Rừng Amazon vẫn đang cháy ngày càng dữ dội hơn: 1.202 km2 rừng bị xóa sổ trong 4 tháng, ngang bằng diện tích một quốc gia
Theo ước tính, tổng cộng 1.202 km2 rừng Amazon đã bị xóa xổ hoàn toàn từ tháng 1 đến tháng 4, tăng 55% so với số liệu cùng kỳ năm ngoái
Trong bối cảnh thế giới đang dồn mọi sự chú ý về dịch COVID-19, rừng Amazon vẫn đang bị thiêu cháy với tốc độ đáng báo động hàng ngày, dấy lên lo ngại về sự lặp lại của vụ cháy rừng kỷ lục năm ngoái.
Thậm chí, mức độ tàn phá tại khu vực rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Brazil đã đạt kỷ lục mới trong 4 tháng đầu năm 2020, theo số liệu được công bố mới đây bởi Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), vốn sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi các đám cháy.
Theo ước tính, tổng cộng 1.202 km2 rừng Amazon đã bị xóa xổ hoàn toàn từ tháng 1 đến tháng 4. Con số này tăng 55% so với số liệu cùng kỳ năm ngoái, và là con số cao nhất trong bốn tháng đầu năm kể từ khi INPE bắt đầu đo đạc dữ liệu vào tháng 8/2015.
Với diện tích rừng đã biến mất gần ngang bằng diện tích của Li-băng, những vụ cháy rừng đang tiếp diễn đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, vốn đóng vai trò tối quan trọng trong việc kiềm chế biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các vụ cháy rừng kỷ lục diễn ra từ tháng 5 tới tháng 10 năm ngoái, tốc độ tàn phá rừng Amazon còn được ‘tiếp sức’ bởi việc khai khoáng, chặt phá rừng và canh tác bất hợp pháp đang diễn ra ngày một nhiều. Đáng lo ngại hơn, 4 tháng đầu năm cũng không phải mùa cao điểm của nạn phá rừng, vốn chỉ bắt đầu vào cuối tháng Năm.
"Thời điểm đầu năm không phải lúc mà nạn phá rừng thường xảy ra, do đây là mùa mưa", Erika Berenguer, một nhà sinh thái học tại Đại học Oxford và Lancaster cho biết.
"Trước đây, khi chúng ta chứng kiến nạn phá rừng gia tăng vào đầu năm, thì đó là một chỉ báo cho thấy khi mùa phá rừng bắt đầu, bạn cũng sẽ thấy diện tích rừng bị phá hoại ngày càng gia tăng"
Thảm họa kép
Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 cũng cản trở rất nhiều những nỗ lực làm giảm tốc độ tàn phá rừng Amazon. Brazil, quốc gia nắm giữ hơn 60% diện tích rừng Amazon, là tâm điểm của đại dịch COVID-19 ở Nam Mỹ với gần 10.000 người chết cho đến nay.
Amazonas – bang lớn nhất của Brazil, với phần lớn diện tích được bao phủ trong rừng, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Do quá thiếu thốn trang thiết bị y tế, các bệnh viện tại Amazonas hoàn toàn bị choáng ngợp trước sự bùng phát của dịch bệnh.
Đặc biệt, dịch COVID-19 cũng dấy lên những lo ngại về các tác động virus có thể gây ra với cộng đồng người da đỏ bản địa, vốn có lịch sử dễ bị tổn thương đối với các dịch bệnh từ bên ngoài. Chính những thổ dân bản địa này là tuyến đầu giúp bảo vệ rừng Amazon.
Trong bối cảnh mọi sự chú ý và tài nguyên đều dồn hết để chống dịch, việc bảo vệ rừng giờ đây càng khó khăn hơn khi nguồn lực ngày càng eo hẹp.
Thị trưởng thành phố Manaus (thủ phủ của bang Amazonas) là Arthur Virgilio đã gọi đây là ‘thảm họa kép’, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của các từ các nhà lãnh đạo thế giới.
"Chúng tôi cần nhân viên y tế, máy thở, thiết bị bảo vệ, bất cứ thứ gì có thể cứu sống những người bảo vệ rừng", ông cho biết.
Hiện tại, vẫn chưa rõ đại dịch COVID-19 sẽ có tác động thế nào đến nạn phá rừng. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, tốc độ phá hoại rừng Amazon sẽ còn tăng thêm hơn nữa thời gian tới.
Tham khảo SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng