(GenK.vn) - Việc Intel quyết tâm cạnh tranh Samsung trên thị trường chip dành cho di động là nét vẽ gần nhất cho thấy sự cạnh tranh khó chịu mà Samsung đang phải đối mặt. Tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ ở rất nhiều lĩnh vực do sự phát triển quá nóng trong thời gian gần đây.
Samsung là một tập đoàn đa ngành, có truyền thống hàng chục năm, nhưng gần đây mảng đem lại doanh thu lớn nhất cho hãng chính là sản xuất linh phụ kiện và thiết bị di động. Shin Jong- kyun, Tổng Giám đốc của Samsung, cho biết kinh doanh điện thoại di động đã mang lại 2/3 tổng lợi nhuận của Samsung
Samsung đã từng bước vượt qua nhiều đối thủ, từ RIM, Nokia tới Apple để bước lên ngôi nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, cùng với ngôi vị hàng đầu về sản xuất chip cho smartphone. Thế nhưng, chính vị trí cao này của Samsung biến hãng thành đích ngắm cho nhiều công ty. Hơn nữa, việc thành công ở quá nhiều mảng chưa hẳn đã tốt.
Nhìn vào mảng thiết bị di động, có thể thấy Samsung đang thống trị thị trường smartphone. Thế nhưng, ở phân khúc cao cấp, siêu phẩm Galaxy S4 của hãng đang có doanh số đi ngang so với S3 khi S4 cũng chỉ bán được 40 triệu máy trong 6 tháng ra mắt, cùng số lượng với S3. Đó là một chỉ dấu cho thấy mảng cao cấp của Samsung bắt đầu gặp khó. Cái khó không chỉ đến từ đối thủ truyền kiếp iPhone, mà cả từ “đồng bọn” Xperia Z1 hay LG G2. Ở mảng cao cấp, sản phẩm của Samsung không đủ khả năng để thống trị thị trường, dù hãng đã cố gắng nhồi nhét rất nhiều tính năng vào chiếc điện thoại của mình để tạo sự khác biệt.
Ở mảng thiết bị bình dân và trung cấp, Samsung lại chịu cạnh tranh của các hãng Trung Quốc và Nokia. Trong thống kê vừa rồi, Huawei đã ngoi lên đứng thứ 3 mảng smartphone thế giới. Huawei chỉ là đại diện cho một lượng lớn nhiều hãng Trung Quốc với thiết bị giá rẻ hơn, cấu hình mạnh hơn tấn công vào “miếng bánh” smartphone bình dân của Samsung. Quả thực, với cùng giá tiền khoảng 2 triệu, rất ít người muốn sở hữu một chiếc smartphone màn hình bé bé như các sản phẩm của Samsung. Hơn nữa, rất nhiều smartphone trong số đó chỉ được dùng cơ bản với chức năng nghe gọi nhắn tin thông thường. Vì thế, khi lên đời điện thoại, tính gắn bó với thương hiệu là không cao.
Ở mảng trung cấp, Lumia của Nokia đang làm rất tốt trong việc hút khách. Tuy con số 8 triệu Lumia bán ra trong quý vừa rồi chưa đủ để khiến Samsung phải sợ, nhưng sự đi lên của Lumia rất dễ tạo thành một trào lưu sản xuất smartphone Windows Phone trung cấp mới. Như chúng tôi đã phân tích ở bài trước, khi Windows Phone đạt ngưỡng thị phần nhất định, người dùng sẽ được sử dụng nhiều app “chất” hơn, do các nhà phát triển bắt buộc phải để mắt tới WP.
Một điểm cũng khiến Samsung gặp khó đó là việc hãng thành công ở quá nhiều mảng. Vì thế đối tác của Samsung đang bắt đầu xa lánh hãng. Điển hình là Apple, dù phải nhập linh kiện và đặt hàng Samsung gia công chip cho mình, nhưng Apple đang tìm mọi cách để thay thế đơn vị gia công. Những hợp đồng gần đây giữa Apple với TSMC, Intel cho thấy rõ ràng điều đó.
Samsung đang thành công trên toàn thế giới, nhưng những thách thức mà hãng phải đối phó cũng ngày càng nhiều lên. Những thay đổi của cuộc chiến di động mà Samsung là nhân tố chính phản ánh sự chuyển dịch nhanh chóng của thế giới công nghệ, việc có lợi nhất với người tiêu dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng