“Soi” dự án từ top 40 Solve for Tomorrow 2024: Khó tin rằng tác giả toàn là học sinh!

    PV,  

    Nếu không tận mắt nhìn thấy các thí sinh, chúng ta khó có thể tin rằng những ý tưởng đầy tính đổi mới sáng tạo này lại xuất phát từ các em học sinh còn đang ngồi ghế cấp II, cấp III.

    Solve for Tomorrow là một cuộc thi quốc tế do Samsung tổ chức với mục tiêu thúc đẩy sự sáng tạo và khuyến khích giới trẻ sử dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để giải quyết những thách thức xã hội. Từ khi ra đời vào năm 2010, cuộc thi đã trở thành sân chơi quan trọng cho các học sinh trên toàn thế giới, giúp họ hiện thực hóa những ý tưởng đột phá nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng. Năm 2024 đánh dấu mùa giải mới của cuộc thi với nhiều thay đổi quan trọng về quy mô và mục tiêu, hướng đến việc giải quyết những vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, trong đó có những dự án hướng tới đối tượng người yếu thế. Mặc dù chủ đề được đánh giá là khá khó nhằn với đối tượng học sinh THCS, THPT nhưng những gì mà các bạn trẻ trong top 40 SFT 2024 thể hiện lại đang cho thấy sự quyết tâm vượt qua thách thức của mình.

    1.png

    Top 40 chứng kiến nhiều dự án thú vị và thực tiễn.

    Ứng dụng bảo vệ phụ nữ và trẻ em từ trường THPT Lê Quý Đôn

    Đội Supernova, đến từ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, gồm hai học sinh Lê Minh Lộc và Nguyễn Đức Gia Bảo, dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Hữu Siêu. Cả hai bạn đều là bạn thân và cùng nhau tham gia cuộc thi nhằm phát triển một ứng dụng bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Ứng dụng này theo dõi quỹ đạo di chuyển hàng ngày và đưa ra cảnh báo nếu có sự bất thường, đồng thời có khả năng nghe và cảnh báo khi phát hiện lời dụ dỗ nguy hiểm từ những kẻ bắt cóc. Đây là một giải pháp sáng tạo chưa có trên thị trường, với mục tiêu bảo vệ các nhóm yếu thế trong xã hội.

    Lộc chịu trách nhiệm phát triển công nghệ cho sản phẩm, trong khi Bảo phụ trách phần tài chính và nghiên cứu thị trường. Quá trình phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề chuyên môn và nguồn tài liệu hạn chế, nhưng các em đã học cách tự tìm tòi và nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên và công nghệ AI như ChatGPT.

    Em Lê Minh Lộc cho biết: “Phần mềm chúng em phát triển hướng đến hai nhóm đối tượng chính là trẻ em và phụ nữ. Theo đó, công nghệ này sẽ giúp nắm được quỹ đạo di chuyển của họ hằng ngày và đưa ra đánh giá khi có những bất thường, chẳng hạn như ở một chỗ lạ quá lâu. Thứ hai là khả năng lắng nghe. Ứng dụng có thể giúp người dùng phát hiện và cảnh báo với những lời dụ dỗ, tránh được kẻ bắt cóc. Điều này xuất phát từ thực tế khi chúng em xem tin tức, có rất nhiều vụ bắt cóc trẻ em mà kẻ xấu đều thực hiện chung một số thủ thuật. Hậu quả để lại từ những vụ việc này là rất nghiêm trọng, thậm chí có trẻ em bị xâm hại tình dục. Nhận thấy đây là một đề tài nóng, trên thị trường cũng chưa có những giải pháp tương tự mà chỉ đơn thuần là hệ thống định vị GPS, chưa có chức năng cảnh báo tới phụ huynh nên bọn em quyết định theo đuổi đề tài này. Nếu thành công, em tin rằng sản phẩm của mình sẽ là một đột phá”.

    2.png

    Các thí sinh dự thi luôn được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ mentor.

    Hai bạn phân chia công việc rõ ràng, hỗ trợ lẫn nhau, và có sự phối hợp ăn ý trong quá trình làm việc. Dù chỉ có hai thành viên, đội thi vẫn tự tin với chiến lược tối ưu hóa nguồn lực và tận dụng công nghệ. Mentor của nhóm, thầy Siêu, đã giúp các em định hướng rõ ràng hơn, loại bỏ các chức năng không khả thi và tập trung vào những điểm mạnh của sản phẩm.

    Dự án thiết bị hỗ trợ sơ cấp cứu kịp thời từ trường THCS Nguyễn Công Trứ

    Đội Nguyễn Công Trứ đến từ Trường THCS Nguyễn Công Trứ, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, gồm ba thành viên: Nguyễn Duy Mạnh, Tạ Quang Vĩ và Võ Minh Lâm, ở các lớp khác nhau nhưng đã được kết nối nhờ tình bạn và sự hỗ trợ của thầy giáo. Đội được hình thành khi thầy giáo, người nhìn thấy tiềm năng khoa học công nghệ của các em, đã định hướng và khuyến khích họ tham gia cuộc thi Solve for Tomorrow.

    Đội tham gia cuộc thi với mục tiêu học hỏi và thử sức bản thân. Dự án của họ tập trung vào việc phát triển một thiết bị hỗ trợ sơ cấp cứu kịp thời. Ý tưởng này xuất phát từ một lần khi Duy Mạnh chứng kiến một tai nạn giao thông nhưng không ai có khả năng sơ cứu nạn nhân. Điều đó đã truyền cảm hứng cho nhóm tạo ra một thiết bị có thể cung cấp hỗ trợ sơ cứu ngay lập tức cho những người bị tai nạn.

    Dù ý tưởng của đội rất thiết thực và mang tính nhân văn, nhóm gặp khó khăn trong quá trình lắp ráp thiết bị, đặc biệt là về việc xử lý nguồn và đảm bảo tính thực tiễn của dự án. Nhóm đã nhận được sự giúp đỡ từ mentor để cải thiện dự án và tăng thêm sự tự tin khi bước vào vòng tiếp theo.

    Thầy giáo của đội nhận xét rằng ý tưởng có tiềm năng lớn vì nó có thể cứu sống nhiều người, nhưng cũng còn nhiều thử thách do tính mới mẻ và phức tạp của thiết bị. Điểm mạnh của đội là niềm đam mê công nghệ, sự kiên trì và tinh thần không ngại khó, mặc dù còn thiếu thốn về trang thiết bị và môi trường thử nghiệm.

    Ý tưởng khó nhưng định hướng và thực hiện bài bản, có quy trình cụ thể

    Đó là nhận xét của đa số thành phần Ban giám khảo về các ý tưởng trong top 40 SFT 2024 năm nay. TS Phùng Công Phi Khanh, Trưởng bộ môn Công nghệ Điện - Điện tử - Khoa Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Các đội thi đã có sự tăng tiến đáng kể về chất lượng chuyên môn lẫn kỹ năng so với các năm thi trước đó, thể hiện rõ nhất trong năm nay là cách thức các đội thi trình bày báo cáo hầu như đều có sự nhất quán theo tiêu chuẩn của ban tổ chức, cho thấy sự chuyên nghiệp và quan tâm của học sinh, giáo viên tới hình thức và yêu cầu của ban tổ chức. Cùng với đó là việc đề tài của các đội thi lựa chọn có chiều sâu học thuật, ứng dụng đa dạng các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực AI và IoT, cho thấy học sinh cũng đã bắt đầu có cách nhìn khác trong việc học tập, nghiên cứu ở thời gian gần đây.

    Ngoài ra, cuộc thi cũng đã thu hút được khá nhiều các đội thi từ toàn quốc, trong lần thi này, xuất hiện khá nhiều các đội thi từ các địa phương vùng sâu vùng xa, song cũng có những bài thi rất chất lượng.

    Tất cả những điều trên cho thấy ban tổ chức đang có hướng đi đúng đắn để phát triển cuộc thi, mong rằng các hoạt động sẽ được nâng cao, tăng cường lợi ích để đóng góp cho phong trào phát triển giáo dục quốc gia nói chung”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày