Siêu thị Nhật Bản lỡ bán cá nóc, nhà chức trách địa phương vội vàng thông báo thu hồi

    Dink,  

    Thế mà vẫn có một trường hợp đã lỡ ăn mất rồi, cũng may không có thiệt hại nào về người.

    Các cơ quan y tế tại thành phố Gamagori tại Nhật Bản đã buộc phải đưa ra cảnh báo trên diện rộng sau khi một siêu thị địa phương "lỡ" bán ra 5 gói cá nóc cực độc ra ngoài thị trường. Con cá này tại đất Nhật Bản có tên là "fugu", được coi là một trong những đặc sản ẩm thực tại đất nước Hoa Anh Đào này nhưng nhiều người cũng gọi đây là trò chơi may rủi: loài cá nóc này chứa chất cực độc có tên tetrodotoxin, một chất hoàn toàn có thể gây tử vong cho người nếu ăn phải.

    Thực tế, từ năm 2006 tới nay, đã có 10 người thiệt mạng vì ăn phải loài cá độc này. Thế vẫn còn đỡ so với hồi năm 1958, khi mà người dân còn thiếu hiểu biết. Số người thiệt mạng năm ấy đã đạt kỷ lục với 176 nạn nhân.

    Sau tai nạn ấy, tất cả các đầu bếp pha chế cá nóc đều phải tốt nghiệp một khóa học làm cá kéo dài 3 năm trước khi có giấy phép hành nghề. Thủ tục này được đặt ra để đảm bảo rằng không còn ca tử vong đáng tiếc nào nữa. Thế nhưng điều đáng tiếc vẫn đôi khi xảy ra.

    Độc tố của loài cá nóc tập trung ở buồng trứng, thận, da, mắt, ruột và nơi khó xử lý nhất – gan. Dù là cực độc, nhưng những bộ phận nói trên vẫn có thể được xử lý bởi những đầu bếp hàng đầu, biến nó thành món ẩm thực thượng hạng. Lượng độc tố còn sót lại tại những bộ phận trên chỉ có thể khiến những thực khách thưởng thức nó tê tê nơi đầu lưỡi mà thôi.

    Nhưng đầu tuần này tại một siêu thị ở Gamagori, người ta đã bán một số gói cá nóc chứa cả gan cá ra thị trường. Theo nhiều nguồn tin, chủ bộ phận hải sản tại siêu thị Super Tatsuya, nơi bán số cá trên, có vẻ chẳng hiểu tại sao người ta lại nhao nhao lên thế: họ đã bán gan cá nóc ra thị trường được một thời gian rồi.

    "Độc trong loài cá nóc này (đây là một nhánh cá nóc khác với loài cực độc thường thấy) không cao và tôi chưa bao giờ coi nó là thứ có độc cả", một nhân viên thuộc bộ phận bán đồ hải sản nói.

    Tuy nhiên nhà chức trách không lạc quan thế, chưa kể việc bán cá nóc còn bị cấm ở nước Nhật. Các cơ sở y tế cũng như báo đài, các phương tiện truyền tin trong địa phương đã phát sóng một lời cảnh báo rằng đã có tất cả 5 gói cá nóc đã được bán ra thị trường. "Chúng tôi kêu gọi người dân khu vực tránh ăn cá nóc", nhà quản lý địa phương Koji Takayanagi nói với tờ The Japan Times.

    "Đừng ăn chúng, hãy trả lại cá ngay cho siêu thị!". Có tất cả 4 người đã trả lại cá, người thứ năm đã lỡ ăn nó mất rồi.

     Cảnh báo được đưa trên kênh truyền hình thành phố Gamagori.

    Cảnh báo được đưa trên kênh truyền hình thành phố Gamagori.

    May mắn thay, những người ăn phải gói cá này đều bình an vô sự. Khách hàng mua nó đã báo lại cho chính quyền địa phương rằng mọi người dùng bữa dều không có vấn đề gì. Đây là bằng chứng cho thấy tại sao mấy anh bán cá tại siêu thị lại tự tin đến vậy: có ít nhất 191 loài cá nóc khác nhau và lượng độc tố trong người chúng cũng khác nhau.

    Tuy nhiên, hành động này vẫn vi phạm luật pháp Nhật Bản: cá nóc phải được xử lý kỹ càng bởi các chuyên gia được cấp phép. Tại Mỹ, người ta chỉ nhập cá nóc đã được xử lý kỹ càng từ Nhật mà thôi, việc nhập khẩu cá nóc từ bất cứ nước nào khác đều bị cấm. Thà cấm nhầm còn hơn bỏ sót, nhiều người không biết cá nóc có thể độc tới mức nào vẫn có thể bỏ mạng lúc nào không hay.

    Sự cố bán cá trên đã khiến chủ chuỗi siêu thị phải đứng ra xin lỗi toàn thể mọi người. "Tôi chân thành xin lỗi, chúng tôi sẽ không bao giờ bán cá nóc nữa", chủ tịch chuỗi siêu thị nói với từ The Asahi Shimbun.

    Kể lại chuyện xưa: Một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của cá nóc có lẽ là nghệ sĩ ca vũ kỹ (Kabuki) nổi tiếng, ông Bando Mitsugoro Đệ Bát. Ông tuyên bố với bạn bè mình rằng ông đã miễn nhiễm với độc cá nóc rồi, thản nhiên ăn gan cá nóc tại một nhà hàng ở Kyoto năm 1975. Thi thể ông được tìm thấy tại phòng khách sạn vài giờ sau đó.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày