Số phận của smartphone hay laptop màn hình gập sẽ không thuộc về các nhà sản xuất phần cứng

    CL,  

    Ý tưởng phần cứng có thú vị đến mấy rồi cũng sẽ chết yểu nếu không có sự hậu thuẫn từ Microsoft và Google.

    Sau nhiều năm gần như không có bất kỳ đột phá nào đáng kể tên, 2019 và 2020 đã chứng kiến rất nhiều chủng loại smartphone và laptop mới ra đời nhờ vào các đột phá trong công nghệ màn hình. Đầu năm 2019, cả Samsung và Huawei cùng vén màn smartphone màn hình OLED gập, cho phép "biến hình" từ kiểu dáng smartphone màn hình nhỏ sang tablet màn hình lớn. Đầu 2020, các nhà sản xuất laptop tận dụng hội chợ CES để ra mắt một loạt laptop có màn hình gập, thay thế toàn bộ không gian màn hình và bàn phím trước đây bằng một tấm màn OLED cỡ lớn.

    Một kỷ nguyên công nghệ mới đang dần mở ra trước mắt. Nhưng cũng giống như những cuộc cách mạng về kiểu dáng trước đây, số phận của smartphone và laptop màn hình gập sẽ không thuộc về các nhà sản xuất phần cứng.

    Số phận của smartphone hay laptop màn hình gập sẽ không thuộc về các nhà sản xuất phần cứng - Ảnh 1.

    Muốn phát huy hết tác dụng của màn hình gập, Samsung cần sự hậu thuẫn của các nhà phát triển.

    Trái lại, vai trò sống còn nhất thuộc về những ông chủ phần mềm như Google và Microsoft. Sau khi Galaxy Fold chính thức lên kệ vào tháng 11/2019, nhiều bài đánh giá đã chỉ ra điểm yếu về phần mềm. Tạp chí Wired cho biết: "Nhiều ứng dụng trên màn hình nhỏ khi gập sẽ tự động phóng ra màn hình lớn (khi mở), nhưng lại không hoạt động theo chiều ngược lại. Ví dụ, nếu bạn không đủ chỗ để dùng màn hình lớn trên tàu điện ngầm và bạn muốn đóng máy lại để tiếp tục sử dụng, bạn sẽ phải kích hoạt ứng dụng một lần nữa".

    Một điểm yếu khác trên Fold là khả năng hỗ trợ của các ứng dụng. Trong bài đánh giá, Tech Radar khẳng định: "Màn hình vuông kích cỡ 7.3 inch của Galaxy Fold có thể khiến các ứng dụng trở nên hơi kỳ dị... Có một vài ứng dụng không phù hợp với tỷ lệ này. Dù cho Pokemon Go hiển thị như mong muốn khi mở bản đồ và bắt pokemon, phần menu bị hiện tượng giống như phóng to, giảm lượng thông tin hiển thị trên màn hình, buộc người dùng cuộn nhiều hơn và cũng khiến độ nét bị giảm sút".

    Với Mate X, dù đã được trang bị bản Android của riêng Huawei, hoàn toàn không có các dịch vụ của Google, các vấn đề phần mềm vẫn xảy ra. Trong vòng 1 tiếng hands-on, phóng viên của Digital Trends ghi nhận Mate X "vẫn gặp hiện tượng rối loạn, thậm chí là một lần treo máy".

    Số phận của smartphone hay laptop màn hình gập sẽ không thuộc về các nhà sản xuất phần cứng - Ảnh 2.

    Windows vốn chỉ được tối ưu cho 1 màn hình duy nhất.

    Trên laptop Windows, vấn đề còn trầm trọng hơn. Tạp chí The Verge cho rằng "laptop màn hình kép và màn hình gập cần Windows 10X một cách tuyệt vọng". Thử nghiệm Windows 10 trên các bản mẫu của Dell, Lenovo và Intel cho thấy một trải nghiệm "kém cỏi và gượng gạo". Tương tự, Engadget coi màn demo chiếc Horseshoe Bend của Intel là "đóng gói giới hạn", một lần nữa nêu ra sự vắng mặt của Windows 10X là nguyên nhân chính.

    Hiển nhiên, các trang công nghệ này cũng đã chỉ đích danh giải pháp mà các nhà sản xuất laptop màn hình gập cần có: một phiên bản Windows hoàn toàn mới. Ra mắt trên thiết bị mẫu Surface Neo tại sự kiện Microsoft của năm ngoái, Windows 10X mang đến các giải pháp dành riêng cho màn hình gập: ứng dụng tự động chia thành 2 cửa sổ, tính năng kéo-thả cửa sổ dễ dàng thành hai nửa khi đa nhiệm, nửa dưới tự động hiển thị bàn phím ảo khi gõ phím v...v...

    Trên smartphone gập, không khó để nhận ra yêu cầu tối quan trọng lúc này là khả năng chuyển đổi từ màn hình nhỏ sang màn hình lớn một cách liền mạch, tương tự như những gì Samsung đã làm với các ứng dụng cài đặt sẵn của Galaxy Fold. Song, trọng trách không thuộc về Samsung hay từng nhà phát triển nhỏ lẻ mà thuộc về Google, kẻ nắm quyền kiểm soát Android. Còn nhớ khi các nhà sản xuất Android chạy theo thiết kế tai thỏ của Apple, chính Google đã tạo ra cơ chế cho phép ứng dụng có thể hỗ trợ loại màn hình "khoét" này một cách dễ dàng. Giờ đây, Google cần tạo ra một cơ chế chuyển đổi và scale (phóng to/thu nhỏ) đồ họa cho foldable để các nhà phát triển có thể dễ dàng thực hiện trên ứng dụng của họ.

    Số phận của smartphone hay laptop màn hình gập sẽ không thuộc về các nhà sản xuất phần cứng - Ảnh 3.

    Như lịch sử đã chứng minh, phần mềm kém cỏi có thể giết chết sức hấp dẫn của phần cứng.

    Lịch sử đã không ít lần chứng kiến các chủng loại phần cứng thất bại muối mặt vì phần mềm. Microsoft và Google hiểu rõ điều này hơn ai hết. Với Windows XP và Windows 7, Microsoft đã từng đi trước trong lĩnh vực tablet, nhưng lại thất bại muối mặt trước iPad vì các bản Windows cũ chỉ hỗ trợ tốt chuột và phím. Với Windows 8, Microsoft chuyển hướng sang tối ưu cho cảm ứng chỉ để nhận được vô số lời chỉ trích từ người dùng PC truyền thống. Kết quả là phiên bản này trở thành một vệt đen trong lịch sử Windows, và đến Windows 10 thì gã khổng lồ phần mềm buộc phải phát triển 2 chế độ tablet và desktop riêng biệt.

    Còn Android của Google đến giờ vẫn không thể hất đổ iPad khỏi vị trí dẫn đầu thị trường máy tính bảng. Cũng giống như những gì đang diễn ra trên màn hình foldable, các nhà phát triển ứng dụng Android đã không dành đủ công sức để tối ưu giao diện cho kích cỡ lớn của tablet. Chính Google trong những năm vừa qua cũng đã giương cờ trắng đầu hàng khi ngừng sản xuất tablet trên cả hai hệ điều hành Android và Chrome OS. Hay, trong lĩnh vực smartwatch, Android Wear của Google và Tizen của Samsung đến giờ vẫn gần như bị Apple Watch đè bẹp do không chịu thấu hiểu người dùng: các nhà sản xuất Android Wear và Samsung đi theo hướng nhồi nhét tính năng vào đồng hồ, Apple tối ưu trải nghiệm "một lần chạm" cho màn hình nhỏ.

    Bước vào thời đại foldable, Google và Microsoft đang nắm trong tay các loại thiết bị mà Apple chưa thể chạm tay tới. Song, vài tháng hay thậm chí là vài năm dẫn đầu cũng trở nên vô nghĩa nếu như Google và Microsoft không thể tạo ra những trải nghiệm thực sự thân thiện và hữu ích với người dùng. Không phải là Samsung, Huawei, Intel hay Lenovo, tương lai của các loại phần cứng mới sẽ luôn nằm trong tay các ông chủ phần mềm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày