Sau xe điện và điện mặt trời, đâu là thứ tiếp theo người Trung Quốc sẽ chinh phục?
Trung Quốc so với Mỹ và châu Âu trong mảng này: tiệm cận về công suất và kỹ thuật nhưng bỏ xa về giá cả.
- ‘Nhiệt’ từ cuộc đua xe điện ngày càng nóng, một hãng xe Nhật buộc phải dừng chân tại Trung Quốc chưa rõ ngày trở lại
- Doanh nghiệp thu mua gallium lớn nhất thế giới: Hạn chế của Trung Quốc chỉ là 'đòn gió'
- Trung Quốc ban hành quy định tạm thời về trí tuệ nhân tạo tạo sinh
- Trung Quốc bê công nghệ sản xuất điện ra biển: Nửa triệu tấm pin phủ kín khu vực rộng bằng 400 sân bóng đá, đủ dùng cho 100.000 ngôi nhà
- Trung Quốc đạt bước tiến về dự án lò phản ứng hạt nhân nhỏ đầu tiên trên thế giới
Trung Quốc hiện đang có xu hướng phát triển các nguồn năng lượng mới và các phương tiện xanh. Sau những bước tiến đáng kể của xe điện và điện mặt trời thì tua-bin điện gió chính là thứ tiếp theo quốc gia này định chinh phục.
Công suất: Sắp đuổi kịp Mỹ và châu Âu
Ngành điện gió ở Mỹ và châu Âu phát triển sớm hơn so với Trung Quốc, từ lâu đã có sức cạnh tranh rất lớn. Trong những năm gần đây, ngành sản xuất tua-bin gió của Trung Quốc đã tăng tốc để bắt kịp với các nước kia về công suất đơn vị, đường kính cánh quạt cũng như hệ thống ngoài khơi.
Về công suất đơn vị, Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với châu Âu, thậm chí có lúc còn vượt qua. Năm 2022, công suất đơn vị trung bình của các dự án điện gió trên bờ ở Trung Quốc là 4,3 MW, còn ở châu Âu là 4,1 MW.
Vestas là nhà sản xuất, phân phối và lắp đặt hệ thống điện gió của Đan Mạch. Theo báo cáo của công ty Chứng Khoán Ping An (Trung Quốc), đường kính cánh quạt chủ yếu trong các đơn đặt hàng tua-bin gió trên bờ của Vestas trong nửa đầu năm 2023 thường là từ 136 đến 163 mét. Thống kê của công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mackenzie lại cho thấy, đường kính cánh quạt của các đơn đặt hàng tua-bin gió trên bờ tại Trung Quốc đã lên tới 188 mét.
Về tua-bin gió ngoài khơi, các lô hàng giao trong năm 2024-2025 của Mỹ và châu Âu thường có công suất đơn vị là 14 MW, đường kính cánh quạt lên tới 236 mét. Còn tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, đường kính cánh quạt trên mô hình đấu thầu của các công ty tua-bin gió gần đây đã đạt khoảng 240 mét.
Giá cả: Rẻ đi trông thấy
Trong khi khoảng cách công suất giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu đang được thu hẹp thì khoảng cách giá thành lại ngày một tăng.
Theo dữ liệu của công ty điện gió Goldwind Technology (Bắc Kinh, Trung Quốc), giá đấu thầu trung bình của dự án tua-bin gió trên bờ tại Trung Quốc đang giảm đáng kể, trong tháng 3 năm 2023 chỉ còn 1.607 NDT/kW.
Tình hình giá dự án tua-bin gió ngoài khơi cũng tương tự. Trong năm 2022, đơn đặt hàng tua-bin gió ngoài khơi của Siemens Gamesa, công ty điện gió Tây Ban Nha, có giá trị là 4,396 tỷ EUR cho 3,04 GW, tương ứng với 1.445 EUR/kW hay 11.400 NDT/kW. Trong khi giá đơn hàng tua-bin gió ngoài khơi của Siemens Gamesa không có xu hướng giảm thì giá trung bình ở Trung Quốc trong năm 2022 chỉ khoảng 4.000 NDT/kW trở xuống. Đây là kết quả của việc nâng cấp sản xuất trên quy mô lớn của Trung Quốc.
Nhờ đâu ngành tua-bin gió của Trung Quốc tăng tốc?
Có ba nguyên nhân chính giúp Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp Mỹ và châu Âu.
Thứ nhất, Trung Quốc đã làm mẫu cho các công ty trong ngành bằng dự án quy mô lớn hoàn chỉnh. Năm 2018, Trung Quốc xây dựng cơ sở điện gió 6 triệu kW ở Ulaan Chab, nội Mông Cổ làm dự án mẫu. Đây là cơ sở điện gió trên bờ lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.
Việc làm mẫu bằng dự án quy mô lớn hoàn chỉnh đã giúp nước này có một cơ chế tương đối hoàn thiện để quảng bá trong nước và thúc đẩy xu hướng ứng dụng các công nghệ mới. Các công ty đi sau chỉ việc làm theo hình mẫu ấy. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng vì thị trường điện gió ở Trung Quốc rất lớn nên mới có thể thực hiện một dự án mẫu với quy mô tầm vóc như thế.
Thứ hai, càng ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc tham gia vào mảng này. Cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong mảng tua-bin trên bờ, ngày càng khốc liệt, từ đó các lộ trình kỹ thuật cũng trở nên phong phú và sáng tạo hơn.
Cuối cùng, không thể bỏ qua yếu tố chuỗi cung ứng nội địa. Trung Quốc là cơ sở sản xuất các bộ phận tua-bin gió lớn nhất thế giới. Hiện tại, sự phát triển của mảng tua-bin gió trên bờ của nước này tập trung chủ yếu ở các khu vực phía bắc, nơi có hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi. Do đó, việc vận chuyển các bộ phận, linh kiện điện gió vốn dĩ khó khăn thì lại có thể được thực hiện tương đối dễ dàng ở Trung Quốc.
Trong khi đó, thị trường tua-bin gió ở Mỹ và châu Âu khá phân tán. Ví dụ, công ty Vestas có đơn hàng đi tới 40 nước trên thế giới. Chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế khi vận chuyển cánh quạt và các bộ phận lớn khác.
Trong tương lai, Trung Quốc vẫn tiếp tục tận dụng lợi thế chi phí để dần giành lấy thị phần ở Mỹ và châu Âu. Hiện tại, nhiều công ty tua-bin gió ở nước này đã có được một số lượng đơn đặt hàng từ các thị trường mới nổi như Trung Á , Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Châu Phi và Ấn Độ.
Tham khảo từ: Wall Street CN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng