Sony Vaio Pro 11: Siêu nhẹ, pin bền nhưng bàn phím không tốt
Phiên bản được thử nghiệm lần này của Pro 11 có giá 1.550 USD.
Trong nhiều năm qua, VAIO Z đã luôn là mẫu máy tính xách tay hàng đầu của Sony, nhưng khi mà kỷ nguyên của các laptop siêu di động đã đến, hãng điện tử Nhật Bản buộc phải có những thay đổi. Vì thế dòng VAIO Pro đã xuất hiện với sứ mạng kế tục sự nghiệp lẫy lừng của Z Series. Vừa qua, Sony đã chính thức giới thiệu 2 mẫu ultrabook mới là Vaio Pro 11 và Vaio Pro 13 với trọng lượng cực nhẹ. Sony khẳng định đây là những chiếc ultrabook màn hình cảm ứng nhẹ nhất hiện nay với giá khởi điểm thấp nhất từ 1.150 USD.
Phóng viên của trang công nghệ Engadget đã có những trải nghiệm thú vị cùng model nhỏ hơn là chiếc Vaio Pro 11.
Tùy chọn cấu hình
Phiên bản được thử nghiệm lần này của Pro 11 có giá 1.550 USD. Máy được trang bị vi xử lý Core i7-4500U tốc độ 1,8 GHz với đồ họa tích hợp HD Graphics 4400 và ổ đĩa SSD 256 GB. Bên cạnh đó, model còn sở hữu 4GB DDR3 1600MHz SDRAM và hỗ trợ công nghệ NFC cùng Wi-Fi chuẩn n.
Để giảm bớt chi phí, bạn có thể thay bằng model Pro 11 sử dụng chip Core i5-4200U RAM 4GB và SSD 128GB với giá 1.150 USD.
Thiết kế
Nếu quan sát qua tủ kính, Vaio Pro 11 sở hữu kiểu dáng không khác nhiều so với các đàn anh đi trước và có chăng chỉ là sự cắt giảm về kích thước. Máy vẫn sử dụng bàn phím chiclet, bản lề mạ crôm, logo VAIO kim loại lớn và một nút nguồn phát sáng màu xanh lá cây, nằm ở góc trên bên phải của bàn phím. Tuy nhiên, khi mở hộp và cầm tận tay sản phẩm, tôi mới thấy những ý nghĩ trước đây của mình là quá chủ quan. Vaio Pro 11 đã thực sự thay đổi.
Trước tiên sự khác biệt đến từ kích thước và trọng lượng của máy. Vaio Pro 11 chỉ lớn và nặng hơn một chút so với chiếc máy tính bảng Nexus 10 tôi đang sử dụng. Với trọng lượng 0,86 kg, việc cầm máy bằng một tay và di chuyển trong nhà, từ trên bàn ra ghế salon đều hoàn toàn thoải mái và dễ dàng. Sony cung cấp cho người dùng 2 tùy chọn màu sắc là đen và bạc. Tôi đã quyết định chọn màu đen mặc dù có thể sẽ dễ bám bẩn hơn so với màu bạc.
Lớp vỏ của Vaio Pro 11, từ phần nắp đến khung phía dưới đều làm từ sợi carbon, chỉ có chiếu nghỉ tay xung quanh trackpad dưới khu vực bàn phím là làm từ nhôm xước. Ban đầu tôi đã hi vọng rằng Vaio Pro 11 sẽ ít bám dấu vân tay nhưng sau một thời gian sử dụng, tôi thấy mình đã nhầm. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, tốt nhất sau khi dùng máy vài ngày một lần bạn nên dùng khăn mềm để lau sạch dấu vân tay bám quanh bề mặt máy.
Để giảm kích thước và trọng lượng máy, Vaio Pro 11 không được trang bị nhiều cổng kết nối. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tìm thấy cổng HDMI và 2 cổng USB 3.0 ở bên phía cạnh phải cùng jack tai nghe 3.5. Trong khi đó, bên trái chỉ gồm lỗ thông gió và jack cắm sạc. Ngoài ra, Sony còn hỗ trợ thêm đầu đọc thẻ SD cho Vaio Pro 11, nhưng vị trí của nó lại đặt ở cạnh dưới của máy, phía gần với touchpad.
Bàn phím và trackpad
Sony Vaio Pro 11 được trang bị bàn phím backlit có đèn nền nhưng sự thực đây là mẫu “keyboard” gây cho tôi nhiều khó chịu hơn là thích thú khi phải gõ những đoạn văn bản dài hàng trang. Bởi bàn phím của Pro 11 có các phím hơi nhỏ đồng thời bố trí khá chật chội dù rằng tôi không phải là người có đôi bàn tay to quá khổ. Gõ phím trên chiếc ultrabook này gợi cho tôi nhớ lại cảm giác làm việc trên một chiếc netbook khi mà phần nền xung quanh phím bấm được gõ có cảm giác hơi lún xuống nữa. Tuy nhiên, công bằng mà nói Sony cũng đã rất cố gắng để bố trí một loại bàn phím thân thiện với nhiều đối tượng người dùng nhưng kích thước máy khá nhỏ đã biến đây trở thành một điểm trừ.
Trong khi đó, thử nghiệm với trackpad của Pro 11, mặc dù ở chế độ desktop nhiều khi con trỏ vẫn chưa hoạt động đúng ý đồ, nhưng các thao tác như pinch-to-zoom hay cuộn hai ngón tay đều rất nhạy và không yêu cầu bạn dùng quá nhiều lực.
Tuy vậy, thao tác kích đúp để mở ứng dụng desktop thỉnh thoảng không phản hồi. Thay vào đó, chúng tôi phải dùng đến nút cảm ứng, nhưng nó lại tỏ ra rất cứng, và dùng khá chán. Hy vọng rằng, Sony sẽ có những thay đổi cần thiết đối với hệ thống nhập liệu và điều khiển trackpad của Vaio Pro 11 nếu không những người dùng văn phòng bỏ ra một khoản tiền lên tới hơn 1.000 USD sẽ cảm thấy nó như một cơn ác mộng.
Màn hìhh, webcam và chất lượng âm thanh
VAIO Pro 11 được trang bị màn hình cảm ứng IPS 11,6 inch độ phân giải 1920 x 1080 pixel với công nghệ đèn nền Triluminous. Ngoài ra, như một sự nâng cấp của Bravia Engine, công nghệ X-Reality giúp video được hiển thị đẹp và có hồn hơn. Bạn có thể kích hoạt hoặc vô hiệu hóa X-Reality, theo mặc định nó sẽ tự động tắt khi bạn rút nguồn sạc, vì vậy việc thưởng thức những hình ảnh đẹp hơn sẽ không phải “trả giá” bằng thời lượng pin.
Độ phân giải Full HD trên Vaio Pro 11 cho phép hiển thị hình ảnh rất sắc nét, dễ đọc, giao diện cảm ứng 10 ngón tay rất chính xác và phản ứng nhạy. Ngoài ra, công nghệ IPS mang đến cho màn hình của Vaio Pro 11 màu sắc tươi sáng sống động hơn kể cả khi nhìn nghiêng ở góc hẹp. Mặc dù vẫn có một chút phản chiếu ánh đèn nhưng hầu như không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm khi đọc sách.
Tất cả các máy tính xách tay mới của Sony đều được trang bị webcam CMOS Exmor-R. Chất lượng hình ảnh từ webcam thực sự khá tệ. Ánh sáng từ hình ảnh toát lên rất yếu và nhiễu nhiều, giống như chúng ta đang dùng máy lúc hoàng hôn vậy.
Chất lượng âm thanh của Pro 11 thực sự khá dễ chịu nhưng phải nhấn mạnh rằng nó quá nhỏ. Ngay cả khi tăng mức âm lượng lên lớn nhất, bạn vẫn hơi khó nghe mặc dù căn phòng tương đối yên tĩnh với cửa sổ mở và một vài chiếc xe đi ngang qua bên ngoài. Do đó, nếu sử dụng ở những môi trường ồn ào, tốt hơn cả là bạn nên đem theo tai.
Hiệu năng và thời lượng pin
Khi mới ra mắt dòng vi xử lý Core i thế hệ thứ tư mang tên Haswell, Intel đã khẳng định sẽ đem lại thời lượng pin ấn tượng cho người dùng. Và kết quả này đã được chúng tôi kiểm chứng chính xác trên Vaio Pro 11.
Quan sát bảng so sánh thời lượng pin trên, bạn sẽ thấy hai kết quả tồi tệ nhất đều đến từ các thiết bị 11 inch: ASUS Taichi 21 và Microsoft Surface Pro. Thực sự với Pro 11, sản phẩm nhỏ với trọng lượng quá nhẹ nhưng lại sử dụng màn hình cảm ứng Full HD, chúng tôi chỉ dám hi vọng máy sẽ trụ được khoảng 4 tiếng. Nhưng khá bất ngờ, mặc dù chạy bộ xử lý Core i7 nhưng Pro 11 có thể hoạt động liên tục không ngừng nghỉ trong 6 giờ 41 phút với độ sáng màn hình 40% và kết nối Wi-Fi luôn bật trước khi cạn sạch pin. Thậm chí, Sony còn hứa hẹn rằng nếu sử dụng thêm pin mở rộng, máy có thể làm việc tới hơn 14 tiếng.
Pro 11 là một trong những sản phẩm Ultrabook đầu tiên sử dụng chip Haswell của Intel. Máy chạy hoàn toàn mượt mà ngay cả khi mở nhiều ứng dụng cùng lúc. Bên cạnh đó, với ổ đĩa SSD có tốc độ đọc 558 MB / giây cùng tốc độ ghi 255 MB / giây, Pro 11 chỉ mất vỏn vẹn 7 giây để khởi động vào hệ điều hành Windows 8. Trong suốt quá trình sử dụng, hầu như máy chạy rất êm. Tuy nhiên, thử nghiệm với một số game nặng, các quạt của Pro 11 đã phải làm việc hết công suất và bắt đầu phát tiếng ồn nhưng cũng không quá lớn. Thậm chí mức độ tiếng ồn này là tối thiểu so với những gì chúng tôi nghe thấy trên Toshiba Kirabook. Còn về phần nhiệt năng tỏa ra, khu vực bàn phím khá ấm rồi đến các phím chức năng, nhưng khu vực nóng nhất rõ ràng là lỗ thông hơi, nằm ở phía bên trái, sau lưng máy.
Phần mềm và bảo hành
Vaio Pro 11 được Sony cài đặt sẵn rất nhiều bloatware mặc định như Slacker, iHeartRadio, Hulu Plus, PuzzleTouch, My Daily Clip vaf Music Maker Jam, nhưng đó thực sự chỉ là nhưng ô live tile chiếm nhiều không gian màn hình. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm thấy Album và trình nghe nhạc riêng của Sony, cũng như tập hợp Socialife hay một số game Xbox Live, bao gồm Minesweeper, Solitaire và Taptiles.
Đối với các ứng dụng desktop truyền thống, Sony mang đến ArtRage Studio, bộ suite đa phương tiện và phần mềm diệt virus Kaspersky.
Sony Vaio Pro 11 được bảo hành 1 năm và hỗ trợ tư vấn sửa chữa 24/7.
Kết luận
So với dòng Vaio Z trước đây có giá bán xấp xỉ 2.000 USD, tùy chọn phần cứng thấp nhất trên Vaio Pro 11 tốn 1.150 USD thực sự là cái giá “dễ thở” hơn rất nhiều. Trọng lượng siêu nhẹ cùng kích thước nhỏ gọn biến Vaio Pro 11 trở nên cơ động như một mẫu tablet vậy. Bên cạnh đó, thời lượng pin chính là một điểm mạnh của Pro 11 so với các sản phẩm cạnh tranh.
Tuy nhiên, Pro 11 có một điểm trừ dễ làm nản lòng những người dùng hay phải thao tác với các đoạn văn bản dài hàng trang. Bàn phím của máy quá nhỏ trong khi trackpad hoạt động còn thiếu độ nhạy. Đây sẽ là vấn đề lớn mà Sony phải khắc phục trong thời gian tới.
Ra mắt trong những ngày đầu của triển lãm Computex 2013, Sony Vaio Pro 11 đã ngay lập tức phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh cũng rất tiềm năng khác. Đơn cử đó là Toshiba Kirabook với màn hình độ phân giải lên tới 2.560x1.440 pixel cùng 8 GB RAM và ổ cứng SSD 256 GB. Tuy vậy cần nhấn mạnh rằng Kirabook dày, nặng hơn và có thời lượng pin không tốt bằng Pro 11. Thực sự phải nói rằng Pro 11 là một sản phẩm rất đáng tiền trong thời điểm hiện nay dù máy vẫn còn tồn tại những yếu điểm.
Tham khảo: Engadget.com
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng