Trông lại lịch sử, rõ ràng việc sản xuất ra những thiết bị hậu duệ ưu việt hơn những sản phẩm đi trước là nhiệm vụ cực khó. Nếu không tin, bạn hãy hỏi Apple. Với những gì mà Apple đã từng trải qua, tôi tin rằng bạn sẽ có được câu trả lời mà mình cần.
Thế nhưng việc sản phẩm không thực sự tạo được ấn tượng tốt với người dùng, liệu có phải hoàn toàn do lỗi của người sản xuất? Cứ nhìn vào iPhone 5 và Galaxy S4 mà nói, thì câu trả lời là “Không”, có chăng phần nhiều nằm từ chính khách hàng chúng ta, những người đã kỳ vọng quá nhiều về sản phẩm đó.
Cho tới lúc này, hầu hết các bài đánh giá đều có chung một kết luận rằng, Galaxy S4 mang tính tiến hóa hơn là một cuộc cách mạng công nghệ. Mặc dù S4 đã được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất, nhưng thiết kế bên ngoài lại không có nhiều khác biệt. Các tính năng phần mềm được giới thiệu là vô cùng thú vị, nhưng chừng nào chưa trên tay, người ta sẽ chưa thể biết chúng hữu ích tới đâu.
Tính năng chạm nổi giúp người dùng không cần chạm tay vào màn hình của Galaxy S4, tương tự như trên Sony Xperia Sola hay dùng bút S Pen của Note2.
Cũng như Apple, người ta cũng đang đặt ra câu hỏi về năng lực duy trì sáng tạo của Samsung. Sự thành công của Galaxy S3 đã vô tình gây ra một áp lực quá lớn cho Galaxy S4. Galaxy S3 vẫn còn khá dư thừa về tính năng nhưng khách hàng vẫn cứ muốn có một chiếc điện thoại thần kỳ hơn thế nhiều. Liệu Samsung có thể đảm bảo "đời sau tốt hơn đời trước" trong bao lâu?
Tuy nhiên, chúng ta dường như đang quên đi rằng năng lực sáng tạo của con người cũng có giới hạn nhất định. Nhà phân tích Wayne Lam của iSuppli cho biết:"Tốc độ sáng tạo trong vòng 5 năm qua nhanh tới mức một chiếc smartphone cao cấp hiện hành khác xa một trời một vực với smartphone cách đây 5 năm. Các hãng điện thoại luôn đau đầu tự hỏi: Chúng ta sẽ làm gì tiếp theo? Chúng ta sẽ làm gì để gây ngỡ ngàng cho người dùng khi sản phẩm cũ đã hội tụ tất cả công nghệ và năng lực sáng tạo mình có?"
Tính năng “phẩy tay” trên Galaxy S4.
Thử nhìn lại cách đây 5,6 năm về trước, việc được nâng cấp từ chiếc điện thoại với camera 2.0 MP lên 3.2 MP cũng đã là mơ ước của nhiều người. Còn ngày nay, do đã quá quen với những smartphone mạnh mẽ, chúng ta như mặc định một điều rằng: “Ồ, các nhà sản xuất có thể sáng tạo nhanh như vậy thì chắc chắn lần sau họ cũng có thể làm được như thế”.
Không thị trường nào mà sự cả thèm chóng chán lại xảy ra nhanh như đối với smartphone. Nếu không tin, bạn cứ nhìn vào cách BlackBerry, Nokia, Motorola và HTC bị thất sủng nhanh đến cỡ nào là biết ngay thôi. Chỉ 1 năm trước, HTC còn thông báo về doanh thu tăng vọt, còn cách đây vài hôm, hãng vừa đưa ra một thông tin mà có lẽ ai cũng phải giật mình: lợi nhuận giảm tới 91%. Tất cả đều là những hãng đi tiên phong trong thị trường và có những sản phẩm thành công, nhưng chỉ một bước sảy chân đã đủ để đẩy họ ra ngoài cuộc chơi. Và điều oái oăm là dù gần đây, một vài hãng vẫn tung ra được những mẫu điện thoại xuất sắc nhưng người dùng vẫn cứ thờ ơ như không.
Vô hình chung, những cái tên được người ta kỳ vọng cứ thưa dần, thưa dần và cuối cùng chỉ còn lại 2 cái tên lớn nhất là Apple và Samsung. Tuy nhiên, khi iPhone 5 của Tim Cook không được như mong đợi, hiển nhiên mọi sự chú ý sẽ tập trung vào Galaxy S4 và vì thế, kỳ vọng về một chiếc smartphone “thần kỳ” cũng cao hơn rất nhiều.
Phương thức mở khóa mới rất đẹp mắt của Galaxy S4.
Tất nhiên, tại thời điểm này, chưa ai nghĩ Samsung sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Hãng điện tử Hàn Quốc này đang ở thời kỳ đỉnh cao của mình, nhưng rõ ràng, vấn đề sáng tạo luôn là một vấn đề mà bất kỳ hãng nào cũng phải để tâm tới. Ngay lúc này, một bước đi sai có thể chưa đủ để “nhấn chìm” Samsung, nhưng nó có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến triển vọng của hãng.
Cũng giống như iPhone 5 trước đây, Galaxy S4 là sản phẩm được người dùng mong ngóng nhiều nhất, thậm chí là từ cách đây nửa năm về trước, khi mà phiên bản S3 còn chưa được phân phối tại nhiều thị trường. Sự “vô địch” về phần cứng của S4 có lẽ là điều không cần phải bàn cãi, chính vì thế phần mềm và tính năng là những điều được Samsung chú trọng hơn cả. Trong lễ ra mắt hôm 14/3, hàng loạt tính năng mới đã được hãng điện tử xứ Kim Chi trình diễn trước công chúng.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu chừng ấy đã đủ thỏa mãn ham muốn vô tận của người dùng? Và nếu như người dùng có thể trải nghiệm nhiều tính năng mới đó trên S3 (Samsung đã thông báo về việc này), thì điều gì thôi thúc họ bỏ tiền ra mua Galaxy S4? Phải chăng chỉ vì phần cứng quá “khủng khiếp” nhưng trong khi cấu hình của S3 cũng đã là khá dư thừa với đa số nhu cầu thông thường của khách hàng?
Tầm quan trọng sống còn
Vai trò của GS4 với Samsung chỉ có thể tóm lại trong hai chữ: Cực kỳ quan trọng.
Tất nhiên, Samsung không bán duy nhất một mẫu điện thoại mỗi năm như Apple. Sức tiêu thụ của dòng phablet Galaxy Note I và II vẫn đang rất ổn. Samsung cũng sản xuất cả máy tính bảng, TV, máy ảnh, tủ lạnh, đó là chưa kể đến việc sản xuất linh kiện để cung ứng phần cứng đối thủ của mình.
Galaxy Note II - một siêu phẩm khác của Samsung.
Thế nhưng, để tiếp tục đưa tên tuổi của hãng điện tử này ra toàn thế giới, Galaxy S4 vẫn phải là sản phẩm chủ lực. Bởi đây là sản phẩm buộc người dùng phải nhắc tới Samsung và giúp Samsung đánh bóng hình ảnh của mình trên thị trường. Chiến lược này tương tự như những gì mà Samsung đã làm đối với S3 cách đây 1 năm.
Đó là một thiết bị mà tập đoàn này có thể tự hào cầm trên tay rồi nói: "Đây là biểu tượng cho sức sáng tạo của chúng tôi. Nếu bạn thích nó, hãy dùng thử cả các sản phẩm khác của chúng tôi”. Đối với nhà phát triển di động này, hầu hết lợi nhuận xuất phát từ smartphone chứ không phải thị trường điện thoại giá rẻ.
Với đà thành công mà Galaxy S3 hiện có, việc duy trì được guồng quay và tăng tốc nó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không hệ máy Galaxy S sẽ nhanh chóng tụt dốc. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, những ngày hoàng kim của cả Apple lẫn Samsung đều đã qua, cho dù cả hai ông lớn này đều đang đạt được những con số kỷ lục về doanh thu, nhưng từng đó là chưa đủ để thỏa mãn thị trường.
Nếu chỉ xét về doanh thu để đánh giá sự thành công của một mẫu điện thoại, khó có thể kết luận iPhone 5 là một thất bại của Apple, bởi sản phẩm này vẫn đang bán chạy nhất thị trường trong Quý IV/2012. Thế nhưng ngay từ khi ra mắt, iPhone 5 đã bị chỉ trích quá nhiều vì thiếu sự đột phá và yếu tố "thời thượng" vốn gắn liền với thương hiệu "Quả táo cắn dở".
Tất nhiên, nếu nói iPhone 5 thất bại vì gần như không có tính năng gì mới mẻ, điều này cũng không có gì sai. Thế nhưng, Galaxy S4 của Samsung được tích hợp hầu hết những tinh hoa của công nghệ hiện nay, vậy mà tại sao nhiều khách hàng lại không có cảm tình với siêu phẩm này. Có lẽ sâu xa hơn, chính bởi kiểu dáng không mấy khác biệt với Galaxy S3, giá trị “thời thượng” của chiếc máy đã bị suy giảm nghiêm trọng. Người ta lo ngại rằng, rất có thể bạn phải bỏ ra cả đống tiền nhưng lại bị hiểu nhầm là đang sử dụng một sản phẩm “lạc hậu” hơn.
Tất nhiên, Samsung sẽ chẳng thể “chìm” được kể cả khi Galaxy S4 không được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngược lại, phiên bản này vẫn sẽ hứa hẹn rất chạy là đằng khác. Nhưng ấn tượng về một con tàu giảm tốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các thế hệ Galaxy kế tiếp. Người dùng có thể vẫn mua S4, nhưng có thể sẽ quay lưng lại với S5 hay S6.
Nói cách khác, 2013 có thể chưa phải là năm đột phá của Samsung và 2014 hoặc 2015 mới là thời điểm mà Samsung bị thử thách thực sự.
Hướng tới tương lai
Cũng giống như Apple, Samsung luôn tự hào là một trong những công ty công nghệ sáng tạo nhất thế giới. Thế nhưng danh hiệu ấy thực ra rất dễ mất. iPhone đã không được bình chọn là smartphone tốt nhất 2012 bởi nhiều tạp chí, và thế chỗ vào đó chính là Galaxy S3. Nếu như S4 không phải là bước nhảy vọt về công nghệm so với S3, rất có thể danh hiệu này trong năm 2013 sẽ lại chuẩn bị đổi chủ. Và những người thèm khát danh hiệu này thì chẳng bao giờ thiếu cả: LG, Sony, Nokia, Google hay HTC là những cái tên luôn sẵn sàng nhảy vào tranh chấp.
Chỉ trước khi diễn ra lễ ra mắt của Galaxy S4, hãng di động xứ Hàn Quốc cũng đã bị “dìm hàng” không ít lần bởi các đối thủ cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, Samsung cũng trấn an dư luận rằng, hãng sẽ không thỏa mãn và ngủ quên trên chiến thắng. "Kinh doanh công nghệ là một sân chơi khốc liệt. Một khi bạn kiêu căng và ngạo mạn, thị trường sẽ đánh bại bạn ngay lập tức", Giám đốc Samsung khu vực Đông Nam Á, châu Đại dương và Đài Loan khẳng định.
Chúng ta hãy cùng chờ xem, sau Galaxy S4, Samsung sẽ còn tiếp tục trổ tài như thế nào với thế giới công nghệ. Như ông bà ta từng nói :“Ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay”.