Không cần phải ra vườn lam lũ với cây trồng, bây giờ anh Nguyễn Đức Huy ở Đà Lạt - Lâm Đồng có thể sử dụng điện thoại của mình để quản lý toàn bộ vườn rau.
Ở Đà Lạt, đồng nghiệp vẫn gọi Nguyễn Đức Huy là nông dân cao cấp. Bởi lẽ, trước khi dấn thân vào nghề làm nông, Huy là một trí thức “không phải dạng vừa”.
Học thạc sĩ mới học làm rau
Tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ sinh học Đại học Đà Lạt, Nguyễn Đức Huy dành một năm ở nhà tiếp tục ôn luyện tiếng Anh để thi Cao học tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.
“Tôi nghĩ, làm nông thời hội nhập mà không đạt được trình độ nhất định về kiến thức thì rất khó có thể phát triển lớn được. Cái đích của tôi ít nhất là phải tốt nghiệp thạc sĩ rồi mới quay về Đà Lạt làm nông!.. ”, anh Huy chia sẻ.
Năm 2010, Nguyễn Đức Huy bảo vệ thành công đề tài Cao học chuyên đề Sinh lý thực vật. Không ở lại Sài Gòn làm việc theo lời mời của một số doanh nghiệp, anh tức tốc trở về quê nhà Đà Lạt bước vào nghề làm nông thực sự.
Mọi dữ liệu kỹ thuật trên vườn đều được truyền về máy tính và điện thoại của anh Nguyễn Đức Huy. Ảnh: Thạch Thảo
Với 5.000 m2 đất vườn của gia đình, anh cho dựng nhà kính được lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động đạt chuẩn, chuyên trồng các loại cà chua, ớt ngọt, dưa leo... Anh hồ hởi bước vào nghề, miệt mài với công việc, vận dụng vốn kiến thức học được vào sản xuất, nhưng vụ đầu tiên kết quả gần như mất trắng.
Lại quay về với việc tìm tòi, rút kinh nghiệm, rất may, trong quá trình gieo trồng các loại rau trong vườn, Huy đã kịp thời thu thập được các dữ liệu vô sinh và hữu sinh trên từng loại cây trồng. Đây mới là mục đích cao nhất của vụ rau màu đầu tiên chứ không phải lợi nhuận.
“Trong quá trình đi học, tôi đã được tiếp với nhiều mô hình sản suất nông nghiệp tiên tiến ở Israel. Tôi muốn đưa công nghệ tiên tiến nhất vào phục vụ sản xuất tại quê nhà, để cho ra những sản phẩm nông nghiệp sạch.
Điều kiện để đi đến thành công của sản xuất rau sạch là phải đưa ra một quy trình kỹ thuật chăm sóc chính xác cho từng loại rau. Dứt khoát phải được thực hiện tự động bằng máy móc chứ không phải sức người”, Huy nói.
Đó cũng là lý do Nguyễn Đức Huy bắt tay nghiên cứu, thiết lập nên “VietPorics Control System – Hệ thống kiểm soát VietPorics” với sự hỗ trợ đắc lực của em trai là Nguyễn Tùng Thiện Duy (28 tuổi).
Duy cho biết, hai anh em phải mất rất nhiều tháng mới thiết lập thành công hệ thống kiểm soát VietPorics để phục vụ sản xuất. Hệ thống được lắp đặt cùng một lập trình chứa các thông số nguồn vô sinh và hữu sinh trên cây trồng, được cài đặt sẵn trong chiếc điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Nguyên lý hoạt động của hệ thống kiểm soát là các cục thu thập dữ liệu được lắp đặt tại vị trí có những loại rau khác nhau trong vườn rau. Chúng sẽ tự động nhận dữ liệu truyền về bộ điều khiển. Bộ điều khiển này sẽ truyền tất cả các dữ liệu đã thu thập được trên vườn về thiết bị được kết nối với máy tính, điện thoại thông minh qua sóng wifi.
Trên máy tính và điện thoại của anh Nguyễn Đức Huy, các thông số kỹ thuật để chăm sóc cho từng loại cây trồng đã được lập trình sẵn. Khi các dữ liệu được thu thập trên vườn tải về sẽ tự động đối chiếu với thông số kỹ thuật trên máy tính và điện thoại, từ đó cho ra kết quả chăm sóc cho vườn rau đã chính xác hay chưa.
Trồng rau trực tuyến
Tiếp chuyện chúng tôi ở nhà, cách vườn sản xuất khoảng 1 km, Nguyễn Đức Huy lấy chiếc điện ra “khoe”: “Tất cả dữ liệu về vườn rau của gia đình mình đang nằm trong chiếc điện thoại này”.
Anh mở điện thoại cho chúng tôi xem các biểu đồ hiển thị nhiệt độ, lượng tưới nước - hòa tan phân, độ ẩm của đất, độ phân giải của giá thể… Mọi thông tin trên vườn đều được cập nhập đến từng giây.
Với chiếc smartphone và toàn bộ thông số kỹ thuật của vườn rau trên tay, nếu muốn điều chỉnh bất kỳ thông số nào, như tăng hoặc giảm lượng nước tưới, chất dinh dưỡng... chỉ cần một cái bấm nút lập tức các lệnh điều khiển được tự động vận hành hệ thống trong vườn.
“Từ khi xây dựng thành công hệ thống kiểm soát trên vườn, tôi thường làm việc trực tuyến hơn là phải trực tiếp ra vườn”, anh Huy chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Duy bên vườn ớt ngọt trồng thử nghiệm. Ảnh: Thạch Thảo
Do vận hành sản xuất bằng hệ thống tự động chăm sóc cây trồng với độ chính xác về kỹ thuật gần như tuyệt đối, vườn rau của gia đình anh Nguyễn Đức Huy phát triển rất tốt. Các mối nguy hại về hóa học, vật lý, sinh học... đều được hệ thống cài đặt trong vườn tự động kiểm soát chặt chẽ.
Các loại cây trồng nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại cây nên đã cho năng suất khá cao. Chẳng hạn, mỗi cây cà chua beef và ớt ngọt cho 6-8 kg quả; cà chua picot đạt 8 - 10kg/cây. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh y được kiểm soát an toàn ngay đầu vào nên được các nhà hàng, siêu thị tại TP HCM hợp đồng nhận bao tiêu.
Ông Hoàng Minh Lâm, Chủ tịch Hội nông dân phường 9, TP Đà Lạt cho biết, mặc dù mới Huy bước vào nghề nông trong vài năm qua, nhưng với sáng kiến đưa hệ thống kiểm soát tự động vào sản xuất, anh Huy không chỉ giúp giảm chi phí sức lao động mà còn tăng năng suất, chất lượng rau quả do mình sản xuất. "Sản phẩm nông nghiệp anh làm ra đến tay người tiêu dùng đảm bảo là sản phẩm sạch", ông Lâm khẳng định.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng