Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?

    Thanh Long,  

    Công thức trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tính toán cho kế hoạch đi lại của mình.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 1.

    Lễ Tết là dịp các loại đồ uống có cồn như bia rượu được tiêu thụ rất mạnh. Mặc dù đúng là rượu bia sẽ đem lại không khí vui vẻ cho các bữa tiệc tân niên đầu năm, và tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức độ vừa phải thì không gây hại cho sức khỏe. Nhưng luật giao thông đường bộ ở nước ta quy định tài xế một khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở thì không được phép lái xe.

    Nói cách khác, bạn phải đảm bảo nồng độ cồn trong máu của mình bằng 0 thì mới có thể tham gia giao thông. Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định mức phạt rất khắt khe cho các hành vi không tuân thủ, lên tới 10 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy và 40 triệu đồng với người điều khiển ô tô khi lái xe trong tình trạng say xỉn.

    Ngay cả khi phát hiện nồng độ cồn ở mức thấp nhất, các tài xế vẫn bị phạt từ 2 đến 6 triệu đồng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Nếu bạn đã uống rượu vào ngày hôm nay, thì sang đến ngày hôm sau, nồng độ cồn trong cơ thể bạn đã về 0 để có thể lái xe được chưa?

    Bài viết dưới đây sẽ tiết lộ cho bạn một công thức để tính toán cho kế hoạch đi lại trong dịp Tết của mình.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 2.

    Rượu được hấp thụ vào cơ thể như thế nào?

    Trước khi đến với cách mà rượu được phân giải khỏi cơ thể, chúng ta cần biết quá trình đi vào của loại chất kích thích này. Chúng được cơ thể hấp thụ và lưu trữ như thế nào?

    Hóa ra, mọi thứ đã bắt đầu ngay từ khoảnh khắc mà bạn nhấp môi chén rượu hoặc uống vào ngụm bia đầu tiên. Một lượng nhỏ cồn đã bắt đầu xuất hiện trong hơi thở và ngấm vào máu của bạn thông qua niêm mạc lưỡi và miệng.

    Hệ tuần hoàn chỉ mất thêm khoảng 90 giây để đưa những giọt rượu này chạy khắp cơ thể.

    Sau đó, phần lớn rượu còn lại trôi xuống bụng của bạn, nơi chúng tiếp tục thấm qua mô dạy dày và ruột non để đi vào máu. Tùy thuộc vào giới tính, thành phần cơ thể, sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày và khả năng sản xuất men khử rượu ở gan, tác động của rượu sau đó sẽ diễn ra nhanh hay chậm.

    Ví dụ, uống rượu khi bụng rỗng sẽ khiến rượu hấp thụ vào máu nhanh hơn. Ngược lại, khi có thức ăn chiếm chỗ dạ dày, nó sẽ ngăn rượu đi trực tiếp vào ruột non. Diện tích bề mặt ruột non rất lớn (nếu trải các bề mặt niêm mạc rộng ra, ruột non sẽ có kích thước bằng cả một sân tennis), do đó nó sẽ hấp thụ rượu rất nhanh.

    Nếu có thức ăn chặn ở phần cuối dạ dày (tá tràng), rượu sẽ bị cô lập tại đó và hấp thụ chậm hơn.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 3.

    Rượu sẽ đi đâu sau khi bạn uống nó vào cơ thể?

    Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, trung bình, các hiệu ứng đầu tiên do rượu gây ra trên cơ thể sẽ bắt đầu từ khoảng 10 phút sau chén rượu đầu tiên. Sau đó, sẽ mất khoảng 15-45 phút để các hiệu ứng này trở nên rõ rệt và thống trị toàn bộ tâm lý cũng như hành vi của người uống.

    Càng uống nhiều, cơ thể bạn sẽ càng hấp thụ nhiều rượu. Các phân tử rượu sẽ đi vào tất cả các mô của cơ thể, ngoại trừ mỡ và xương. Vì vậy, thành phần cơ thể hóa ra cũng rất quan trọng. Nếu một người béo có tỷ lệ mô mỡ cao, rượu chỉ có thể phân bổ trên các mô nạc còn lại, dẫn tới nồng độ rượu tích tụ cao hơn trên diện tích cơ thể.

    Tùy vào giới tính, lượng rượu tiêu thụ, sự hiện diện của thức ăn trong dạ dày và khả năng sản xuất enzyme khử hydro rượu của gan, rượu có thể được tìm thấy trong máu của bạn trong khoảng thời gian tính bằng ngày. Nó vẫn có thể được phát hiện trong hơi thở ngay cả sau khi cơn say đi qua và bạn nghĩ mình đã tỉnh rượu.

    Sau 1-5 ngày, xét nghiệm nước bọt vẫn có thể phát hiện rượu. Và ở một nơi không tưởng, lông và tóc của bạn có thể lưu trữ những phân tử cồn mà bạn nạp vào cơ thể, từ bữa nhậu cách đó 90 ngày.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 4.

    Rượu được phân giải trong cơ thể ra sao?

    Cần phải nói rằng dù bạn có nghĩ thế nào về rượu bia đi chăng nữa (nhiều người thực sự yêu thích chúng), thì đối với cơ thể người, đồ uống có cồn nói chung được coi là chất độc cần phải được loại bỏ khỏi cơ thể.

    Vì vậy, ngay sau khi cơ thể bạn hấp thụ rượu, các hệ thống bài tiết của nó đã tìm cách để tống khứ rượu ra khỏi cơ thể. Có khoảng 10% rượu sẽ được loại bỏ qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu của bạn.

    Rượu rất dễ bay hơi (sẽ bay hơi trong không khí), cho nên khi rượu trong máu được trao đổi với không khí trong phế nang của phổi, nó có thể được đưa ra khỏi cơ thể qua hơi thở. Đó là lý do tại sao bạn sẽ bị phạt nếu vừa uống rượu mà đi qua chốt thổi nồng độ cồn. Tỷ lệ đào thải rượu qua hơi thở là khoảng 2-5%.

    Khoảng 5% rượu sau khi vào cơ thể sẽ bị đào thải qua đường chuyển hóa nước tiểu ở thận, và thêm một phần nhỏ thông qua tuyến mồ hôi trên da bạn.

    Tuy nhiên, như đã nói, bởi rượu là chất độc, phần lớn lên tới 90% rượu đi vào cơ thể bạn sẽ phải lọc qua gan để đào thải.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 5.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 6.

    Quá trình phân giải rượu 2 bước xảy ra ở gan.

    Để phân giải rượu, gan bạn sẽ tiết ra một enzyme tên là alcohol dehydrogenase để biến rượu thành acetaldehyde.

    Acetaldehyd thực chất là một chất độc hơn cả rượu, nhưng nó sẽ nhanh chóng bị gan phân giải ở bước thứ hai, nhờ enzyme aldehyde dehydrogenase (ALDH). Lúc này, acetaldehyde sẽ bị biến thành acetate, một chất lành tính và có thể được cơ thể sử dụng trong nhiều phản ứng sinh hóa khác.

    Vấn đề là lá gan của bạn chỉ có khả năng phân giải một lượng cồn nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.

    Khi tất cả các tế bào gan và enzyme của chúng đã hoạt động hết công suất, phản ứng bước 2 ở gan, chuyển acetaldehyde thành acetate sẽ bị nghẽn lại, do các tế bào bận chuyển hóa cồn thành acetaldehyde.

    Và như chúng ta đã nói trước đó, acetaldehyde là một chất độc. Nó chính là thứ khiến bạn gặp các triệu chứng say rượu như đỏ mặt, đau đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh… Trong trường hợp nặng hơn, bạn có thể bị bất tỉnh, hôn mê thậm chí tử vong nếu uống quá nhiều rượu khiến hoạt động chuyển hóa rượu bước 2 gan bị nghẽn quá lâu.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 7.

    Công thức tính tốc độ phân giải rượu

    Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thí nghiệm trên những người đàn ông trưởng thành có gan khỏe mạnh và nhận ra tốc độ phân giải rượu trung bình của họ là 0,015 g/100mL/giờ. Nghĩa là mỗi giờ, gan của họ có khả năng đào thải tối đa 0,015 gam cồn nguyên chất ra khỏi mỗi 100 mL máu.

    Để quy đổi tốc độ này ra số lượng chén rượu hoặc lon bia, chúng ta cần sử dụng một khái niệm gọi là đơn vị cồn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định 1 đơn vị cồn tương ứng với 10 gam cồn nguyên chất.

    Số đơn vị cồn có trong một đồ uống = Dung tích (ml) x (nồng độ %) x khối lượng riêng (cồn có khối lượng riêng là 0,793g/cm3). Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương 1 chén rượu 30ml loại rượu nặng 40 độ, 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc một cốc bia hơi 330ml (5%).

    Tiếp đó, các nhà khoa học sử dụng đơn vị BAC để tính khối lượng cồn (gam) có trong mỗi 100 ml máu. Các thí nghiệm cho thấy sau mỗi đơn vị cồn mà bạn nạp vào, BAC sẽ tăng từ 0.01-0.03 đơn vị. Có nghĩa là mỗi một chén rượu 30ml loại 40 độ, 1 ly rượu vang 13,5 độ và 1 lon bia 5 độ có thể làm tăng trung bình 0.02 đơn vị BAC.

    Sau khi uống rượu bia, phải đợi bao nhiêu tiếng đồng hồ thì nồng độ cồn mới về 0, để lái xe không bị phạt?- Ảnh 8.

    Ở chiều ngược lại, như đã nói, rượu được cơ thể chúng ta phân giải ở tốc độ trung bình 0.015 g/100mL/giờ, tương đương với việc giảm mức BAC của bạn xuống 0.015 sau mỗi tiếng đồng hồ.

    Như vậy, cứ mỗi một chén rượu mạnh, một ly vang hoặc một lon bia bạn uống vào, cơ thể sẽ cần 1 tiếng 20 phút thì mới có thể phân giải được. Cứ 3 chén rượu thì bạn sẽ cần 4 tiếng đồng hồ, cứ thế nhân lên. (Lưu ý, đây là tốc độ phân giải rượu trung bình cho một người đàn ông có gan khỏe mạnh. Con số có thể sẽ dài hơn, nếu gan của bạn yếu hơn người bình thường).

    Câu hỏi cuối cùng đặt ra là liệu bạn có thể đẩy nhanh quá trình phân giải rượu này hay không? Hay nói cách khác, có cách nào để giải rượu nhanh hơn không?

    Tin xấu là bạn không thể. Một khi rượu đã vào máu, nó chỉ có thể được loại bỏ bằng enzyme alcohol dehydrogenase, mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Uống nhiều nước và đi ngủ sẽ không đẩy nhanh quá trình này.

    Cà phê, đồ uống tăng lực, nước chanh hoặc việc tắm nước lạnh có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn, nhưng chúng không thể kéo rượu ra khỏi máu nhanh hơn được, bởi tốc độ phân giải rượu ở gan đã đạt tới ngưỡng tối đa.

    Cho nên, nếu bạn có kế hoạch uống rượu bia trong buổi tiệc tân niên của mình, hãy lùi kế hoạch đi lại cho tới khi bạn có đủ thời gian để phân giải hết rượu khỏi máu. Điều này sẽ giúp bạn giữ an toàn cho chính mình, người thân đi cùng, thứ nữa là không bị cảnh sát giao thông phạt ngay dịp đầu xuân năm mới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ