Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop và Sendo đạt hơn 232.000 tỉ đồng doanh thu trong 2023
Thị trường thương mại điện tử năm 2023 tại Việt Nam có doanh thu lên đến gần 500.000 tỉ đồng, trong đó 5 ông lớn gồm: Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop và Sendo đạt hơn 232.000 tỉ đồng.
Dữ liệu từ nền tảng số liệu thị trường Metric (Metric) ghi nhận cho thấy từ ngày 1.1 đến 31.12.2023, doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) năm 2023 đạt 498.868 tỉ đồng, vượt xa so với năm 2022 (hơn 399.000 tỉ đồng).
Trong đó, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt 232.134 tỉ đồng , tăng 52,3% so với năm 2022.
Thị phần doanh thu 5 ông lớn này tăng từ 31,4% năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C.
Theo nhận định của đội ngũ phân tích đến từ Metric, so với tăng trưởng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử B2C thì mức tăng trưởng của 5 sàn bán lẻ trực tuyến đang cao hơn và nhanh hơn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ năm 2022 đến năm 2023.
“Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, theo cùng với xu hướng thế giới”, chuyên gia phân tích Metric nhận định.
Năm 2023 với sự phát triển mạnh mẽ của những hình thức mua sắm mới điển hình là livestream và bán hàng đa kênh, mang về nguồn thu lớn cho các sàn.
Trong đó, livestream là cuộc chơi của cảm xúc giải quyết được tất cả những băn khoăn của khách hàng khi mua sắm trực tuyến: Được ngắm nhìn sản phẩm và được tư vấn trực tiếp nhanh chóng bởi người bán, mã giảm giá tung liên tục theo từng thời điểm khiến người mua càng có quyết định “chốt đơn” nhanh hơn.
Trong năm 2023, có tới hơn 105 nghìn nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
Tuy nhiên, xuất hiện thêm hơn 95 nghìn nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động.
2 thách thức lớn đặt ra
Việc thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng đã tác động tích cực đến nền kinh tế số; đặc biệt phát huy vai trò đối với phân phối và tiêu dùng nội địa.
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, trong năm 2023, thương mại nội địa có cú đột phá từ thương mại điện tử khi đạt 20,5 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 25%/năm, nằm trong top đầu của thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã trải qua năm 2023 không hề dễ dàng. Sự phát triển của thương mai điện tử được các chuyên gia đánh giá là nhanh nhưng vẫn còn nhiều rào cản.
Rào cản thứ nhất hiện nay đến từ mức độ cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử rất gay gắt, khi cùng 1 loại sản phẩm có tới hàng trăm doanh nghiệp đăng bán.
Rào cản thứ 2 có thể kể đến là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của các thương hiệu kinh doanh chân chính nói riêng và toàn bộ nền kinh tế thương mại điện tử nói chung.
Theo nhận định của các chuyên gia đến từ nền tảng Metric, tâm lí lên sàn thương mại điện tử để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng vẫn còn hằn sâu trong tâm lý của người tiêu dùng. Cuối cùng, sự phát triển không đồng đều giữa các tỉnh thành cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương chưa tiếp cận được nền tảng thương mại điện tử một cách bài bản, chính xác.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng