Smartphone bết bát, Samsung dồn lực vào sản xuất chip xử lý
Trong khi doanh thu smartphone giảm sút, có một điểm sáng duy nhất là bộ phận sản xuất thiết bị bán dẫn và chip xử lý, báo cáo lợi nhuận 4,88 tỉ USD, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Cách đây ít ngày, Samsung đã chính thức công bố bào cáo tài chính của quý IV năm tài khóa 2014.Nếu như Apple có sự tăng trưởng kỷ lục thì gã khổng lồ Hàn Quốc lại có sự tụt giảm một cách thê thảm. Có vẻ như lợi nhuận từ việc sản xuất và kinh doanh chip xử lý không thể bù đắp lại sự yếu kém của mảng smartphone.
Theo đó, lợi nhuận của Samsung đạt 4,87 tỉ USD trong doanh thu 48,6 tỉ USD. Kết quả này cho thấy sự tụt giảm tới 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, vào năm ngoái Samsung công bố lợi nhuận đạt 7,6 tỉ USD trong doanh thu 54,5 tỉ USD. Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận ròng của Samsung bị sụt giảm, đồng thời khiến cho tổng lợi nhuận năm 2014 của Samsung là thấp nhất kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, tin vui là hãng vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới, còn về phía Apple, hãng đã có sự tăng trưởng đáng kể để bám sát Samsung và gần như đã san bằng được khoảng cách doanh số bán ra. Với sức nóng từ phía sau do Táo Khuyết tạo ra, đồng thời là những hiệu ứng domino liên tiếp các thất bại trong năm 2014, Samsung đã đưa ra quyết định chuyển hướng sang các lĩnh vực khác thay vì smartphone.
Khi đối thủ thăng hoa
Nếu so sánh với Apple, Samsung luôn được xếp ở chiếu trên bởi doanh số khủng và lợi nhuận lớn bởi các sản phẩm của hãng sản xuất Hàn Quốc luôn xuất hiện ở khắp mọi phân khúc. Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2014, Apple đã gần như đuổi kịp Samsung với doanh số 74,5 triệu máy so với 75,1 triệu máy. Trong khi đó, thị phần to lớn của Samsung cũng bị "chia 5 xẻ 7" và chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với Apple - 20,01% so với 19,85%.
Điều này cho thấy, dù Samsung vẫn giữ ngôi vị số 1 nhưng chiến thắng mà hãng đạt được vẫn quá mong manh. Xét về yếu tố khách quan, năm 2014 cũng chẳng phải là 1 năm êm đềm với nhà sản xuất Hàn Quốc. Bởi trước đó, chiếc Galaxy S5 và cả dòng Note chủ lực cũng không đạt được thành công như những kì vọng trước đó.
Trong khi ở phân khúc cao cấp, việc iPhone 6 và iPhone 6 Plus bán đắt như tôm tươi khiến các dòng sản phẩm như Galaxy S hay Galaxy Note phải chùn bước thì tại các phân khúc tầm thấp, Xiaomi hay Lenovo lại liên tục gây sức ép cho nhà sản xuất này. Minh chứng là giá bán cũng như cấu hình của những công ty này đều tốt hơn hẳn so với các sản phẩm từ Samsung.
Thêm nữa, đây cũng là thời điểm mà nội bộ của công ty Hàn Quốc cũng phải đón nhận những sự thay đổi lớn về mặt nhân đối với chức vụ giám đốc phụ trách thiết kế mảng di động. Theo đó, ông Chang Dong-hoon - người nắm vai trò mấu chốt trong thiết kế của chiếc Galaxy S5 đã được thay thế bởi ông Lee-Min-hyouk vốn là phó chủ tịch phụ trách thiết kế di động và trở thành CEO trẻ tuổi nhất trong công ty.
Smartphone hay chip xử lý
Nếu chỉ nhìn xuống dưới, có lẽ Samsung sẽ chẳng bao giờ nhận ra điểm yếu của mình, tuy nhiên, hãy để ý những con số sau đây: chỉ trong vòng 1 năm, Samsung mất đi 1/3 doanh thu khi so với năm ngoái. Samsung bán được 90 triệu điện thoại đi dộng, trong đó có khoảng 71 - 75 triệu smartphone, chỉ ngang bằng với iPhone của Apple. Lợi nhuận mảng mobile của Samsung giảm 64.2% chính do áp lực cạnh tranh của iPhone màn hình lớn, lấy mất thị phần hàng cao cấp.
Đặc biệt, bộ phận di động của Samsung chỉ thu về 24 tỉ USD với lợi nhuận ròng 1,8 tỉ USD, dựa chủ yếu vào doanh số bán hàng của chiếc phablet Galaxy Note 4. Đó cũng là sự sụt giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, khi mà năm ngoái bộ phận di động của Samsung đạt lợi nhuận lên tới 5,09 tỉ USD.
Trong khi đó, có một điểm sáng duy nhất là bộ phận sản xuất thiết bị bán dẫn và chip xử lý, báo cáo lợi nhuận 4,88 tỉ USD, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Rõ ràng kết quả này thực sự khiến nhiều người bất ngờ, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể dự đoán trước, khi mà Samsung đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng điện thoại giá rẻ khác.
Nếu như không chấp nhận thay đổi, rất có thể Samsung sẽ mất đi vị thế của mình trong thị phần thiết bị di động. Thế nhưng, gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn có những hướng phát triển khác bên cạnh smartphone, đó là Internet of Things và đặc biệt là sản xuất linh kiện từ màn hình đến chip xử lý cho các hãng di động khác, trong đó có cả Apple.
Gia công chip cho Apple nhưng phải dùng vi xử lý của Qualcomm
Một nghịch lý mà Samsung đang gặp phải đó là dù hãng sở hữu trong tay những dây chuyền cũng như công nghệ hiện đại nhất trong khâu sản xuất vi xử lý, cung cấp cho đối thủ Apple nhưng chính nhà sản xuất Hàn Quốc lại phải sử dụng chipset đến từ Qualcomm. Câu hỏi đặt ra là tại sao hãng không tự sản xuất vi xử lý cho chính mình và gia công thêm cho cả Apple để tiết kiệm chi phí và đầu tư sinh lời?
Và câu trả lời mới đây được bật mí từ đại diện Samsung chính là từ năm 2015 này, trên các sản phẩm thuộc dòng Galaxy S - sắp tới có thể là chiếc siêu phẩm Galaxy S6, nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ tự trang bị vi xử lý trên các thiết bị của mình. Bởi trước đó, từng xuất hiện khá nhiều tin đồn cho rằng vi xử lý Snapdragon 810 tỏa nhiều nhiệt khiến thiết kế S6 kim loại nguyên khối phải chịu nhiều hư hại cũng như rủi ro.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, động thái nói trên sẽ giúp nhà sản xuất Hàn Quốc tiết kiệm được kha khá chi phí sản xuất, đồng thời phần nào hạ được giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh với những smartphone giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu muốn thành công với dòng chip "cây nhà lá vườn", Samsung cần vượt qua được dòng vi xử lý Snapdragon sở hữu hiệu năng mạnh mẽ và tương thích rất tốt với hệ thống mạng LTE.
Còn đối với Apple, nhiều khả năng, Samsung sẽ đảm nhiệm tới hơn 75% số lượng chip xử lý A9 trên iPhone thế hệ mới. Bởi theo nhiều chuyên gia, điểm mạnh của dòng chip do công ty Hàn Quốc sản xuất chính là việc tiết kiệm điện năng cũng như khả năng làm mát cao. Đây có thể xem là lợi thế tiên quyết mỗi khi các nhà sản xuất chọn lựa đơn vị sản xuất vi xử lý cho các thiết bị di động của mình.
Minh chứng là sau 1 thời gian hợp tác với nhà sản xuất linh kiện Đài Loan TSMC trên iPhone 6 và iPhone 6 Plus thì có vẻ như Apple đã cảm thấy nhớ Samsung và phải quay trở lại với nhà sản xuất Hàn Quốc. Động thái này cho thấy dù là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau nhưng Táo Khuyết lại đang dần trở nên phụ thuộc vào Samsung.
Và nếu biết tận dụng lợi thế này, đây sẽ là bước ngoặt giúp hãng bỏ xa Apple trong thời gian tới. Bởi xét cho cùng, kẻ khiến Samsung bại trận trong năm 2014 không phải là Xiaomi hay Lenovo, mà đó là Apple và CEO Tim Cook.
Tổng hợp
>>Tổng kết năm 2014: Samsung đứng đầu, Xiaomi chen chân vào top 5
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng