Số phận long đong của dự án cây phát sáng - Dự án đầu tiên và cuối cùng trên Kickstarter về biến đổi gien
Dựa trên công nghệ biến đổi gien, dự án này đã trở thành đề tài gây tranh cãi nhất trong lịch sử Kickstarter khi gây ra các lo ngại về việc lạm dụng chúng trong các sản phẩm khác.
Kickstarter đang trở thành nơi tập kết của những lần ra mắt sản phẩm thất bại – những lời quảng bá rầm rộ như miếng mồi thơm thu hút hàng tá những người hậu thuẫn, và sau đó nhanh chóng xì hơi khi đạt được mục tiêu gây quỹ. Đôi khi những người đứng sau một chiến dịch ra mắt sản phẩm thất bại vì họ không có kế hoạch thực sự cho việc đưa một số lượng lớn sản phẩm tới mọi người, nhiều trường hợp khác, sản phẩm lại chỉ là một sự giả dối.
Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất trên Kickstarter trong nhiều năm qua là kế hoạch Cây Phát sáng – Glowing Plant, đã thu hút được gần một triệu USD vào năm 2013 để tạo ra một loại cây biến đổi gien có thể phát sáng trong bóng tối. Nhưng những cái cây phát sáng đó đã không bao giờ xuất hiện như lời hứa hẹn. Sản phẩm không phải là một sự giả dối, mà nó không bắt nguồn từ thực tế.
Theo Antony Evans, CEO của Taxa Biotechnologies, công ty đứng đằng sau chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter. “Nó quá tham vọng so với khả năng của ngành sinh học tổng hợp vào thời điểm đó.”
Không giống như các dự án thất bại khác trên Kickstarter, câu chuyện về chiếc cây phát sáng chưa bao giờ kết thúc. Cuối cùng dự án dẫn đến việc ra mắt một sản phẩm hoàn toàn mới trong tháng Tám vừa qua: cây rêu có mùi thơm biến đổi gien.
Cuộc gây quỹ đầu tiên và cuối cùng trên Kickstarter cho ngành sinh học tổng hợp
Trong video trên Kickstarter giới thiệu về dự án cây phát sáng, Evans đã nói về các khả năng của sản phẩm. “Biên giới của thế hệ chúng ta là ngành sinh học tổng hợp.” Anh cho biết. “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi ở Stanford đang sử dụng các phương pháp chưa từng được biết đến để tạo ra những cây phát sáng thực sự trong một phòng thí nghiệm tự chế ở California.”
Anh rất lạc quan rằng một ngày nào đó, công nghệ cây phát sáng có thể tạo ra ánh sáng đủ mạnh để áp dụng rộng rãi cho việc chiếu sáng đường phố. “Chúng ta đang áp dụng cách tiếp cận mở cho vấn đề này.” Anh cho biết. “Chúng tôi sẽ công bố kết quả của mình khi chúng tôi tiến hành, và cập nhật trực tuyến các bản ghi chú trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi hoàn toàn kỳ vọng rằng ai đó sẽ lấy cấu trúc ADN của chúng tôi và phổ biến nó sang loại cây khác.”
Nhưng sau đó nhóm Taxa sớm phát hiện ra rằng, công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện.
Video về dự án Cây phát sáng trên Kickstarter.
Để làm một cái cây phát sáng, họ cần chèn hàng loạt các đoạn gien, thường tìm thấy trong vi khuẩn phát quang sinh học, vào gien của cây Arabidopsis. Nhóm nghiên cứu không bao giờ có thể có được tất cả các loại gien cần thiết trong cùng một lúc, và họ chỉ có thể làm cho cái cây phát ra ánh sáng lờ mờ. Đó không phải là một sản phẩm có thể xuất xưởng.
Một thời gian ngắn sau khi chiến dịch gây quỹ nhận được vốn và với cơn sốt truyền thông mà nó gây ra, Kickstarter cấm tất cả các chiến dịch gây quỹ có liên quan đến ngành sinh học tổng hợp trong tương lai, do các lo ngại từ một số thành viên trong cộng đồng khoa học về việc dự án Taxa sẽ tạo nên tiền lệ cho việc ra mắt “các sản phẩm GMO (biến đối gien) không kiểm soát”. Đến khi kết thúc chiến dịch, dự án của Taxa trở thành một trong những hoạt động gây quỹ Kickstarter gây tranh cãi nhất trong lịch sử.
Chín tháng sau khi bắt đầu tiến hành dự án, Taxa nhận được khoản đầu tư từ vườn ươm danh tiếng Y Combinator. Đến cuối năm 2015, cuối cùng cả nhóm cũng đã tạo ra được hệ thống lắp ráp ADN làm việc được, nhưng nó không thể làm công nghệ này hoạt động theo quy định của USDA.
Evans với những cây phát sáng.
Cuối cùng các đồng sáng lập của Evans cũng rời khỏi dự án này, nhưng anh vẫn tiếp tục làm việc với một nhóm nhỏ các nhà khoa học.
“Đó rõ ràng là bốn năm thực sự khó khăn. Có rất nhiều những vùng khó khăn và tối tăm. Công nghệ sinh học cần rất nhiều thời gian.” Evans cho biết. “Nó bắt đầu với tất cả sự hứng khởi, và chúng tôi đã thu hút được nhiều sự chú ý. Nó tạo ra nhiều kỳ vọng đến nỗi chúng tôi phải mất một thời gian mới nhận ra rằng chúng tôi không thể đáp ứng được các kỳ vọng đó.”
Dự án chuyển hướng nghiên cứu
Sau khi thử nghiệm với rất nhiều ý tưởng sản phẩm, bao gồm cả một “gậy phát sáng có sự sống”, nhóm nghiên cứu đã chuyển sang với ý tưởng về loại rêu có mùi thơm GMO. Sản phẩm này tượng trưng cho mục tiêu của Taxa khi chứng minh rằng công nghệ GMO không chỉ nằm trong tay các doanh nghiệp lớn.
Rêu Orbella - loại rêu có mùi thơm biến đổi gien.
Tạo ra loại rêu có mùi thơm là một mục tiêu hợp lý hơn với nhóm Taxa, vì rêu ít phức tạp hơn cây Arabidopsis mà nhóm đã từng sử dụng trong dự án nghiên cứu cây phát sáng. Nó cũng có bộ gien đơn giản hơn và vòng đời ngắn hơn, giúp cắt giảm thời gian làm thí nghiệm.
Taxa bắt đầu nghiên cứu về rêu có mùi thơm từ một năm trước đây, và nhanh chóng tạo ra được một nguyên mẫu làm việc được.
Được rao bán từ giữa tháng Tám vừa qua, loại rêu đặc biệt này sẽ có 3 phiên bản với 3 mùi khác nhau: patchouli (cây hoắc hương), linalool (mùi cay pha với hương hoa thường thấy trong các sản phẩm làm sạch), và geraniol (mùi hương giống hoa hồng thường thấy trong chất chống muỗi).
Những người hậu thuẫn không hạnh phúc
Những người hậu thuẫn ban đầu trong dự án cây phát sáng có thể sử dụng số tiền đó cho dự án rêu có mùi thơm này. Với mức giá 79USD cộng với phí giao hàng, nó còn đắt hơn cả loại cây phát sáng ban đầu, nhưng Evans tự tin rằng những người hậu thuẫn sẽ hạnh phúc với sản phẩm mới.
“Tôi nghĩ những người hậu thuẫn sẽ nhận ra rằng chúng tôi đã kiên trì trong một thời gian dài để tạo ra được một sản phẩm có ý nghĩa.” Evans cho biết.
Nếu nhìn lướt qua hàng ngàn lời bình luận về dự án trên trang Kickstarter, bạn có thể thấy một số người hậu thuẫn vẫn hài lòng với những gì họ đang nhận được. Nhưng rất nhiều người trong số đó thì không như vậy.
“Mức giá 79 USD dường như khá đắt cho một đám rêu có mùi thơm.” Một bình luận cho biết. Một người khác còn nói: “Nó chả thú vị gì cả. Chúng tôi đã đợi 3 năm và khi chúng ta có cơ hội nhận được cái gì đó, chúng tôi lại phải trả thêm 40 USD cộng thêm 10 USD phí giao hàng nữa hay sao?”
Antony Evans với loại rêu biến đổi gien.
Evans hy vọng rằng cuối cùng các thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp hương liệu sẽ muốn hợp tác với Taxa. “Các thương hiệu đang rất phấn khích về dự án này, và hiểu được một đề xuất giá trị như loại rêu có mùi thơm này. Họ muốn thấy nhiều bằng chứng hơn về các mùi hương này.” Evans cho biết.
Taxa không phải một con quái vật khổng lồ về sản phẩm GMO như Monsanto, nhưng công ty vẫn đối mặt với một thách thức tương tự: sự phản đối của người tiêu dùng với các sản phẩm GMO. Evans cho rằng trên thực tế, các sản phẩm GMO không phải thực phẩm có thể tạo ra sự khác biệt với một số người.
Cho dù điều gì sẽ xảy ra với loại rêu đặc biệt này trong dài hạn, câu chuyện của Taxa cho chúng ta một bài học về việc gây quỹ crowdfunding cho các dự án khoa học trên những nền tảng như Indiegogo và Kickstarter. Trừ khi bạn là người làm thuần túy về khoa học, nếu không hãy tìm cách khác để gây quỹ.
“Đó không phải là một nền tảng thích hợp để hứa hẹn điều gì đó có rủi ro cao về mặt kỹ thuật.” Evans cho biết. “Không phải chúng tôi không thể đưa sản phẩm của mình đến Trung Quốc. Với chúng tôi, lý do thất bại là bởi vì chúng tôi không thể đưa 20.000 cặp gien cơ bản vào trong một cái cây.”
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng