Sau các gã khổng lồ thương mại điện tử, Trung Quốc "sờ gáy" một loạt ứng dụng gọi xe, Didi, Meituan đứng đầu bảng
Nhà chức trách Trung Quốc đã triệu tập đại diện của 11 công ty gọi xe trên thị trường nước này và yêu cầu họ chấn chỉnh các hành vi "không tuân thủ quy định".
Bộ Giao thông Vận tải và một số cơ quan quản lý khác, bao gồm Cục Quản lý Không gian mạng và Cục Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc, đã cùng làm việc với lãnh đạo các công ty này, bao gồm cả Didi, T3 và Meituan, những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực gọi xe ở đất nước 1,4 tỷ dân.
Các nhà quản lý cáo buộc những dịch vụ này đang tuyển dụng tài xế và phương tiện chưa được phê duyệt. "Các nền tảng phải tự kiểm tra lại các vấn đề của mình, chấn chỉnh hành vi bất hợp pháp, bảo vệ trật tự thị trường theo hướng cạnh tranh công bằng và tạo ra một môi trường lành mạnh để phát triển ngành dịch vụ gọi xe", Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết.
Cũng theo thông tin từ Bộ này, các công ty gọi xe được yêu cầu làm việc với cơ quan quản lý đều cam kết sẽ khắc phục mọi vấn đề và ngừng đăng ký cho các tài xế không đủ tiêu chuẩn.
Hiện tại, Didi và Meituan chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào.
Thời gian gần đây, Didi là cái tên chịu nhiều áp lực nhất từ cơ quan quản lý Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau phiên IPO đình đám ở Mỹ, gã khổng lồ gọi xe, vốn chiếm khoảng 90% thị phần ở Trung Quốc, đã buộc phải ngừng cho người dùng mới đăng ký từ tháng 7. Trong khi đó, các đối thủ của Didi đã nhanh chóng giảm giá để thu hút người dùng mới. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp trong số này cũng đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập.
Cơ quan quản lý cho rằng tất cả các nền tảng gọi xe phải đảm bảo rằng họ tiến hành phê duyệt cần thiết đối với phương tiện và lái xe muốn tham gia. Ngoài ra, họ không được lôi kéo đối tác tài xế thông qua các khuyến mại giả mạo hoặc chuyển rủi ro sang cho người lái xe. Các lái xe cũng nên có đủ thời gian nghỉ ngơi và doanh nghiệp nên giảm hoa hồng mà họ nhận được từ mỗi chuyến đi.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang thúc đẩy ý tưởng về "thịnh vượng chung", một nỗ lực để vừa chia sẻ sự giàu có, vừa đảm bảo các quyền của người lao động. Hiện tại, lĩnh vực công nghệ và giải trí đang được giám sát chặt chẽ và những lĩnh vực khác có thể cũng sớm bị giám sát.
Didi và gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com đã thành lập công đoàn cho công nhân. Đây là một động thái mang nhiều ý nghĩa bởi công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân là rất hiếm thấy ở Trung Quốc.
Trước ngành công nghiệp gọi xe, thương mại điện tử là đối tượng bị các nhà quản lý Trung Quốc đưa vào tầm ngắm đầu tiên. Rất nhiều công ty thương mại điện tử đã bị phạt, trong đó có Alibaba với khoản phạt lịch sử lên tới 2,8 tỷ USD vì cáo buộc độc quyền. Tencent cũng bị phạt nặng với cáo buộc tương tự.
Hiện tại, Trung Quốc đang rất tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Các cơ quan quản lý khác nhau của Trung Quốc nhấn mạnh các công ty trong lĩnh vực này cần có các biện pháp để bảo vệ dữ liệu người dùng. Trung Quốc cũng đã thông qua 2 luật lớn liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư mà các công ty công nghệ buộc phải tuân thủ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng