Singapore đã làm gì để loại bỏ dần ô tô cá nhân, xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại nhất khu vực chỉ sau 20 năm?
Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và đặc biệt là tàu điện ngầm của Singapore khá nổi tiếng. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng chính phủ và người dân nước này đã phải vượt qua những thử thách như thế nào để thay đổi thói quen đi lại và xây dựng một mạng lưới đường sắt đồ sộ như vậy.
Singapore là một trong những quốc gia luôn được Ngân hàng thế giới (World Bank) bình chọn trong top các nước có môi trường lý tưởng để kinh doanh. Ngoài những chính sách ưu đãi về thuế hay hành chính, Singapore còn nổi tiếng về hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển thu hút được hàng loạt doanh nghiệp. Một trong những hệ thống đó là mạng lưới tàu điện ngầm trải khắp quốc đảo sư tử.
Chính phủ Singapore đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp kết nối giữa rất nhiều phương tiện như tàu điện, xe buýt và taxi nhằm tạo nên một mạng lưới vận tải liền mạch. Đây là một trong những mục tiêu chiến lược nhằm phát triển kinh doanh cũng như bảo vệ môi trường sống.
Nhờ những định hướng đúng đắn này mà hệ thống giao thông công cộng của Singapore được đánh giá là tiện dụng, thoải mái và tin cậy. Bảng xếp hạng cơ sở hạ tầng của hãng Mercer xếp Singapore đứng đầu bảng so với 49 thành phố khác trong khi khảo sát của Gallup cho thấy người dân quốc đảo này hài lòng với phương tiện giao thông công cộng hơn so với 20 đô thị khác.
Hệ thống tàu điện hiện đại
Việc di chuyển quanh Singapore vô cùng dễ dàng khi quốc gia này có một hệ thống tàu điện cao tốc hiện đại, được quy hoạch hợp lý để chiêm ngưỡng toàn cảnh đẹp quanh đất nước cũng như có nhiều trạm dừng chân đến từng ngóc ngách.
Trên thực tế, tàu điện ngầm của Singapore có 2 loại là hệ thống MRT chạy nhanh, toa dài cho các mạch giao thông chính và LRT chạy chậm hơn, toa ngắn cho các mạch phụ. Dẫu vậy, người dân Singapore vẫn quen gọi chung cả 2 hệ thống là là MRT.
Ngoài việc các chuyến tàu rất đúng giờ, thuận tiện cho người dân sử dụng, các sân ga tàu điện của Singapore cũng được nâng cấp thường xuyên nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho hành khách. Hệ thống nhà ga luôn có thang máy và nền nhà có cảm nhận bằng xúc giác cho người khiếm thị. Những lối xe lăn cũng được xây dựng cho người khuyết tật và bị bệnh. Đặc biệt, vé tàu điện ngầm tại đây thậm chí còn rẻ hơn cả xe buýt do được tài trợ bởi chính phủ.
Hầu hết các nhà ga tàu điện của Singapore được xây dựng dưới lòng đất nhằm làm nơi trú ẩn cho người dân trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Dẫu vậy, các dịch vụ điện thoại và Internet vẫn được phục vụ đầy đủ trên toàn hệ thống. Tất cả các sân ga ngầm đều có điều hòa nhiệt độ trong khi những phần nổi trên mặt đất được trang bị quạt công suất lớn.
Thậm chí, nhiều sân ga lớn tại Singapore được thiết kế như một trung tâm thương mại với đầy đủ siêu thị, cửa hàng bán lẻ, máy bán hàng tự động hay những dịch vụ khác. Điều đáng ngạc nhiên là những sân ga của Singapore có phong cách thiết kế không giống nhau do liên tiếp được xây dựng từ năm 1987.
Bên cạnh đó, tất cả hệ thống vé tàu của Singapore được bán tự động và dựa trên khoảng cách di chuyển của hành khách. Nhờ hệ thống tự động cao này mà chi phí bán vé của Singapore được giảm đáng kế. Những tấm vé bằng nhựa được in ra để hành khách có thể tích điểm và tái chế. Hiện nay, Singapore đang dần chuyển sang loại thẻ thông minh EZ Link có khả năng thanh toán cho các cửa hàng bán lẻ hoặc nhiều tính năng khác hơn là chỉ mua vé tàu. Thậm chí, người dân có thể tích điểm mua vé online mà không cần phải xếp hàng ở những máy in vé tự động.
Hệ thống tàu điện của Singapore cũng rất an toàn với 2 lớp cửa, qua đó ngăn chặn tình trạng hành khách bị kẹp hay rơi xuống đường ray. Ngoài ra, điều khiến du khách và người dân thực sự an tâm là tình trạng an ninh vô cùng tốt. Hệ thống camera dày đặc cùng ý thức cao của người dân khiến các tệ nạn xã hội không có cơ hội xảy ra. Nhờ vậy, việc di chuyển về đêm hay những lúc vắng hành khách vô cùng an toàn tại đây.
Cuộc chiến giành quyền xây dựng
Hệ thống tàu điện MRT của Singapore được khánh thành từ năm 1987 và là hệ thống tàu điện lâu đời thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Philippines. Sau nhiều năm phát triển, hệ thống MRT đã dần trở thành phương tiện di chuyển phổ biến thứ 2 tại Singapore sau xe buýt. Năm 2015, khoảng 3 tỷ lượt hành khách đã sử dụng tàu điện, tương đương 78% so với số hành khách sử dụng xe buýt cùng thời gian đó.
Tổng chiều dài đường sắt của Singapore đạt 178,2km với 106 sân ga chính thức đang hoạt động.
Trên thực tế, hệ thống đường sắt Singapore không nhận được tất cả đồng thuận khi một kế hoạch nghiên cứu được thực hiện trong vòng 4 năm vào năm 1967 của chính phủ nhằm phát triển dài hạn đô thị và quốc gia.
Do là một quốc đảo, có giới hạn về diện tích nên Singapore không thể xây dựng quá nhiều đường xá trong khi vẫn cần một hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng để phát triển kinh tế. Ban đầu, hệ thống xe buýt được sử dụng phổ biến nhưng không hoàn toàn hợp lý do quốc gia này không đủ quỹ đất để xây dựng nhiều đường xá.
Thậm chí, hệ thống MRT chỉ được bắt đầu xây dựng vào năm 1983 sau hơn 10 năm đấu tranh về việc sử dụng loại phương tiện nào sẽ đem lại lợi ích lâu dài hơn cho Singapore. Những người ủng hộ tàu điện cho rằng loại hình này sẽ tiết kiệm quỹ đất trong khi những người phản đối cho rằng việc xây dựng các nhà ga và tuyến đường sắt sẽ ảnh hưởng đến mô hình sử dụng đất cũng như hoạt động kinh tế khi xe buýt đã trở nên quá phổ biến thời kỳ đó.
Hơn nữa, chi phí đắt đỏ cho việc xây dựng với 5 tỷ Dollar Singapore vốn ban đầu cũng khiến chính phủ quốc gia này ngập ngừng quyết định dù nhiều dự án thiết kế, thi công, khảo sát đã được tiến hành nhằm chứng minh tính khả thi của hệ thống MRT.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi một nhóm nghiên cứu nước ngoài do chuyên gia Kenneth Hansen đứng đầu đã báo cáo kết quả rằng việc xây dựng quá nhiều tuyến đường sắt là không cần thiết khi chính phủ chỉ cần xây dựng một tuyến tàu điện ngầm để giảm ùn tắc giao thông.
Còn lại, Singapore có thể xây dựng một mạng lưới xe buýt thông minh với các tuyến đường trung chuyển và giảm xe hơi. Bằng cách này, Singapore có thể tiết kiệm được 50% kinh phí cũng như không làm xáo trộn quá nhiều hệ thống xe buýt đang được ưa chuộng khi đó.
Vấn đề này khi đó được đưa lên đệ trình nghị viện và thảo luận rộng rãi trên sóng truyền hình. Thậm chí những cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp đã được tổ chức nhằm xác nhận hướng đi nào là phù hợp. Cuối cùng, chiến thắng thuộc về hệ thống MRT và dự án này chính thức được phê duyệt vào năm 1982.
Không dừng lại ở đó, việc xây dựng hệ thống MRT gặp khá nhiều thách thức. Tiêu biểu là những cuộc tranh cãi về lợi ích kinh tế, chính trị cho các vùng mà hệ thống đường sắt đi qua. Việc hệ thống MRT len được vào từng ngóc ngách của Singapore đã kéo theo rất nhiều tranh cãi, xung đột tại từng khu vực về mục đích sử dụng vốn, địa điểm đặt nhà ga cũng như những ảnh hưởng lâu dài của ga tàu đến cuộc sống người dân địa phương.
Thậm chí, đã có những thời điểm số vốn quá lớn cho xây dựng, mở rộng hệ thống MRT bị nghi vấn khi chính phủ có thể dùng nó để đầu tư cho các mảng khác.
May mắn thay, quyết định đúng đắn của chính phủ Singapore đã giúp hệ thống MRT được mở rộng và hoàn thành suôn sẻ, tạo nên một mạng lưới giao thông chất lượng thuộc hàng bậc nhất thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng