng khi nói về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, khả năng “quên” này lại khiến ta vượt trội hơn những cỗ máy vô tri kia, dù là khả năng này thường khiến chúng ta ức chế vô cùng. Những thuật toán của machine learning không biết phân biệt đâu là ký ức cũ cần loại bỏ, đâu là kí ức quan trọng cần được lưu giữ. Não bộ chúng ta vẫn ở một đẳng cấp khác.

    Đây là những ví dụ về việc trí tuệ nhân tạo vẫn chưa có một khả năng “quên” hoàn chỉnh:

    Những AI sử dụng mạng lưới thần kinh neural network để lấy thông tin gặp nhiều trở ngại trong việc quên. Chúng có thể lưu lại những thông tin phức tạp quá mức từ những trải nghiệm quá khứ, điều đó ngăn khả năng tổng quát vấn đề và dự đoán các sự kiện tương lai của AI.

    Hiện các nhà khoa học vẫn đang tìm cách cho trí tuệ nhân tạo khả năng chỉnh sửa thông tin mới được nhận vào, mà không ảnh hưởng tới những thông tin tương tự đã được lưu trước đây.

    Một số mạng lưới thần kinh nhân tạo tự làm quen với những khuôn mẫu có sẵn, làm hỏng khả năng tiếp nhận thêm dữ liệu, thông tin của chúng.

    Vậy thì robot nên quên cái gì?

    Để tạo nên một trí tuệ nhân tạo hiệu quả hơn, thì ta phải hiểu được não bộ của mình hoạt động như thế nào đã. Cụ thể trong trường hợp này, thì là làm thế nào não ta có thể quyết định được cái gì đáng nhớ và cái gì thì đáng quên.

    Một trí tuệ nhân tạo hiệu quả cũng phải biết đâu là thông tin hữu ích và đáng nhớ, quên đi những thứ lặt vặt được lưu trữ (như video về mèo, tiếng nhạc hiệu quảng cáo, ... vẫn ám ảnh bộ não chúng ta chẳng hạn). Tuy nhiên, việc xác định cái nào đáng giá cái nào không cũng sẽ liên quan tới những vấn đề khác nữa: đó chính là những điều đã nêu ở đầu bài viết - vấn đề riêng tư cá nhân, vấn đề về luật pháp và vấn đề đạo đức.

    Hiện tại, ta đang có những con chatbot có khả năng chẩn đoán bệnh tình hay hỗ trợ build cấu hình máy tính, thiết bị lắp trong nhà thông minh có thể theo dõi chuyển động của người dùng để phản ứng, robot tuần tra an ninh có sử dụng camera ghi hình và có khả năng nhìn đêm hay phát hiện nhiệt. Quá nhiều dữ liệu được lưu trữ, liệu ta có an toàn trước những dữ liệu ấy?

    Cách đây không lâu, có một vụ lùm xùm liên quan tới quản gia thông minh Echo của Amazon, khi nó liên quan tới một vụ giết người. Cảnh sát Arkansas yêu cầu Amazon giao nộp thông tin mà thiết bị Echo của họ có thể đã lưu lại khi vụ án mạng diễn ra, nhưng nếu Amazon gật đầu đồng tình thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc thiết bị của Amazon có khả năng lưu trữ, thông tin ấy được lưu giữ đâu đó và ai cũng sợ rằng nơi đó có thể không an toàn.

    Robot biết yêu thì là chuyện viễn tưởng, nhưng robot có khả năng quên phải trở thành sự thực. Đó là một thử thách không đơn giản cho những nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày