Sống ở Mỹ ít lâu tôi mới nhận ra người Việt sẽ thực sự "mất" gì nếu Amazon không bao giờ đến nước ta
Câu trả lời không phải là mua hàng giá rẻ.
Amazon đã từng có ý định đặt chân tới Đông Nam Á trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng cho đến thời điểm này kế hoạch của gã khổng lồ e-commerce rõ ràng là đang gặp trục trặc. Không một công bố chính thức nào từ Amazon, không một tin đồn rò rỉ nào từ giới thạo tin, có lẽ công ty của Jeff Bezos sẽ chưa thể đặt chân tới Singapore hay thậm chí là Việt Nam trong một vài năm tới.
Đó sẽ là một điều thiệt thòi với tôi và bạn. Và trước khi bạn suy nghĩ đến điều khái niệm luôn được người ta gắn với hàng online – “giá rẻ”, tôi xin khẳng định với bạn đó sẽ không phải là câu trả lời. Sống ở Mỹ được ba tháng, tôi nhận ra rằng mức chênh lệch về giá giữa Amazon và hàng hóa bán ra tại Việt Nam trong phần lớn các trường hợp là không nhiều. Thậm chí, một số sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc có giá Amazon còn cao hơn giá tại Việt Nam.
Thực tế, so với Tiki và Adayroi thì tôi cũng chẳng thấy trải nghiệm Amazon có gì hấp dẫn hơn ngoại trừ khoản return (trả hàng) khá dễ chịu. Nhưng nói đến chuyên return ở Việt Nam, có lẽ cả Amazon đặt chân vào cũng chẳng thay đổi được gì.
Vậy, nếu như Amazon chẳng bao giờ đặt chân đến Việt Nam, chúng ta được và mất gì?
Phần cứng "bán như cho" của chính Amazon
Ở nhà tôi hiện có 2 chiếc iPad (Air và Mini 2) cùng 1 chiếc Nexus 7 cũ kỹ. Trong vòng 3 tháng vừa qua, tôi đã mua thêm... 3 chiếc tablet Fire ở Amazon. Một chiếc tôi mua tặng mẹ. Một chiếc tặng bác. Một chiếc để chính tôi sử dụng, ngay cả khi tôi đã có iPad Air.
Tại sao tôi lại mua Fire một cách vô tội vạ như vậy ư? Bản Fire 7 inch có giá gốc là 50 USD, thường xuyên được sale xuống còn 40 USD. Nếu tính cả mức thuế 8% thì tổng chi phí vẫn chưa đến 1 triệu đồng. Ngay cả với thu nhập của người Việt, mức giá này vẫn là thực sự hấp dẫn. Ngay cả một cục pin dự phòng tại Việt Nam đã có giá vài trăm nghìn, mua một chiếc tablet 1 triệu đồng để lướt web, lướt face, xem YouTube khi rảnh và chỉ rút điện thoại ra để... gọi điện chẳng phải là tốt hơn hay sao?
Dịch vụ nội dung có giá phải chăng của Amazon
Rất nhiều sản phẩm phần cứng khác của Amazon cũng có giá rẻ. Đầu giải mã thu nhỏ Amazon Fire TV Stick chỉ có 50 USD. Máy đọc sách Kindle hơi đắt, 80 USD nhưng cũng không phải là ngoài tầm với.
Lý do Amazon đặt ra mức giá này là bởi các sản phẩm của hãng sẽ được sử dụng để làm nền tảng bán nội dung. Dịch vụ Amazon Music có giá rẻ hơn hẳn Apple Music hay Spotify: 8 USD mỗi tháng. Prime Video có cứa hàng ngàn tựa phim chất lượng cao (ngang ngửa với Netflix), chưa kể Amazon cũng đang dấn thân vào lĩnh vực sản xuất phim với các series chất lượng cao như The Man in the High Castle hoặc các bộ phim tầm vóc Oscar như Manchester by the Sea.
Dĩ nhiên, tại nước ta vấn đề bản quyền không được coi trọng. Nhưng điều này không có nghĩa rằng dịch vụ Amazon không thể tồn tại nếu đặt chân tới mảnh đất hình chữ S: rất nhiều người dùng Việt đã sẵn sàng bỏ tiền để mua album từ iTunes hay đăng ký Apple Music, hoặc bỏ ra một khoản tiền chưa đến 200.000 đồng mỗi tháng để không phải chấp nhận chất lượng dở tệ của các trang stream phim lậu.
Alexa và giấc mơ trợ lý ảo
Nếu bạn không quan tâm đến các nội dung có bản quyền thì dịch vụ này của Amazon vẫn sẽ khiến bạn ngỡ ngàng: trợ lý ảo Alexa tích hợp trong những chiếc loa Echo có giá chỉ từ 50 USD trở lên. Xét về chất lượng trải nghiệm, Alexa có thể nói là đã vượt mặt cả Siri, Cortana lẫn Google Assistant trên nhiều khía cạnh. Nếu đã từng được thử nghiệm Alexa, tôi dám chắc với bạn rằng mỗi buổi sáng chỉ cần cất lời hỏi “Thời tiết hôm nay thế nào” và ngay lập tức được trả lời sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Và đó là còn chưa nhắc đến các tính năng như “Hãy bật nhạc Beatles”, “Mấy giờ có Games of Thrones”... Tất cả sẽ được Alexa trả lời với tốc độ của một thư ký/quản gia thực thụ.
Những công nghệ phần mềm hàng đầu thế giới
Trong khi mặt bằng ngoại ngữ tại các thành phố lớn của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, việc Alexa (hay bất kỳ một trợ lý ảo lớn nào khác) chưa hỗ trợ tiếng Việt cũng là một bất lợi lớn. Nhưng nếu Amazon đến Việt Nam, có lẽ công ty của Jeff Bezos sẽ nhận ra rằng Việt Nam thực sự là một thị trường hi-tech đầy màu mỡ. Lúc đó, chuyện Alexa hỗ trợ tiếng Việt sẽ không phải là viển vông.
Đó sẽ là một cơ hội lớn cho nhân lực Việt Nam.
Tại sao ư? Công nghệ trợ lý ảo thực chất tập trung gần như tất cả các tinh hoa công nghệ của thế giới hiện tại: big data, xử lý ngôn ngữ, nhận diện giọng nói, machine learning... Phần lớn các công nghệ này đều đòi hỏi học hàm từ thạc sĩ trở lên và do đó có thể coi là khá phù hợp với đức tính hiếu học của người Việt.
Chưa dừng lại ở đây, Amazon cũng là thế lực áp đảo điện toán đám mây nữa. Nếu Amazon thực sự đến Việt Nam, cơ hội để chúng ta được trở thành một phần của những người trực tiếp làm ra các công nghệ này (thay vì chỉ tiêu thụ như hiện nay) sẽ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng