S-Fone chính thức bị “khai tử"

    PV,  

    Sau 15 năm được cấp giấy phép và hoạt động, trong đó gần 5 năm “chết lâm sàng”, cuối cùng, số phận S-Fone cũng đã được định đoạt.

    Trong một động thái mới nhất, tuần qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi thông báo tới Công ty SPT, đối tác bên Việt Nam tham gia Liên doanh S-Fone, về việc hết hạn giấy phép cấp tần số.

    Đây có thể là bước thủ tục cuối cùng trước lúc cơ quan quản lý nhà nước ban hành quyết định thu hồi băng tần 850 MHz cấp cho S-Fone.

    Chết vì công nghệ lạc hậu

    Như Báo Đầu tư đã thông tin, từ cuối năm 2012, nhà mạng này đã lâm vào tình trạng khó khăn, buộc phải đóng cửa các điểm giao dịch ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên và tuyên bố mất khả năng chi trả.

    S-Fone đã “chết lâm sàng” từ cuối năm 2012 đến nay

    Mạng di động S-Fone là sản phẩm hợp tác của Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn (SPT) với đại gia viễn thông Hàn Quốc là SK Telecom. Dự án được triển khai năm 2001 với vốn đầu tư ban đầu là 230 triệu USD. Khi ấy, S-Fone tiên phong trong việc triển khai mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ CDMA 2000-1x EV-DO tại Việt Nam.

    Cần phải nói thêm rằng thời điểm đó, ngoài S-Fone, các nhà mạng khác như VNPT (CityPhone), Hanoi Telecom, EVN Telecom cũng dùng công nghệ CDMA (Code Division Multiple Access).

    CDMA sử dụng một công nghệ trải phổ (spread spectrum) để tối ưu hóa việc sử dụng băng thông. Theo đó, người dùng sẽ chia sẻ chung một dải tần số rộng dùng cho mục đích truyền tải dữ liệu. Mỗi một cuộc gọi sẽ được gán cho một "khóa độc nhất" (key) trước khi truyền đi, sau đó nó sẽ được giải mã bởi thiết bị nhận tín hiệu để tách thành những cuộc gọi riêng lẻ.

    Trong khi đó, các nhà mạng lớn ở Việt Nam như MobiFone, VinaPhone, Viettel, VietnamMobile đều vận hành mạng GSM (Global System for Mobile Communications). GSM sử dụng công nghệ phổ nhọn (wedge spectrum) để cung cấp một thứ gọi là sóng mang (carrier). Carrier này được chia thành nhiều "khe thời gian" khác nhau, mỗi người dùng sẽ được gán cho một khe và khe đó sẽ không bị ai khác truy cập cho đến khi cuộc gọi kết thúc.

    Chuẩn mạng GSM sử dụng cả hai phương thức phân chia theo thời gian (TDMA) và theo tần số (FDMA) để phục vụ mục đích tách riêng người dùng và trạm phát sóng. TDMA sẽ "cắt" kênh truyền tải thông tin thành các "miếng" thời gian, còn FDMA thì tách riêng các tần số trong dải tần của nhà mạng.

    Chúng ta sẽ thấy các nhà mạng sử dụng GSM sẽ có sim để xác định người dùng. Trong khi đó, các mạng CDMA thì sẽ đối chiếu cả một chiếc điện thoại với danh sách thuê bao của họ, chính vì lý do này mà hầu hết các điện thoại CDMA không có khe Sim.

    So sánh một cách đơn giản thì sử dụng mạng CDMA, việc chuyển thiết bị sử dụng sẽ khó khăn hơn, bởi khách hàng phải liên hệ với nhà mạng để chuyển thông tin tài khoản thuê bao sang máy mới. Trong khi đó, với GSM, khách hàng chỉ việc rút SIM ra rồi gắn vào thiết bị mới là xong, không phải phải đăng ký lại, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn.

    Về đầu tư, mạng GSM chi phí đầu tư rẻ hơn, nhanh hơn, còn CDMA đắt hơn. Đặc biệt là dùng CDMA thường bị nhiễu sóng, nghẽn sóng hơn GSM.

    Chính vì thế, mạng CDMA đã sớm khai tử khi có GMS. Tại Việt Nam, các nhà mạng dùng công nghệ này hoặc đã chuyển sang công nghệ mới, hoặc sáp nhập vào nhà mạng khác, chỉ còn S-Fone “một mình một ngựa”.

    Với công nghệ này, dù khuyến mại khủng, nhưng khách hàng cũng từ từ rũ áo ra đi và S-Fone dần tuột dốc, thua lỗ và “chết lâm sàng” từ cuối năm 2012 đến nay.

    “Đại gia” ngoại gặp khó

    Lý do S-Fone bị “khai tử”, tất nhiên, ngoài công nghệ lạc hậu, còn có những nguyên nhân khác. S-Fone từng loay hoay tìm đường sống bằng cách đổi công nghệ mới nhưng bất thành. Các đối tác đều lắc đầu vì nếu đổi công nghệ sẽ phải làm lại tất cả từ đầu, vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng tỉ USD, trong khi S-Fone chỉ có mỗi giấy phép cấp băng tần 850 MHz.

    Mặt khác, thời điểm đó, thị trường viễn thông Việt Nam đã hết cơ hội phát triển khi số thuê bao vượt 140 triệu, APRU thuộc hàng thấp nhất thế giới, cạnh tranh các nhà mạng lớn vô cùng khốc liệt.

    Chính vì vậy, việc S-Fone “khai tử” là “cái chết được báo trước”. Nhưng S-Fone không phải là đại gia ngoại đầu tiên “ngã ngựa” tại thị trường viễn thông Việt Nam.

    Tháng 7-2009, Gtel Mobile (thương hiệu là Beeline), là liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (thuộc Bộ Công an) và Công ty viễn thông Vimpelcom (Liên bang Nga), sở hữu giấy phép kinh doanh các dịch vụ viễn thông và Internet, có cơ chế kinh doanh đặc biệt, cùng nhiều ưu đãi khác chính thức đi vào hoạt động. Sau hơn 3 năm đầu tư, Vimpelcom đổ vào Beeline khoảng 463 triệu USD nhưng rồi đành phải bán lại cổ phần cho đối tác với giá 45 triệu USD và rút khỏi thị trường vào năm 2012.

    Trước đó, tháng 11-2006, HT-Mobile, mạng di động theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hanoi Telecom và Tập đoàn Hutchison (Hồng Kông) chính thức đi vào hoạt động. 10 năm sau, đến nay, Vietnamobile (tên thương hiệu mới từ năm 2009) vẫn chỉ có khoảng hơn 10 triệu thuê bao và hiện đang hoạt động khá chật vật tại thị trường Việt Nam khi vùng phủ 3G thấp, chưa có giấy phép 4G.

    Có vẻ như, các đối tác nước ngoài không thực sự may mắn tại thị trường viễn thông Việt Nam - một thị trường tương đối mở, nhưng vẫn có 3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nắm giữ tới 97% thị phần.

    Theo Hữu Tuấn (báo Đầu tư)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày