Sau scandal nợ tiền đối tác và bị tố lừa đảo, WeFit "vượt bão" bằng cách thay đổi chính sách sử dụng: Người đang tập 2 năm giờ còn 4 tháng, 60 buổi tập rút còn 6 buổi! Hàng trăm khách hàng la ó đòi tiền, gọi tên "cú lừa WeFit"
Thông báo thay đổi chính sách sử dụng của WeFit (nay đổi tên là WeWow) được công bố trong một nhóm riêng với hơn 127 nghìn người dùng, không đưa công khai trên Fanpage. Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, có tới gần 500 lượt bình luận, phần lớn gọi tên "cú lừa WeFit" và yêu cầu hoàn tiền, khi nhiều khách hàng VIP tính toán ra 2 năm tập thường xuyên của họ đã co gọn lại chỉ còn 4 tháng. Còn nếu lựa chọn phòng tập cụ thể như Fit24, 60 buổi tập giờ chỉ còn 6 buổi.
Startup WeFit (nay đổi tên là WeWow) vừa tiếp tục biên tâm thư thứ 2 tới khách hàng, sau "bão" bị phòng tập, spa tố nợ đọng, khách VIP đòi hủy gói hoàn tiền.
"Trong năm 2019, WeWow đã không đủ cố gắng để đảm bảo đem lại dịch vụ tốt nhất cho toàn thể Khách hàng và Đối tác. Chúng tôi thừa nhận đã mắc nhiều sai sót trong việc cấu trúc gói sản phẩm và giám sát vận hành, khiến những khó khăn về dòng tiền gây ra nhiều bất tiện cho Khách hàng và Đối tác. Chúng tôi còn rất nhiều thứ cần phải hoàn thiện, và sẽ bắt đầu từ việc sửa chữa những sai sót này", trích thư của WeFit gửi tới khách hàng.
WeFit cho biết đã lựa chọn khắc phục lỗ hổng hệ thống và hướng tới sự phát triển bền vững bằng cách thay đổi chính sách sử dụng.
Theo đó, thay vì được đặt lịch tập luyện THỎA THÍCH trong thời hạn gói sản phẩm đã mua, không giới hạn tổng số lượt tập (trừ một số địa điểm nhất định), nay khách hàng được đặt lịch tập luyện trong HẠN MỨC số điểm của gói sản phẩm đã mua.
Thông tin này được Fanpage chính thức của WeFit đăng vào một group kín với 127 nghìn thành viên người dùng WeFit, nhưng không công khai lên Fanpage của startup này.
Với phòng tập Fit24, 2 tháng tập của N.H tương đương 60 buổi, nay chỉ còn 6 buổi với cách tính mới
N.H – một khách hàng chi 9 triệu đồng mua gói tập WeFit thời hạn 21 tháng cho biết cô bị thiệt quá nhiều với cách tính mới. Trước thường xuyên đi tập, nay với cách tính mới thì 6 buổi tập cũ mới "đổi" được sang 1 buổi tập mới. Gần 2 năm tập của N.H quy đổi ra chưa đủ 4 tháng tập.
Quy đổi sang một phòng tập cô thường xuyên sử dụng là Fit24, 2 tháng tập tương đương 60 buổi, với cách tính mới, nay chỉ còn 6 buổi (do số điểm đổi cho một buổi tập Fit24 cao hơn trung bình).
Facebooker C.T cũng than thở: "Mình mua WeFit 18 tháng. Từng đó tiền tập gym ở gần nhà gần 3 năm. Thế mà giờ chuyển điểm mình tập vẫn ở phòng gym đó thì được 9 tháng. WeFit ơi, trả lại tiền tôi không?"
"Hay thật đấy. Cái kiểu tính điểm này rõ ràng là rút ngắn số lượt tập của khách hàng. 1 lượt bơi ở Jade mất 41 điểm, mỗi ngày được 7 điểm, vậy là phải nhịn tập 6 ngày mới được đi bơi 1 buổi. Các bạn thông minh quá đó WeFit ạ", B.N mỉa mai.
Post thông báo của WeFit đưa ra trong 4 tiếng đồng hồ, hiện đã thu hút gần 500 lượt bình luận, đa phần tỏ thái độ giận dữ khi WeFit thay đổi dịch vụ khác với thỏa thuận ban đầu, mà các phương án đưa ra giải quyết của WeFit không hề có nội dung hoàn tiền cho khách hàng.
Đáp lại hàng trăm comment giận dữ, bên cạnh việc giải thích cách sử dụng, Admin Fanpage chính thức của WeFit liên tiếp gửi lời xin lỗi, cho biết startup này đang nỗ lực giải quyết các khó khăn hiện tại, thay đổi để có thể tồn tại.
Một khách hàng ít sử dụng WeFit nhìn nhận đây là cách WeFit có thể duy trì được. Với người 1 tháng đi tập 1 lần, cách thức đổi điểm này không thay đổi. Nhưng đối với những người chăm chỉ đi tập, thì rõ ràng cách làm việc này là một cú lừa.
"Cho ăn no nhiều bây giờ cho ăn ít lại thì cáu là phải. Đổi điểm cũng được nhưng WeFit phải có trách nhiệm liên kết lại những phòng tập như thời còn ổn định. Giờ chả còn phòng nào ở Thanh Xuân, phải đi ít nhất 5km mới có 1 phòng thì tập tành gì", vị khách này góp ý.
"Các bạn tìm hướng đi mới hay phát triển bền vững gì cũng phải xây dựng trên lòng tin của khách hàng" - Một khách hàng bình luận
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của khách hàng cũng cho rằng WeFit cần làm đúng như thỏa thuận khi khách hàng mua thẻ.
"Mình không thể đi tập mình tự chịu. Các bạn tìm hướng đi mới hay phát triển bền vững gì cũng phải xây dựng trên lòng tin của khách hàng. Thay đổi không được sự đồng thuận của Khách hàng, yêu cầu WeFit nghiên cứu lại và bổ sung lựa chọn chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền cho những người không còn phù hợp với đường lối kinh doanh kiểu này của các bạn như mình", trích một trong hàng trăm ý kiến đòi hoàn tiền từ khách hàng WeFit.
WeFit là một sản phẩm của CTCP Công nghệ Onaclover thành lập vào năm 2016. Đại diện pháp luật của công ty là Khôi Nguyễn, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness Việt Nam. Khôi từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; top 3 CEO tiềm năng năm 2016 tại chương trình Startup Festival do VTV tổ chức; top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 và từng vào danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn.
Ảnh quảng cáo một đối tác của WeFit.
Startup về Fitness và Beauty này vướng các scandal nợ tiền đối tác phòng tập, spa và hàng loạt khách hàng tố lừa đảo, đòi hoàn tiền từ cuối tháng 12/2019. Đầu tháng 2/2020, Khôi Nguyễn rút khỏi ghế CEO, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng lên thay.
Post thông báo việc thay CEO được đăng tải vào ngày 5/2/2020, nhận được luồng phản ứng gay gắt từ phía các khách hàng phàn nàn về ứng dụng và đòi hoàn tiền. Group này ngay lập tức tắt chức năng bình luận cho post thông báo trên.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng