Sau khi học được công nghệ và tầm nhìn của Elon Musk, 2 kỹ sư này rời bỏ Tesla và gây dựng startup riêng
Tesla đã dày công tạo ra tấm bản đồ độ nét cao phục vụ cho xe tự lái ngay cả khi kết nối GPS gặp lỗi, nhưng 2 cựu kỹ sư của công ty đã mang công nghệ này ra lập startup riêng.
Andrew Kouri khi đang làm việc tại Tesla đã nhận thấy một vấn đề lớn đối với xe tự lái. Ở mảng này, Tesla trở thành công ty sở hữu hệ thống tinh vi nhất mang tên Autopilot. Đây là công nghệ cho phép các phương tiện chạy trên đường cao tốc và những khúc quanh an toàn.
3 đồng sáng lập Lvl5 từ trái qua: Erik Reed, Andrew Kouri và George Tall
Tuy nhiên nếu công ty muốn Model S và Model X trở nên tự chủ hơn và có khả năng xử lý trong bất kỳ tình huống nào thì chỉ những chiếc camera và cảm biến đơn trang bị trên xe vẫn chưa đủ. Thay vào đó, họ cần một tấm bản đồ độ nét cao.
Kouri, đồng sán lập startup Lvl5 nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, bản đồ độ nét cao giống như “sheet music” cho xe tự lái. Hệ thống sẽ dựa vào bản đồ và các điểm mốc khác nhau để tìm ra đúng vị trí của xe ngay cả khi mất kết nối GPS.
Các công ty đã phải rất vất vả để có được tấm bản đồ đạt độ chi tiết cần thiết phục vụ xe tự lái. Không chỉ vậy, chúng còn phải bao phủ cả vùng đất rộng lớn và được cập nhật thường xuyên khi có thay đổi.
“Khi còn ở Tesla, tôi thật sự bất ngờ bởi công ty không thể tìm mua loại bản đồ như vậy vì chẳng ai làm ra chúng”, Kouri cho biết
Lvl5 tạo ra với mục đích như vậy. Công ty ra mắt lần đầu tại chương trình hỗ trợ cho các startup mang tên Y Combinator. Với 2 triệu USD gây quỹ, Lvl5 tập trung thu thập dữ liệu để tạo ra tấm bản đồ độ nét cao về mọi tuyến đường ở Mỹ rồi bán lại cho các công ty xe hơi.
Hiệu ứng Tesla
Lvl5 dường như đang cố lấy ra một trang quan trọng trong cuốn sách của Tesla. Vào năm 2015, để giải quyết vấn đề lập bản đồ mà Kouri đề xuất, CEO Elon Musk đã quyết định xây dựng bản đồ riêng nhờ nguồn dữ liệu thu thập từ những mẫu xe Model S. Tesla thể hiện quyết tâm ráo rốt bằng cách ghi lại các đoạn video ngắn từ camera gắn trên Model S và Model X. Chúng vẫn đang được công ty dùng để những chiếc xe của họ nhận biết biển báo, đèn giao thông và cả vạch kẻ đường.
Tesla nỗ lực thu thập dữ liệu để lập bản đồ từ các cảm biến trên xe tự lái của mình
Kouri và Erik Reed là những kỹ sư tại Tesla. Cả 2 hiện đang sử dụng mô hình tương tự để lập ra startup Lvl5, đồng thời hợp tác với Uber và Lyft để thu thập dữ liệu. Kouri thiết kế một ứng dụng có tên Payver dùng chụp ảnh mỗi mét đường đi qua. Người dùng chỉ việc tải về là có thể xem những gì phía trước thông qua màn hình điện thoại, trong khi Lvl5 lại có được dữ liệu mình cần.
Từ tháng Giêng cho tới nay, khoảng 2.500 tài xế Uber và Lyft đã tải Payver. Nhờ thế, Lvl5 đã “vẽ” được 500.000 dặm đường trên khắp nước Mỹ. Công ty trả cho mỗi lái xe 0,05 USD cho mỗi dặm đường mới và với 0,02 USD cho các dặm thường.
Bất kỳ ai cũng có thể dùng thử ứng dụng, nhưng tài xế Uber và Lyft được khuyến khích mạnh mẽ nhờ số tiền thu được. Ngoài ra, lợi thế của Lvl5 so với các hãng xe khác như Tesla nằm ở chỗ, ứng dụng của họ được sử dụng cho bất kỳ chiếc xe nào, nhờ thế giúp mở rộng phạm vi thu thập dữ liệu.
“Không phải công ty nào cũng có thể tự làm bản đồ riêng. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp bản đồ cho những công ty này”, Kouri cho biết.
Nhưng một số nhà sản xuất lại có xu hướng hợp tác cùng nhau. Như BMW, Audi và Mercedes đang thử nghiệm tổng hợp dữ liệu để phát triển thêm cho dịch vụ bản đồ Here mà họ mua lại với giá 3,1 tỷ USD năm 2015.
Kouri coi Here và công ty hàng hải TomTom là những đối thủ lớn nhất của mình. Nhưng Lvl5 có thể cập nhật thường xuyên hơn nhờ sự trợ giúp của cộng đồng người dùng.
“Những gì chúng tôi hướng tới là áp dụng cách tiếp cận theo mô hình cộng đồng crowdsourcing mà Ware đã thực hiện để giải quyết vấn đề xe tự lái”, Kouri nói.
Giống như Waymo, HERE cũng sử dụng hệ thống lidar để lập bản đồ
Waze là ứng dụng truy cập thời gian thực thuộc sở hữu của Google, chuyên thu thập dữ liệu từ điện thoại thông minh người dùng giúp hãng cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, ứng dụng lại không chụp được ảnh chi tiết các con đường, trong khi nó rất quan trọng để xây dựng bản đồ cho xe tự lái.
Waymo của gã khổng lồ tìm kiếm lại sử dụng xe gắn hệ thống lidar quét laser từ trên không để lập bản đồ các tuyến đường. Nhưng công việc này đòi hỏi mức phí đầu tư khá đắt đỏ và chỉ sử dụng một lượng nhỏ phương tiện nên tầm hoạt động sẽ bị giới hạn. “Nếu bạn chỉ có 20 chiếc xe loại này thì không có cách nào để dàn đều toàn bộ cung đường trên thế giới mỗi ngày”, Kouri nhận định về đối thủ.
Tuy nhiên, Lvl5 không có ý định chỉ dựa vào Payver về dài hạn. Giống như Tesla và Here, công ty muốn thu thập dữ liệu từ tất cả các phương tiện trang bị camera. Bởi vậy, thay vì hướng tới những mối hợp tác độc quyền từng nhóm nhỏ, Lvl5 muốn bắt tay với nhiều thương hiệu xe trên thế giới.
Vẫn chưa có nhà sản xuất nào đăng ký sử dụng công nghệ lập bản đồ của Lvl5, dù một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp đang tiến hành thử nghiệm. Kouri từ chối nói rõ tên công ty này. Tương lai phía trước sẽ còn nhiều gian nan đối với 2 cựu kỹ sư Tesla.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng