Sony, HTC, LG và Motorola: Sai lầm nào đã khiến những kẻ từng một thời tiên phong cho Android để mất vị thế vào tay người Trung Quốc?
Nếu không vì những sai lầm tai hại này, những cái tên từng một thời tiên phong cho cuộc cách mạng Android giờ có lẽ vẫn đang cùng Apple và Samsung tạo lập nên "top 6 toàn cầu", thay thế cho những cái tên Trung Quốc.
Có thể nói rằng, trong vòng nửa thập kỷ qua, thị trường smartphone toàn cầu đã hoàn toàn thuộc về "bộ 6 quyền lực" - Samsung, Huawei, Apple, OPPO, Vivo và Xiaomi. Trong 6 ông lớn, Samsung liên tục giữ vững vị thế số 1, Apple và Huawei tranh đấu giành vị trí số 2 trong khi 3 hãng Trung Quốc còn lại thay nhau chiếm giữ 2 vị trí còn lại trong top 5.
Quả thật, nhắc đến smartphone Android giờ là nhắc đến Samsung và các thương hiệu Trung Quốc Đại Lục. Nhưng những người đã từng đi qua những năm tháng đầu tiên của chú robot xanh đều sẽ biết rằng lịch sử của Android không bắt đầu cùng Samsung hay Huawei. Nếu không vì những sai lầm tai hại, 4 thương hiệu cùng Samsung và Apple nắm giữ thế giới có lẽ đã không thuộc về người Trung Quốc như bây giờ.
Chiếc smartphone Android đầu tiên trong lịch sử không thuộc về Samsung. Ngày 23/9/2008, HTC Dream được nhà mạng T-Mobile vén màn, chính thức mở màn cho cuộc xâm lấn toàn cầu của Android.
Vị thế là nhà sản xuất đầu tiên gắn với hệ điều hành của Google đã giúp xóa nhòa quá khứ gia công thuê của HTC và đưa thương hiệu này trở thành một cái tên phổ biến trên toàn cầu. Năm 2010, doanh số HTC tăng gấp đôi so với 2009. Năm 2011, công ty Đài Loan giành vị trí số 3 thế giới (sau Apple và Samsung) khỏi tay Nokia.
Tai họa bắt đầu từ đây. Đang trên đỉnh cao, chiến lược sản phẩm của HTC bắt đầu trở nên rối loạn. Trong năm 2011, HTC vén màn tới hàng chục sản phẩm với những cái tên khó phân biệt. Năm 2012, để đối đầu với siêu phẩm Galaxy S3 của Samsung, HTC ra mắt One X, One XL, One S, One V, Evo 4G LTE, J, Desire C, Droid Incredible 4G LTE, Desire V, Desire X và J Butterfly. Tất cả đều thuộc về phân khúc cao cấp, nhưng không ai biết đâu mới là chiếc HTC cao cấp nhất. Những chiếc HTC cạnh tranh lẫn nhau, nhưng không một chiếc nào đủ sức để cạnh tranh với các mũi nhọn Galaxy S hay Note của Samsung.
Bi kịch tiếp diễn ngay cả khi HTC nỗ lực trở lại. Sau khi khôi phục được chút ít tình yêu của người dùng với HTC One (M7), HTC nối tiếp bằng những tên gọi "kém sang" và khó nhớ như One M8, One M9, scandal One A9 và sau đó chuyển sang HTC 10 và… U11. Cho đến khi bán phần lớn mảng smartphone cho Google, HTC đã không thể một lần lấy lại vị thế trong mắt người dùng nữa.
Kỷ nguyên Android đầu tiên thuộc về những chiếc smartphone có bàn phím trượt, và chắc chắn chiếc Android bàn phím trượt nổi tiếng nhất sẽ thuộc về Motorola Droid. Được vén màn năm 2009 trong một thương vụ lịch sử giữa Google, Motorola và nhà mạng Verizon, Motorola Droid từng được coi là đối trọng đầu tiên của iPhone, là minh chứng cho thấy smartphone Android có thể cạnh tranh với điện thoại mác Táo. Doanh số của Motorola Droid trong 74 ngày đầu đạt mức 1,05 triệu máy, thậm chí còn vượt mặt chiếc iPhone khi đó vẫn đang đình đám.
Chỉ tiếc rằng những năm tháng dài chìm trong thua lỗ đã khiến Motorola trở thành kẻ hèn nhát. Ngay từ 2006, tức là trước khi Steve Jobs khởi động cuộc cách mạng smartphone, hãng điện thoại tiền khởi của nước Mỹ đã chìm vào thua lỗ. Những năm trước, đó, sau thành công của "huyền thoại" Razr, Motorola đã ngủ quên trên chiến thắng và để các đối thủ như Nokia hay BlackBerry đánh bại hoàn toàn.
Vì thế, với Motorola, thành công của Droid chỉ được coi như chiếc phao cứu mạng. Người ném phao không ai khác ngoài Google: ngay sau thành công của Droid, và ngay sau khi Motorola thoát lỗ, cha đẻ của Google bỏ ra 12,7 tỷ USD để thâu tóm Motorola Mobility. Dưới quyền Google, Motorola gần như mất hoàn toàn sức sáng tạo và vĩnh viễn không thể tạo ra kẻ kế thừa xứng đáng cho Droid.
Năm 2014, Motorola về tay Lenovo (Trung Quốc). Đến nay, cả 2 công ty mẹ/con này vẫn "chìm nghỉm" trên thị trường di động.
Không đặt chân vào cuộc chiến Android sớm như HTC và Motorola nhưng tại thời điểm smartphone Trung Quốc bắt đầu bùng nổ, LG vẫn là một thế lực. Thương hiệu Hàn Quốc được biết đến với vai trò là kẻ đi đầu về sáng tạo khi ra mắt hàng loạt những chiếc điện thoại khác người. LG G2 là dòng đầu bảng "chính thống" có màn hình lớn nhất nhờ viền cực mỏng. LG V10 có màn hình phụ và được coi là kẻ khởi đầu trào lưu "smartphone cho audiophile". LG G5 là chiếc điện thoại module duy nhất được sản xuất hàng loạt.
Chưa kể, với Nexus 4 và Nexus 5, LG còn là kẻ đi đầu trào lưu "sát thủ đầu bảng" ngày nào.
Thảm họa bootlop đã chấm dứt tất cả. Trong 3 năm, một loạt những chiếc LG cao cấp như G4, G5, V10, V20 và Nexus 5X liên tục gặp lỗi bootloop (máy liên tục tự khởi động lại, không sử dụng được). Niềm tin của người dùng tiêu tan, thị phần của LG cũng "bốc khói" theo. Dù cho LG tiếp tục những sáng tạo sau này - như khi G6 tiên phong cho màn hình 2:1, hoặc khi G8X vén màn ý tưởng "màn hình đôi trên ốp", chẳng mấy ai còn muốn "phiêu lưu" cùng ông lớn thứ 2 của Hàn Quốc nữa cả.
Quý 4/2012, Huawei vượt mặt Sony để chiếm vị trí số 3 toàn cầu. Thế nhưng, với doanh số 9,8 triệu máy Xperia bán ra trong quý, Sony lúc này vẫn là một thế lực lớn. Với mức tăng trưởng 55%, các fan của Sony có quyền tin rằng một tương lai vô cùng tươi sáng vẫn đang chờ đợi họ.
Chiếc Xperia Z ra mắt vào tháng 1/2013 chính là điểm khởi đầu cho tương lai đó. Trong khi Samsung vẫn chỉ sử dụng vỏ nhựa kém sang cho Galaxy S4, Sony vén màn thiết kế OmniBalance sang trọng và tinh tế trên Xperia Z1. Ngôn ngữ thiết kế mới được áp dụng dần xuống các phân khúc thấp hơn, và doanh số smartphone Sony tiếp tục tăng mạnh trong 2013.
Nhưng 2014, doanh số Xperia đứng yên. Từ 2015, lượng smartphone Sony bán ra trên toàn cầu bắt đầu lao dốc chóng mặt. Không hiểu vì lý do gì, gã khổng lồ Nhật Bản quyết định ra mắt các phiên bản Z mới tới 2 lần trong một năm, đời trước chưa kịp "cũ" thì đời sau đã ra mắt. Càng khó hiểu hơn, trong suốt 3 năm Sony giữ nguyên một phong cách thiết kế nhàm chán trên 6 thế hệ đầu bảng, từ Xperia Z đến Xperia Z5 (chưa tính các mẫu "phụ" như Z3 Plus hay Z5 Compact). Năm 2016, Sony tuyên bố chuyển sang thiết kế mới cùng XZ Premium nhưng những gì người dùng nhận được vẫn chỉ là một khối vuông không khác biệt nhiều so với Xperia Z của 4 năm trước.
Đến tận 2018, Sony mới thực sự thay đổi khi theo đuổi một ngôn ngữ thiết kế mềm mại hơn (Ambient Flow trên Xperia XZ2). Mọi thứ đã là quá muộn. Sau nhiều quý suy giảm, tổng số smartphone Xperia bán ra trong cả năm 2018 thậm chí không bằng nổi một quý của năm 2012.
Đến quý 1/2020, ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho lượng Xperia bán ra chỉ còn vỏn vẹn… 300.000 máy. Bất chấp những nỗ lực thực sự đáng khen ngợi cùng Xperia 1, Sony từ vị trí trong top 5 giờ đã bốc hơi gần như hoàn toàn khỏi thị trường smartphone toàn cầu. Mọi chuyện lẽ ra đã khác, nếu Sony không thách thức người dùng với một thiết kế lối mòn đi suốt gần 10 thế hệ đầu bảng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng