Số liệu đo đạc đã chứng minh: Lỗ thủng tầng Ozone đang dần liền lại

    Kuroe,  

    Và tất cả chúng ta hãy cố gắng chung sức để tầng Ozone không thủng to ra hơn, cũng như không thủng thêm một lần nữa trong tương lai.

    Năm 1989 đánh dấu thời điểm nghị định thư Montreal bắt đầu có hiệu lực, và đây cũng là một trong số rất ít lần mà các quốc gia trên thế giới đều đồng lòng đồng thuận với cùng một vấn đề: đó là việc hạn chế xả những chất thải có khả năng phá hủy tầng Ozone ra môi trường. Gần 3 thập kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng những thay đổi đối với tầng Ozone vẫn vô cùng biến động, đến mức nhiều người cảm thấy băn khoăn chuyện nghị định thư Montreal có thực sự có hiệu quả hay không.

    Nhưng theo như một báo cáo mới đây, với những số liệu "đo đạc trực tiếp" từ tầng Ozone cho thấy rằng, lỗ thủng tầng Ozone đang dần dần liền lại.

    Lỗ thủng tầng Ozone

    Khoảng giữa những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đã có nhiều bằng chứng đưa ra cho thấy khí CFC, với ứng dụng chủ yếu là chất làm lạnh trong tủ lạnh và điều hòa, đang hủy hoại tầng Ozone của Trái Đất. Và kết quả là đã xuất hiện một "lỗ thủng" ở phía trên bầu trời Nam Cực.

    Lỗ thủng tầng Ozone xuất hiện, khiến cho rất nhiều quốc gia cũng như tập đoàn lớn trên thế giới phải nhanh tay vào cuộc. Các tập đoàn nghiên cứu tìm kiếm phương án thay thế khí CFC; các quốc gia thì chung tay thảo luận về một nghị định để hạn chế, dần dần tiến tới cấm sử dụng khí CFC trong công nghiệp. Và kết quả cuối cùng thu được là nghị định thư Montreal, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí CFC ngoài môi trường.

    Tuy nhiên, để đánh giá mức độ hiệu quả của nghị định thư Montreal đến với việc khôi phục tầng Ozone thì lại là một vấn đề khác hoàn toàn. Tốc độ sản sinh Ozone tự nhiên ở tầng bình lưu là rất chậm, trong khi lượng Ozone bị bào mòn ở khu vực lỗ thủng lại biến động theo thời gian. Thường thì cứ một năm tầng Ozone phục hồi một chút, thì tới năm sau mật độ Ozone lại sụt giảm. Điều này dẫn đến rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ về nghị định thư Montreal.

    Một trong nhiều vấn đề khiến việc thu thập số liệu của tầng Ozone rất khó, đó là bởi CFC không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tầng Ozone bị thủng. Còn nhiều khí khác cũng góp phần "bào mỏng" tầng Ozone, bên cạnh đó, thời tiết, gió và nhiệt độ cũng là một nguyên nhân khác nữa. Chính vì vậy, kích cỡ của lỗ thủng tầng Ozone luôn biến động một cách thất thường qua nhiều năm.

    Vậy tầng Ozone có thực sự hồi phục?

    Cuối thập kỷ trước, NASA đã phóng lên vũ trụ vệ tinh Aurora, được thiết kế đặc biệt để theo dõi thành phần hóa học ở trên bàu khí quyển. Hai nhà nghiên cứu đến từ NASA là Susan Strahan và Anne Douglass đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu mối tương quan thay đổi của tầng Ozone với lượng giảm khí thải CFC, được vệ tinh Aurora thu thập từ năm 2005 đến năm 2016. Kết quả là họ phát hiện lượng Ozone bị suy giảm đến nay đã giảm được 20%. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu nhìn vào mật độ HCl trên tầng bình lưu vào mỗi năm, để tính lượng Ozone bị phá hủy bởi CFC.

    Sự phục hồi của tầng Ozone

    Nhà nghiên cứu Bill Randall, tuy không tham gia vào nghiên cứu này nhưng ông cho biết, báo cáo của Susan Strahan và Anne Douglass được công bố trong tạp chí Geophysical Research Letters "hết sức xuất sắc".

    "Nghiên cứu này cho chúng ta thấy Nghị định thư Montreal đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình" - ông Bill Randall chia sẻ.

    Nghị định thư Montreal đang chứng minh cho chúng ta thấy, khi các nhà khoa học và các nhà chính trị trên toàn thế giới đồng lòng, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết những vấn đề môi trường nhức nhối. Trong trường hợp của tầng Ozone, đã phải mất hơn 1 thập kỷ để kết quả của nghị định trở nên rõ ràng. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, phải đến tận năm 2060 đến năm 2080, lỗ thủng này mới hoàn toàn liền lại - đặt trong trường hợp chúng ta không tiếp tục xả thải CFC nữa.

    "Thật tốt khi thỉnh thoảng lại có một vài tin mừng về tình trạng môi trường" - Susan Strahan, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

    Tham khảo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày