"Robot kiến" hứa hẹn thành công cụ y khoa đột phá

    Anh Thư,  

    Nhóm nghiên cứu từ Đại học Hanyang (Hàn Quốc) vừa cho ra mắt loại robot siêu nhỏ với kích thước tính bằng micromet và có thể phối hợp hoạt động như đàn kiến.

    Những microrobot này được chế tạo bằng cách sử dụng khuôn và nhựa epoxy nhúng hợp kim sắt từ, thứ giúp robot có thể được "lập trình" để tạo thành các cấu hình khác nhau sau khi tiếp xúc với từ trường mạnh từ những góc độ nhất định. Những microrobot sau đó có thể được điều khiển bằng các trường từ bên ngoài để thực hiện chuyển động xoay hoặc những động tác khác.

    Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã điều khiển 1.000 microrobot phối hợp để vượt qua những thử thách như trèo qua chướng ngại vật cao gấp 5 lần chiều cao của mỗi con, tạo thành bè nổi trên mặt nước, đi qua một ống bị tắc, vận chuyển một viên thuốc nặng gấp 2.000 lần trọng lượng của mỗi con qua chất lỏng… Kết quả nghiên cứu cho thấy loại "robot kiến" này có tiềm năng lớn để trở thành công cụ y khoa đột phá trong tương lai, với các ứng dụng như tái thông mạch máu hoặc vận chuyển thuốc đến một mục tiêu xác định trong cơ thể người.

    Thí nghiệm cho thấy đàn “robot kiến” tạo thành bè nổi trên mặt nước. Ảnh: ĐẠI HỌC HANYANG

    Thí nghiệm cho thấy đàn “robot kiến” tạo thành bè nổi trên mặt nước. Ảnh: ĐẠI HỌC HANYANG

    "Mặc dù kết quả nghiên cứu rất hứa hẹn nhưng các đàn robot sẽ cần mức độ tự động cao hơn trước khi sẵn sàng cho các ứng dụng thực tế" - ông Jeong Jae Wie, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Hiện nay, loạt robot này vẫn phụ thuộc việc điều khiển bằng từ trường từ bên ngoài và chưa có khả năng tự động điều hướng qua các không gian phức tạp hoặc chật hẹp. Vì vậy, nhóm nghiên cứu vẫn đang tập trung vào việc cải thiện khả năng tự động của chúng.

    Bình luận trên trang New Scientist, nhà nghiên cứu Xiaoguang Dong từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho rằng các microrobot từ tính này là công cụ đầy hứa hẹn cho việc cung cấp thuốc ít xâm lấn trong không gian nhỏ, kín và hạn chế trong cơ thể. Ngoài việc cải thiện khả năng tự động của robot, ông Dong cho rằng nhóm nghiên cứu còn cần giải quyết các thách thức về an toàn, như phủ vật liệu thân thiện với con người lên các hạt từ tính "có nguy cơ gây độc". Nếu an toàn, theo ông Dong, các robot này có thể điều hướng hiệu quả đến các khu vực bệnh tật mục tiêu và cung cấp thuốc tại chỗ, giúp các phương pháp điều trị trở nên chính xác và hiệu quả hơn. 

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày