Singapore phải rút bỏ chiến dịch "Siêu anh hùng chống Covid-19" vì bị fan Liverpool phản đối kịch liệt
Chiến dịch PR của Đảo quốc sư tử bị chỉ trích nặng nề và khiến các fan của đội bóng Liverpool nổi giận.
Chính phủ Singapore vừa phải rút lại một chiến dịch PR liên quan virus corona, vốn được kỳ vọng sẽ giúp người dân lạc quan hơn trước đại dịch, nhưng thay vào đó lại phải hứng chịu không ít "gạch đá" vì lý do "vô cảm" đối với các fan của Liverpool.
Cụ thể, hôm thứ hai vừa qua, một website của chính phủ nước này bất ngờ giới thiệu Virus Vanguard, một biệt đội gồm các siêu anh hùng hoạt hình theo phong cách Avengers, được thành lập để chiến đấu với COVID-19 và quảng bá các chiến thuật ngăn chặn đại dịch của quốc gia. Chưa đầy một ngày sau, biệt đội này đã biến mất không để lại dấu vết gì ngoài một vài hình vẽ tượng trưng sơ sài.
Nhóm siêu anh hùng Virus Vanguard
"Chúng tôi đã nhận được khá nhiều phản hồi về các nhân vật và sẽ xem xét lại chúng" – chính phủ Singapore giải thích trên Facebook. "Chúng tôi xin lỗi vì đã khiến mọi người bực bội".
Chiến dịch của Singapore xuất hiện vào thời điểm không thể tệ hơn, khi mà thứ hai vừa qua chính là ngày chính phủ nước này công bố số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao nhất từ trước đến nay trong một ngày – 1.426 ca. Sang thứ ba, lại có thêm 1.111 ca bệnh, nâng tổng số ca lên 9.125, buộc chính phủ phải kéo dài thời gian đóng cửa một phần thành phố đến 1/6 khi mà số ca bệnh tiếp tục tăng trong các ký túc xá dành cho lao động nhập cư.
"Không đúng lúc, không đúng nơi" – một người dùng Facebook tên Jack Lim bình luận vào bài viết của chính phủ. "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn mà mọi người muốn có những bản báo cáo đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Đây là vấn đề sự sống và cái chết".
Nhóm cổ động viên câu lạc bộ bóng đá Liverpool là những người bực bội nhất.
Một trong những siêu anh hùng được giới thiệu có tên là MAWA Man – một gã mặc đồ bó với thứ có vẻ như là logo Liverpool bị gạch chéo ngay trước ngực. "MAWA" có nghĩa là "Must Always Walk Alone" (Phải Luôn Đi Một mình) – một cách nói kháy khẩu hiệu và bài hát của Liverpool, "You’ll Never Walk Alone" (Bạn sẽ không bao giờ phải đi một mình).
MAWA Man
Ý tưởng đằng sau siêu anh hùng này là nhằm nhắc nhở công chúng thực hành giãn cách xã hội. Tại Singapore, hàng trăm người đã bị phạt khoảng 210 USD/người vì không chấp hành giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người lạ.
"MAWA Man giữ khoảng cách an toàn bằng cách đẩy mọi người và các vật thể khác ra xa" – phần miêu tả nhân vật nói. Chưa hết, cũng theo phần miêu tả, thì MAWA Man từng là một fan của Manchester United và bị trêu ghẹo bởi những ông anh trai là fan của Liverpool, do đó gã lớn lên với tư tưởng căm ghét đội chủ sân Anfield.
Đọc đến đây, nhiều fan trung thành của Liverpool hẳn đã tức điên lên. Họ lập một cuộc bầu chọn trên Change.org để yêu cầu xóa bỏ nhân vật MAWA Man này và đã thu thập được hơn 700 chữ ký, đi kèm là những bình luận không mấy thân thiện. Những người lập cuộc bầu chọn nói rằng chiến dịch PR của chính phủ Singapore đã chế nhạo thông điệp "You’ll Never Walk Alone" vào một thời điểm không thể tệ hơn nữa.
"YNWA không chỉ là một bài hát mang lại cho mọi người sức mạnh trong thời điểm thử thách này, nó còn có nghĩa là không để bất kỳ ai lại đằng sau" – một người nói.
Mac Shafeen, nhà sáng lập của nhóm họa sỹ Band of Doodlers, tự nhận là người sáng tạo ra Virus Vanguard. Shafeen nói trên trang Facebook của chính phủ rằng anh được đề nghị phát triển một series truyện tranh nhằm tăng cường nhận thức của mọi người về các giải pháp ngăn chặn đại dịch.
"Tình hình hiện tại đã tác động đến tất cả chúng ta, và với tư cách là một họa sỹ, tôi rất cảm kích với những cơ hội như thế này, khi mà rất khó để tìm được công việc vào lúc này" – Shafeen nói. "Tôi xin lỗi vì những vấn đề đã gây ra".
Nhóm Virus Vanguard còn bao gồm những nhân vật khác như Circuit Breaker, Fake News Buster, Dr Disinfector, và Care-leh Dee. Tất cả đều vay mượn nhiều đặc điểm từ các bộ phim và truyện tranh về siêu anh hùng: ví dụ, Circuit Breaker, được đặt tên theo cách gọi của chính phủ Singapore đối với tình trạng phong tỏa một phần, đeo một chiếc vương miện giống Wonder Woman và điều khiển một con robot hình người.
Circuit Breaker
"Mánh" sử dụng các nhân vật tưởng tượng để truyền tải thông điệp và vận động số đông không phải điều gì đó mới mẻ tại quốc gia nhỏ bé này – theo Tan Ern Ser, một nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore.
Vào những năm 1980, vị phó giáo sư này nói, một linh vật tên Teamy the Bee đã được sử dụng để truyền cảm hứng tăng năng suất lao động. Linh vật sư tử Singa thì đã đại diện cho những nỗ lực của Singapore trong việc khuyến khích xây dựng một xã hội thân thiện hơn trong nhiều thập kỷ.
"Tôi cho là chiến dịch này nhắm vào giới trẻ, những người thích xem hình ảnh trực quan hơn là đọc văn bản, với mục tiêu làm cho họ hiểu biết hơn về những biện pháp phòng ngừa COVID-19" – Tan nói về Virus Vanguard như vậy.
Ông còn nhận định rằng, chiến dịch lẽ ra đã phải được tiếp nhận tốt hơn. Theo ông, một giải pháp tốt hơn là nên sử dụng các nhân vật đã có tiếng tăm.
"Dưới góc nhìn của tôi thì nó không thân thiện" – ông nói về chiến dịch PR thất bại của chính phủ. "Do đó tôi không nghĩ những thông điệp quan trọng của nó sẽ tạo được tiếng vang với người dân. Nó thiếu bối cảnh, các nhân vật thì trông không giống người địa phương, và nội dung thì khó hiểu".
Tham khảo: NikkeiAsian
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng