Số hóa truyền hình là xu hướng tất yếu

    PV,  

    Số hóa truyền hình là xu thế chung của truyền hình thế giới.

    Chuyển từ analog sang số hóa không chỉ là câu chuyện đối với riêng Việt Nam mà đây còn là xu thế chung của truyền hình thế giới.


    Hiện nay, nhiều nước phát triển đã loại bỏ hẳn công nghệ analog ra khỏi dịch vụ truyền hình của mình, thay vào đó số hóa đã trở thành xu thế tất yếu của ngành truyền hình thế giới. Bên cạnh những quốc gia đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sang số hóa, cũng có nhiều nước đang trong quá trình chuyển đổi, trong đó có cả Việt Nam.


    Số hóa truyền hình là xu hướng tất yếu 1
      VTC hiện là đài truyền hình đi đầu trong lĩnh vực số hóa tại Việt Nam

    Thời khắc quan trọng của truyền hình số trên thế giới được bắt đầu từ năm 2006 khi Luxembourg là quốc gia đầu tiên trên hoàn thành quá trình chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình kĩ thuật số.


    Hiện nay, đã có rất nhiều quốc gia chuyển hẳn sang truyền hình số như Mỹ, Pháp, Hy Lạp, Hàn Quốc ... Còn tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã đề ra lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc phát sóng qua analog.

    Truyền hình số được chia làm 6 loại chính: Truyền hình số vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình số cáp, truyền hình internet, truyền hình OTT và IPTV. Trong số đó, truyền hình số vệ tinh được triển khai sớm nhất vào năm 1996 tại Mỹ và Chấu Âu.


    Xuất hiện sau truyền hình số vệ tinh khi mãi tới năm 2000, truyền hình số mặt đất mới được triển khai và phát sóng. Nhưng đây lại là mô hình được nhiều nước đang phát triển trên thế giới lựa chọn, trong đó có cả Việt Nam. Bởi mô hình này sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư thấp hơn cũng như ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết như truyền hình số vệ tinh.


    Bên cạnh đó, truyền hình số mặt đất còn tận dụng được tối đa cơ sở hạ tầng có sẵn của công nghệ analog như cột phát sóng, ăn ten ... Đặc biệt chi phí từ người dùng cho loại hình này cũng rẻ hơn rất nhiều so với truyền hình số vệ tinh và IPTV.


    Đây cũng là mô hình thích hợp tại Việt Nam, bởi các đài truyền hình tại nước ta từ trước tới nay vẫn chủ yếu phát sóng trên nền công nghệ và cơ sở hạ tầng của analog. Vì vậy với truyền hình số mặt đất, các đài truyền hình vẫn có thể phát song song các kênh analog và các kênh số. Hướng đi này cũng tiết kiệm đáng kể chi phí dành chosố hóa truyền hình.


    Không những thế, số hóa truyền hình sẽ nâng cao chất lượng của các chương trình truyền hình. Người xem có thể thưởng thức hình ảnh với độ sắc nét lớn hơn nhiều so với công nghệ analog hiện có cùng với mức chi phí hợp lý. Đây cũng là nền tảng giúp người xem trải nghiệm các dịch vụ truyền hình 3D, HDTV ... những thứ không thể có tại truyền hình analog.


    Số hóa truyền hình là xu hướng tất yếu 2
      Người dùng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn từ truyền hình số

    Đồng thời, người dùng có thể trải nghiệm các tính năng hiện đại khác qua truyền hình số. Xem lại chương trình bị lỡ, chia sẻ bình luận, đánh giá với người khác về chương trình yêu thích hoặc thậm chí là đặt mua trực tiếp các món đồ mà mình vừa xem trên TV.


    Về phía các doanh nghiệp, việc số hóa truyền hình cũng mang lại lợi ích không nhỏ khi công nghệ này sẽ giải phóng được lượng lớn tài nguyên về tần số, qua đó các lĩnh vực về viễn thông băng thông rộng sẽ có nhiều "đất" hơn để triển khai các dịch vụ của mình.


    Có thể nói, việc số hóa truyền hình sẽ là đòn bẩy cho công nghệ nội dung số phát triển vượt bậc.

    - Theo Đề án "Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, đến năm 2020, 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

    - VTC, VTV và AVG sẽ là 3 đài truyền hình đi đầu trong lĩnh vực số hóa truyền hình mặt đất.


    Theo Lê Bảo
    VTC News

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày