Sharp mới nhận được gói cứu trợ trị giá 1,7 tỷ USD của chính phủ Nhật Bản. Đây được cho là ví dụ điển hình của những công ty zombie vốn nhận được sự "nuông chiều" thái quá của chính phủ Nhật Bản.
Hãy tưởng tượng bạn là một thanh niên Nhật Bản 26 tuổi, có tham vọng và ước mơ lớn. Bạn tốt nghiệp từ đại học Waseda – trường tư có tiếng trong cả nước với tấm bằng kỹ sư điện tử.
Bạn cùng những người bạn thân trong lớp từng ngồi trong phòng đề cùng xem những bộ phim hoạt hình trên chiếc ti vi LCD được sản xuất bởi Sharp – top 10 nhà sản xuất ti vi LCD lớn nhất thế giới. Và sau đó, bạn nảy ra một vài ý tưởng cải tiến sản phẩm này.
Hiện tại, sau khi tốt nghiệp và đi làm 4 năm tại phòng nghiên cứu của một nhà sản xuất màn hình LCD, bạn chắc chắn rằng mình đã tìm ra cách sản xuất một loại màn hình LCD có giá rẻ hơn với chất lượng tốt hơn. Bạn cũng tin rằng mình có thể bán những chiếc tivi này ra thị trường hiệu quả hơn, thu hút những người trẻ tuổi bởi thiết kế đẹp.
Nhưng thay vì đưa ý tưởng này tới cấp lãnh đạo cao hơn tại tập đoàn đang làm việc, bạn quyết định bỏ việc và khởi nghiệp kinh doanh cùng những người bạn của mình. Bạn tin rằng mình có thể đánh bại được những tập đoàn khổng lồ ì ạch, đang gặp khó khăn như Sharp.
Mọi thứ diễn ra tốt đẹp trong khoảng 2 năm đầu. Đối thủ cạnh tranh chính của bạn là tập đoàn Sharp đang gặp khó khăn tới mức phải "van nài" nhân viên mua sản phẩm của chính công ty. Dù phải nỗ lực xoay sở để huy động vốn và chịu những khoản vay ngân hàng với lãi suất cao nhưng tốc độ tăng trưởng chóng mặt của công ty khiến bạn tin mình có thể chống đỡ được.
Sau đó vào một ngày, tháng 5/2015, bạn mở báo và đọc được tin tức nói rằng Sharp đã nhận được gói cứu trợ của 2 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Mizuho và Tokyo Mitsubishi. Những ngân hàng này vốn được chính phủ "chống lưng" và điều đó có nghĩa là Sharp đã gián tiếp nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ.
Trường hợp giống như Sharp kể trên được cho là ví dụ điển hình của hiện tượng những CÔNG TY ZOMBIE – vấn đề mà các chuyên gia phân tích đã chỉ trích từ nhiều thập kỷ nay. Với những khoản vay ngân hàng với lãi suất thấp, Sharp có thể bán ti vi ở mức giá siêu rẻ, thậm chí không có lợi nhuận nhưng lại ăn mòn biên lợi nhuận của công ty khác.
Dẫu vậy, bạn vẫn tiếp tục kiên trì.
Gói cứu trợ của ngân hàng không hề giúp ích cho việc cải thiện chiến lược hoạt động của Sharp – các nhà quản lý của công ty cố gắng "cầm chừng" và duy trì tình trạng này lâu nhất có thể. Cuối cùng, bạn nghĩ rằng Sharp sẽ sớm rút khỏi thị trường, bớt đi 1 đối thủ cạnh tranh và sản phẩm cũng như quy trình sản xuất cải tiến của bạn sẽ mang lại biên lợi nhuận cao hơn.
Đáng tiếc, tháng 1/2016, chính phủ Nhật Bản trực tiếp tham gia vào cuộc giải cứu gã khổng lồ Sharp. Tập đoàn The Innovation Network của Nhật Bản (INCJ) đã tung ra gói cứu trợ trị giá 200 tỷ yen (tương đương 1,7 tỷ USD) dành cho Sharp.
INCJ vốn là một tập đoàn được hỗ trợ bởi chính phủ Nhật Bản đã ra tay giúp mảng kinh doanh LCD đang gặp khó khăn của Sharp tiếp tục tồn tại và sáp nhập nó với một đối thủ cạnh tranh khác là Japan Display – một tập đoàn lớn của Nhật.
Đối mặt với thế lực hùng mạnh kiểu như vậy, rất khó để những công ty khởi nghiệp như của chàng trai 26 tuổi kể trên tồn tại trên thị trường. Không những không thể hy vọng có được những gói cứu trợ khổng lồ như vậy, công ty bạn cũng chỉ thuê khoảng 100 người trong khi Sharp có tới 50.000 nhân viên.
Cuối cùng, bạn buộc phải đóng cửa công ty khởi nghiệp của mình và chuyển tới thung lũng Silicon, theo sau bước chân của nhiều doanh nhân Nhật Bản khác.
Câu chuyện về doanh nhân Nhật Bản trẻ tuổi kể trên dĩ nhiên đã được hư cấu dựa trên một vài tình tiết có thật. Gói cứu trợ dành cho Sharp – đầu tiên là từ các ngân hàng và sau đó là chính phủ đều là sự thật.
Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng cứu vãn những gã khổng lồ điện tử gặp khó khăn. Điều đó khiến thị trường tràn ngập những sản phẩm Sharp với giá rẻ từ điện thoại di động, pin năng lượng mặt trời, điều hòa nhiệt độ, máy in, lò vi sóng...
Hệ quả là, những doanh nhân đang nỗ lực sử dụng thị trường Nhật Bản như một bước đệm cho những sản phẩm và quy trình cải tiến của mình đang gặp sự cản trở của những "công ty zombie". Trên thực tế, nhiều doanh nhân Nhật Bản đã hiểu tình huống này và họ không còn hào hứng với việc khởi nghiệp từ đây.
Phía các chuyên gia kinh tế cũng tranh cãi về vấn đề này trong nhiều năm. Đa phần đều đồng tình với quan điểm rằng quá nhiều các zombie như vậy sẽ ăn mòn lợi nhuận của những công ty làm ăn khỏe mạnh, đình trệ quá trình tạo ra việc làm và giảm năng suất.
Đặc biệt trong một bài viết vào năm 2009, Mariassunta Giannetti và Andrei Simonov đã nhận ra rằng những gói cứu trợ của chính phủ Nhật Bản thông qua các ngân hàng lớn khiến vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.
Điều đáng nói là những chỉ trích này thậm chí ra đời trước khi INCJ hay những quỹ cứu trợ khác của chính phủ Nhật Bản được thành lập. Chính phủ hy vọng rằng INCJ và những tổ chức như vậy sẽ áp dụng những điều kiện khắt khe hơn đối với các công ty nhận cứu trợ nhưng rõ ràng đây là hành vi khuyến khích không tốt. Nhật Bản không đành lòng để những tập đoàn hoạt động kém hiệu quả của họ chết.
Nếu Nhật Bản muốn tạo ra tốc độ phát triển trong dài hạn, họ cần giải quyết được vấn đề này. Những công ty mới không thể phát triển khi họ luôn bị ngáng đường bởi những gã khổng lồ ì ạch, thoi thóp sống như Sharp.
Những doanh nhân như chàng trai trẻ 26 tuổi kể trên cần được cho phép làm những gì họ muốn. Vòng quay gói cứu trợ của Nhật Bản phải chấm dứt.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng