Số phận hẩm hiu của 3 nền tảng di động muốn lật đổ sự thống trị của iOS và Android

    Hải Tố,  

    Những nền tảng được hi vọng như Ubuntu, Firefox OS hay Sailfish vẫn “biệt tăm” trên bản đồ smartphone thế giới.

    Theo số liệu thống kê của IDC, 2 nền tảng di động là iOS Android đang chiếm tới 96,3% thị phần smartphone toàn cầu, trong đó iOS chiếm 14,8% còn hệ điều hành mã nguồn mở Android là 81,5% còn lại. Trong thời gian qua, đã xuất hiện rất nhiều hệ điều hành di động mới như Ubuntu, Jolla Sailfish, Firefox OS… cùng tham vọng lật đổ sự thống trị của 2 ông lớn iOS và Android. Tuy nhiên, biến ý tưởng thành hiện thực là 1 điều không hề đơn giản, và thực tế thì những nền tảng được nhắc đến ở trên vẫn “biệt tăm” trên bản đồ smartphone thế giới.

     

    iOS và Android đang thống trị thị trường smartphone với hơn 96% thị phần
    iOS và Android đang thống trị thị trường smartphone với hơn 96% thị phần

    Ubuntu

    Ubuntu (hệ điều hành máy tính dựa trên mã nguồn mở GNU/Linux) vẫn được xem là một sự lựa chọn thay thế phổ biến nhất cho Windows hay Mac OS trên PC và laptop. Nó đã được phát triển tương đối hoàn thiện và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ rộng rãi từ người dùng. Trong mấy năm trở lại đây, công ty đứng đằng sau Ubuntu là Canonical, đã tích cực phát triển Ubuntu để nền tảng này chạy được trên tablet và giờ đây là smartphone.

     Ubuntu vẫn chẳng có gì mới mẻ sau hơn 2 năm ra mắt

    Ubuntu vẫn chẳng có gì mới mẻ sau hơn 2 năm ra mắt

    Điểm khác biệt của nền tảng di động này so với Android hay iOS, đó là nó không sử dụng mô hình tải và cài ứng dụng qua App Store. Thay vào đó, Ubuntu cung cấp cho người dùng các "scopes", hay còn gọi là các màn hình chính (home screens) chứa các dữ liệu lưu trên máy cùng các nguồn nội dung trực tuyến. Các lập trình viên sẽ viết ứng dụng cho nền tảng này bằng HTML5 - ngôn ngữ lập trình hiện đang được dùng để tạo website, thay vì việc phải phát triển riêng các phiên bản cho iOS, Android hay Windows Phone.

     

    Hệ điều hành di động Ubuntu

    Tuy nhiên, sự xuất phát quá chậm sau những ông lớn di động (nhất là Android - nền tảng mã nguồn mở lớn nhất thế giới), kho ứng dụng hạn chế, kén người dùng cũng như nhà phát triển nên Ubuntu vẫn chẳng có gì mới mẻ sau hơn 2 năm ra mắt.

    Jolla Sailfish

    Sau khi Nokia "bán mình" cho Microsoft đồng thời ngừng phát triển Meego - hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux cho smartphone, những cựu nhân viên của công ty điện thoại Phần Lan đã tách ra, thành lập công ty mới có tên là Jolla và tiếp tục công việc còn dang dở.

    Kết quả là nền tảng di động Sailfish ra đời, cũng dựa trên mã nguồn mở Linux giống như người tiền nhiệm Meego. Tháng 7 vừa qua, phiên bản Sailfish OS 2.0 tương thích với cả smartphone và tablet đã vừa được ra mắt. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã ký kết bản hợp tác phần cứng đầu tiên cho hệ điều hành của hãng với Intex Technologies - hãng sản xuất smartphone thứ hai tại Ấn Độ.

     Sailfish OS tương thích rất tốt với các ứng dụng Android

    Sailfish OS tương thích rất tốt với các ứng dụng Android

    Jolla khẳng định rằng hệ điều hành Sailfish OS 2.0 sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm khả năng đa nhiệm một cách tuyệt vời nhất, họ có thể điều khiển một lúc nhiều ứng dụng thông qua các cửa sổ nhỏ đa nhiệm, mà không cần phải mở to ứng dụng đó lên. Một điều đặc biệt nữa là Sailfish OS tương thích rất tốt với các ứng dụng Android. Tuy nhiên, hạn chế của hệ điều hành này là không hỗ trợ dịch vụ Google Play, và người dùng phải cài đặt trực tiếp thông qua APK, phiền phức và mất thời gian hơn nhiều.

     

    Hệ điều hành di động Sailfish

    Sailfish vẫn đang trong quá trình phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng với lượng thiết bị hỗ trợ và người dùng khá mỏng, khả năng chạy đa nhiệm đáng nể của hệ điều hành này vẫn chưa đủ sức để cạnh tranh với những ông lớn còn lại như iOS và Android.

    Firefox OS

    Firefox OS là hệ điều hành di động mã nguồn mở dựa trên Linux dành cho smartphone, tablet và cả smartTV. Nó được phát triển bởi Mozilla, tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng với trình duyệt Mozilla Firefox, hiện đang chiếm hơn 20% thị phần web browser toàn cầu.

     Ứng dụng trên Firefox OS sẽ được viết bằng HTML5, JavaScript cùng nền tảng Web API Service.

    Ứng dụng trên Firefox OS sẽ được viết bằng HTML5, JavaScript cùng nền tảng Web API Service.

    Cũng giống như Ubutun, ứng dụng trên Firefox OS sẽ được viết bằng HTML5, JavaScript cùng nền tảng Web API Service. Lợi thế của kiểu ứng dụng web này là nó có thể chạy được trên mọi nền tảng chứ không phân biệt như iOS hay Android. Hơn thế nữa, mỗi ứng dụng chỉ cần một bộ mã code (source code) và phát triển duy nhất trên bộ mã này, thay vì nhiều source code cho những nền tảng di động khác nhau. Ứng dụng khi được cập nhật sẽ được update trực tiếp trên thiết bị của mọi người dùng mà không mất thời gian qua App Store.

     

    Hệ điều hành di động Firefox OS

    Hiện tại, Mozilla đang có tham vọng cung cấp smartphone Firefox OS giá rẻ (dưới 25 USD) cho các thị trường đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, một hệ điều hành hoạt động xoay quanh nền tảng web cần một mạng di động ổn định, tốc độ cao để hoạt động tốt nhất. Về cơ bản, các quốc gia phát triển với hạ tầng mạng yếu kém khó có thể đáp ứng được tiêu chí này. Thật dễ hiểu khi Firefox OS vẫn đang ì ạch trên con đường tiến về phía trước.

    Tham khảo: pocketnow

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày