Nếu nhìn vào hướng đi của Microsoft hiện nay, nhiều người sẽ nghĩ rằng gã khổng lồ phần mềm Mỹ đang đi đúng theo con đường mà Apple đã từng đi trước đây...
"Vấn đề duy nhất mà Microsoft đang vấp phải chính là sự nhạt nhẽo. Tôi không phủ định Microsoft đang đưa ra những sản phẩm tốt, nhưng điều tồi tệ là hãng chẳng hề để lại dấu ấn riêng gì cho mình. Từ những điều nhỏ nhặt nhất cho tới cả 1 hệ thống Microsoft, chúng hoàn toàn chẳng có nét truyền thống nào cả.
Điều này khiến bất kì sản phẩm nào được nhào nặn từ bàn tay Bill Gate chỉ là sản phẩm hạng 3." - câu nói của cố CEO Steve Jobs vào năm 1995 đã khiến cả thế giới phải dậy sóng, đồng thời mở ra cuộc chiến không khoan nhượng giữa Apple và Microsoft mãi cho tới ngày nay.
20 năm kể từ khi câu nói "kinh điển" của cố CEO Apple ra đời, Microsoft đã và đang có những hướng phát triển thực sự mới, thay vì tập trung vào các nền tảng trên máy tính, hãng còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực phần cứng như smartphone, tablet hay mới đây là 1 chiếc kính thực tại ảo thế hệ mới.
Với Windows 10, Microsoft đã làm được nhiều hơn những gì mà Steve Jobs từng dè bỉu khi còn sống. Thế nhưng, nếu nhìn vào hướng đi của Microsoft hiện nay, nhiều người sẽ nghĩ rằng gã khổng lồ phần mềm Mỹ đang đi đúng theo con đường mà Apple đã từng đi trước đây...
Tất cả đều miễn phí
Được thành lập vào năm 1976 và 1975, có thể coi Apple và Microsoft 2 trong số ít những cây "đại thụ" của làng công nghệ thế giới vẫn tồn tại cũng như làm ăn tấn tới cho tới thời điểm hiện nay. Trong suốt chặng đường phát triển và đi lên không ngừng đó, đã có không ít những "xích mích" hay lời qua tiếng lại giữa 2 tên tuổi này.
Tất nhiên, Apple cũng như Microsoft - mỗi bên hùng cứ 1 phương trời, Microsoft tập trung vào nền tảng trên PC và ứng dụng văn phòng, còn Apple lại đẩy mạnh dịch vụ và các thiết bị phần cứng. Thế nhưng, có vẻ như con đường mà Microsoft đã chọn lại không trải đầy những hoa hồng như hãng mong đợi.
Và để gạt đi những vận đen không đáng có, hãng đã phải thay đổi. Minh chứng là gã khổng lồ phần mềm Mỹ đã "tặng không" Windows 10 cho bất kì người dùng Windows 7, 8, 8.1 cũng như Windows Phone trước đây miễn là họ nâng cấp ngay nền tảng mới trong năm đầu ra mắt.
Điều này được cho là trái với quy luật thông thường mà chính Microsoft đặt ra đó là trả tiền bản quyền cho từng phiên bản. Ở một khía cạnh nào đó, sẽ chẳng phải ngẫu nhiên nếu nói rằng hãng đang học tập Apple ở khoản "tiền bản quyền" khi vào năm 2013, Táo Khuyết cũng chính thức miễn phí OS X Mavericks cho người dùng MacBook và iMac.
Người ta đã nói rất nhiều về chiến thuật "lùi 1 bước để tiến 2 bước" - cho không người dùng để gia tăng sự ảnh hưởng của Microsoft trước thềm sự kiện 21/01. Tuy nhiên, dấu hỏi đang đặt ra cho chính hãng này là ngoài 1 số nước châu Á hoặc các nước cá biệt tại châu Phi, tiền bản quyền Windows mà Microsoft thu về mỗi năm là rất lớn, vậy hãng sẽ áp dụng "chiêu thức" gì để kiếm cho bù khoản tiền này?
Apple có Continuity thì Microsoft cũng tung ra Continuum
Chúng ta đều biết rằng điểm "cốt lõi" trên Windows 10 được Microsoft nhấn mạnh khi hãng này giới thiệu nền tảng mới chính là 1 hệ sinh thái đồng nhất dành cho PC, smartphone hay tablet. Điều này được cho là sẽ giúp người dùng giảm bớt các tác vụ đồng bộ thông thường, giúp kết nối và làm việc hiệu quả hơn.
Rằng nếu trước đây, chúng ta chỉ có thể "làm việc" trên PC hay laptop thì giờ đây với smartphone hay tablet, mọi chuyện đều có thể. Theo đó, với tính năng Continuum mới, người dùng có thể dễ dàng làm việc hoặc chuyển đổi giữa PC với máy tính bảng, màn hình cảm ứng được tối ưu hóa thay cho chuột và bàn phím và hơn hết, người dùng sẽ tiết kiệm tối đa thời gian chuyển đổi giữa 2 thiết bị vật lý...
Thế nhưng, nếu bạn còn nhớ, những gì mà Microsoft đã tự hào "khoe" với làng công nghệ thế giới cũng từng được Apple công bố rất lâu trước đó, thậm chí, tên gọi của tính năng này cũng "ná ná" như cái tên Continuity mà Táo Khuyết đặt ra.
Hơn hết, Continuum của Microsoft cũng đem tới những trải nghiệm tương tự như Continuity trước kia. Ví dụ nếu nhận được 1 email trên iPhone thì giờ đây khi cầm 1 chiếc iPad, bạn hoàn toàn có thể xử lý được mọi vấn đề liên quan hoặc như nhận 1 cuộc gọi từ iPhone thông qua chiếc MacBook nếu bạn ở xa chiếc điện thoại của mình.
Không cần nói thêm thì chúng ta đều cũng hiểu ai đang là người đi theo trong trường hợp này, còn xét về mặt tích cực, việc học hỏi 1 tích năng hữu ích cũng là điều mà Microsoft nên làm trong bối cảnh làng công nghệ thế giới không có nhiều phát minh đột phá như hiện nay.
Spartan đối đầu Safari
Tại sự kiện diễn ra vào ngày 21/01 vừa qua, Microsoft cũng không quên tung ra Project Spartan - trình duyệt web mới nhất của hãng trong 19 năm, với những mô tả có cánh như được thiết kế để "gia tăng độ tin cậy và gia tăng khả năng tìm kiếm" qua sự tích hợp trợ lý kỹ thuật số Cortana.
Bên cạnh đó, 1 trong những tính năng được hãng nhấn mạnh chính là là chế độ đọc sách, tương tự như các trình duyệt phổ biến hiện nay. Với tính năng này, người dùng có thể dễ dàng xem những nội dung chính trên website được làm nổi bật lên ở dạng văn bản đọc, trong đó, các thành phần không thuộc nội dung chính được ẩn đi ở phía sau giúp chúng ta đọc thoải mái hơn, tập trung hơn.
Nói không ngoa thì Safari của Apple đã đi trước Spartan mà Microsoft tung ra tới hàng năm trời bởi chế độ đọc sách đã được Táo Khuyết triển khai từ cách đây khá lâu. Còn như việc tích hợp Cortana nhằm mục đích thu thập và dự đoán hành vi của người dùng cũng không phải điều gì quá mới mẻ bởi có thể coi đây là 1 tính năng nâng cấp dựa trên hệ thống Spotlight giúp tìm kiếm theo ngữ cảnh của Apple.
Tất nhiên, việc đưa hẳn 1 trợ lý ảo lên trình duyệt của Microsoft cũng được xem là 1 tính năng hấp dẫn với người dùng. Xét về điểm này, Apple vẫn chưa thể so bì với đối thủ bởi không chỉ đơn thuần là Spartan mà mối liên hệ giữa Cortana với Windows 10 là rất chặt chẽ. Và biết đâu, trong sự kiện giới thiệu iOS 9 vào năm nay, Táo Khuyết cũng sẽ tích hợp trợ lý ảo Siri lên Safari như người dùng mong đợi.
Skype trên Windows sẽ là iMessage thứ 2
Trên nền tảng Windows 10 thế hệ mới, Microsoft sẽ tích hợp trực tiếp Skype vào ứng dụng nhắn tin nhằm mang lại cho người dùng Windows một dịch vụ đồng nhất cũng như tiết kiệm tối đa những chi phí mà người dùng phải bỏ ra cho việc nhắn tin. Đặc biệt, tính năng mới này còn gợi nhớ lại những trải nghiệm vô cùng thú vị trên ứng dụng Messenging đã bị Microsoft đã khai tử trong bản cập nhật Windows 8.1.
Ứng dụng Messaging mới tích hợp Skype sẽ cho phép người dùng chat và thực hiện cuộc gọi video/gọi thoại. Tất cả các cuộc hội thoại sẽ được đồng bộ hoá qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại chạy Windows 10. Microsoft đã bắt đầu kết nối người dùng Skype với số điện thoại di động để giúp họ tìm thấy bạn bè đang sử dụng dịch vụ một cách dễ dàng thay vì tìm kiếm ID của họ.
Tuy nhiên, điều này lại rất giống cách tiếp cận của iMessage và mang lại cho người sử dụng Skype trò chuyện với bạn bè một cách dễ dàng nhất. Sự khác biệt lớn nhất giữa ứng dụng Messaging mới của Microsoft và iMessage là Skype có thể hoạt động trên đa nền tảng iOS, Android, BlackBerry, Windows...trong khi iMessage bị giới hạn trong hệ sinh thái của Apple.
Tóm lại, việc tích hợp Skype trên điện thoại cũng cho phép gửi tin nhắn văn bản nhưng Microsoft hoàn toàn có thể mở rộng tính năng này để đồng bộ với PC giống như iMessage. Trong hệ sinh thái Windows 10, mọi ứng dụng đều giống nhau trên máy tính, điện thoại, và máy tính bảng, do đó việc Microsoft phát triển các tính năng của ứng dụng Messaging là điều chắc chắn.
Tạm kết
Ở một khía cạnh nào đó, dù là 1 tín đồ trung thành với Microsoft, Windows, Windows Phone hay đơn giản là chẳng ưa gì thương hiệu Táo Khuyết, bạn cũng phải công nhận rằng, cách mà gã khổng lồ phần mềm Mỹ đang tiếp cận người dùng cũng như việc tích hợp các tính năng mới trên Windows 10 đang tỏ ra "na ná" với đối thủ là Apple.
Thực tế là Microsoft đã và đang tỏ ra yếu thế trước các đối thủ trong khi cố tỏ ra "hào nhoáng" với hệ sinh thái Windows 10 hoàn toàn mới. Hãng gần như đã gián tiếp thừa nhận những sai lầm và bảo thủ trước đây của mình về việc "một mình một kiểu" trên nền tảng Windows Phone. Tất nhiên, tin vui là Microsoft đã kịp thời sửa đổi và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía người dùng.
Còn với Apple, nếu Microsoft muốn hướng tới 1 cuộc đua thực sự "cân tài cân sức", thì sẽ có rất nhiều việc phải làm trước mắt để bù lại những yếu điểm trước kia của mình và đơn cử là hệ điều hành Windows 10 trên di động sẽ chính thức ra mắt vào tháng 2 tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng