Số liệu cho thấy: Giá nhà tăng cao đang làm Thung lũng Silicon dần trở nên suy tàn
Dù vẫn là nơi có mức lương tăng trưởng ổn định, nhưng giá nhà tăng cao tại Thung lũng Silicon đang làm các tài năng công nghệ rời bỏ nơi đây.
Việc xây dựng các trụ sở công ty khổng lồ và các tòa nhà cao chọc trời thường là những dấu hiệu của một nền kinh tế đã đạt tới đỉnh điểm của mình. Ví dụ như tòa nhà Empire State được lên kế hoạch và khởi công xây dựng vào lúc bắt đầu của Cuộc Đại Suy thoái.
Tòa tháp Willis, ban đầu còn được gọi là Tháp Sears, bắt đầu xây dựng ngay trước khi thị trường cổ phiếu sụp đổ vào năm 1973-1974. Gần hơn cả, tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai, hiện vẫn là tòa tháp cao nhất thế giới, bắt đầu được xây dựng ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu xuất hiện năm 2008.
Những dấu ấn đó của lịch sử đã làm mọi người có cái nhìn với cảm giác ái ngại cho trụ sở trị giá 5 tỷ USD của Apple tại Thung lũng Silicon. Đầu tháng này, công ty có giá trị nhất thế giới này đã giới thiệu chiếc iPhone X, với mức giá cao nhất từ trước đến nay – gần 1.000 USD. Một mức giá cao chót vót – không kém gì trụ sở khổng lồ mà họ mới hoàn thành.
Tòa nhà Campus 2, trụ sở mới hoàn thành của Apple.
Vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn khi nào sức mạnh kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch. Nhưng các dữ liệu kinh tế của khu vực thành phố San Jose đã bắt đầu cho thấy điều gì đó.
Trong nhiều thập kỷ, phía Nam vùng vịnh San Francisco, hay còn được biết đến với cái tên Thung lũng Silicon, đã trở thành một trung tâm sáng tạo toàn cầu và là nơi sản sinh ra các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Công ty danh tiếng Apple được sáng lập ở Los Altos, California, trong garage ngôi nhà thời thơ ấu của Steve Jobs, trước khi cuối cùng chuyển sang Cupertino. Yahoo được sáng lập tại Đại học Stanford và sau đó chuyển đến Sunnyvale. Trụ sở của eBay nằm ở San Jose. Google là tại Mountain View, Facebook là tại Menlo Park.
Một ngành công nghiệp khởi đầu từ các nhà để xe ở khu ngoại ô đã phát triển thành những văn phòng công ty khổng lồ nó trở thành một lĩnh vực kinh tế đầy lợi nhuận và hùng mạnh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Apple đã xây cho mình một trụ sở xa hoa đến vậy, với một khuôn viên hình tròn rộng lớn, gợi nhớ đến một con tàu vũ trụ khổng lồ của người ngoài hành tinh, báo hiệu cả sự vô cực và vĩnh cửu.
Tuy nhiên, Thung lũng Silicon có thể không còn là một vị trí đắc địa như trước nữa, ngay cả khi ở đây có sự hiện diện của một công ty hùng mạnh và hàng đầu về lợi nhuận như Apple. Trong khi ngành công nghiệp công nghệ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và các công ty lớn nhất của ngành vẫn tiếp tục tăng trưởng, vùng đất khai sinh ra ngành công nghiệp này lại cho thấy nó ngày càng sa sút.
Hiện tại, lực lượng lao động phi nông nghiệp tại khu vực San Jose không cao hơn so với trước khủng hoảng bong bóng dot-com.
Số lượng việc làm của khu vực thành phố San Jose vào tháng Tám vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong 7 năm nay. Từ tháng Một cho đến nay, chỉ số này đã sụt giảm 4 tháng trong số 8 tháng của năm 2017, và hiện đang đứng ở mức không cao hơn so với mức đỉnh mà nó từng đạt được vào thời kỳ bong bóng dot-com gần 17 năm trước.
Trong khi tăng trưởng về lương của khu vực vẫn rất vững chắc, và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp hơn 3,5%, lực lượng lao động đã bắt đầu giảm sút, dấu hiệu cho thấy một trong những thị trường lao động hấp dẫn nhất nước Mỹ không còn thu hút mọi người đến nữa.
Sự sụt giảm về lực lượng lao động
Nguyên nhân của việc này có vẻ rất quen thuộc: thị trường nhà đất. Mặc dù khu vực Vịnh San Francisco tự hào là một trong những nơi tốt nhất thế giới cho sự hội tụ các yếu tố của nền kinh tế về khí hậu và văn hóa, các cử tri và những chính trị gia trong khu vực đã cực lực phản đối việc tăng mật độ nhà ở và vì vậy, giá nhà đã tăng cao ngất ngưởng cùng với sự tăng trưởng về nhu cầu việc làm của ngành công nghiệp công nghệ.
Tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động khu vực San Jose đang ngày một suy giảm.
Điều dễ hiểu là những công ty như Apple sẽ chống lại việc chấp nhận các thực tế này của nền kinh tế khu vực. Các công ty công nghệ lớn nhất kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm và họ hoàn toàn có đủ khả năng để trả số tiền cao hơn mức giá thị trường nhằm đảm bảo giữ chân những tài năng hàng đầu ở lại khu vực này.
Và vì vậy cho đến bây giờ, thung lũng Silicon vẫn là nơi có những công việc tốt nhất ngành công nghệ, để đảm bảo một thị trường lao động sôi nổi trong khu vực này, ngay cả khi giá nhà vẫn đang không ngừng tăng cao.
Nhưng mọi thứ đều có giới hạn của nó. Amazon đã quyết định xây dựng trụ sở thứ hai của mình ở đâu đó bên ngoài Seattle, và điều này có thể sẽ tạo ra một cú hích lớn cho kinh tế cũng như ngành công nghiệp công nghệ của địa phương đó. Theo thời gian, các nhóm tài năng khác cũng sẽ tìm đến các khu vực có chi phí thấp hơn.
Cho dù sẽ mất một vài năm hoặc một vài thập kỷ, cuối cùng những người khổng lồ công nghệ sẽ cảm thấy áp lực nặng nề về việc cắt giảm chi phí và tái cấu trúc, cũng như mọi công ty và mọi ngành nghề khác đã làm trước đó. Và khi thời điểm đó đến, trụ sở khổng lồ mới của Apple, thay vì giống như một con tàu không gian hiện đại, sẽ giống như chiếc Titanic nhiều hơn.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng