Startup không giống ai của chàng trai 9x: Xây dựng hòm quyên góp online, mỗi lần mua sắm là khách hàng có thêm một cơ hội để làm từ thiện!
Khởi nghiệp, dù đặt mục tiêu lợi nhuận cá nhân hay lợi ích cộng đồng lên trên, đều cần chi phí để tồn tại. Nhưng với một start-up đặt mục tiêu tối thượng là mang đến hiệu quả xã hội, điều này khó khăn hơn rất nhiều.
Hoàng Đức Minh là cái tên không còn xa lạ với cộng đồng những người tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại Việt Nam. Năm 2015, Minh được Forbes Việt Nam trao tặng danh hiệu “30 Under 30”, dành cho 30 gương mặt dưới 30 có tầm ảnh hưởng nhất năm 2014. Minh cũng là người tham gia khởi xướng cho những chiến dịch nổi tiếng như “Tử tế là”, "Save Sơn Đoòng", "Tôi ghét nylon" .
Tuy nhiên, phát động những chiến dịch chia sẻ sự tử tế và điều hành một startup xuất phát từ mục tiêu chia sẻ sự tử tế lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Wake it up, nâng bước các dự án xã hội
Năm 2015, Minh ra đời dự án khởi nghiệp đầu tiên với tên gọi “Wake it up”. Đây là nền tảng công nghệ được thiết kế riêng cho các tổ chức và nhà hoạt động xã hội, nơi họ có thể gây dựng chiến dịch, kêu gọi sự hưởng ứng từ cộng đồng và tìm kiếm nguồn tài trợ từ doanh nghiệp.
Hiểu đơn giản thế này: Bạn quan tâm đến vấn đề tắc đường, bạn thấy tắc đường là do xe máy quá nhiều và cho rằng nên cấm luôn xe máy tại những thành phố lớn. Bạn nghĩ đến việc tạo một tờ đơn, thu thập chữ ký hay ý kiến của nhiều người giống mình rồi sau đó gửi lên các cấp lãnh đạo cao hơn để xem xét. Dĩ nhiên bạn không thể in một tờ đơn giấy, cầm đi mọi nơi xin chữ ký người này, người khác vì sẽ tốn thời gian và công sức. Vậy là bạn tìm tới Wake it up, tạo một tờ đơn điện tử, kêu gọi những người ủng hộ cùng xem và ký vào.
Trong trường hợp chiến dịch đủ lớn, có sức ảnh hưởng với xã hội, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tài trợ với điều kiện tên tuổi của họ được xuất hiện trong mục thông tin bảo trợ cho chiến dịch. Một phần tài trợ được trả cho Wake it up để dự án tiếp tục duy trì hoạt động.
Giao diện của website Wakeitup.net
Năm ngoái Wake It Up giành giải nhất cuộc thi “1 triệu đô thay đổi thế giới” do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức. Mặc dù mô hình khởi nghiệp đã có một số thành công nhất định nhưng việc tiếp tục phát triển lại vô cùng chật vật.
Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, Minh đã thẳng thắn thừa nhận Wake it up vẫn có doanh thu nhưng rất khó để bù đắp chi phí cho vấn đề nhân sự, marketing. Ví dụ mỗi tháng Wake it up cần khoảng 50 triệu để tiếp tục tồn tại. Vì doanh thu chỉ đến từ nguồn duy nhất là khoản tài trợ của các doanh nghiệp nên để kiếm được 50 triệu, startup cần giúp các tổ chức, nhà hoạt động xã hội huy động được khoảng 500 triệu từ phía doanh nghiệp.
“Gây quỹ 500 triệu một tháng là một con số tương đối khổng lồ. Trong khi ở Việt Nam, với số tiền ấy, các doanh nghiệp cần một chiến lược marketing tổng thể, các hoạt động PR cụ thể xoay quanh chiến dịch xã hội. Điều này vượt qua năng lực của bất kỳ nhóm hoạt động xã hội nào”, Minh cho biết.
Chàng trai sinh năm 1990 quyết định tạm dừng đầu tư công sức, thời gian cho Wake it up mà chuyển sang một dự án khởi nghiệp khác. Dù vậy Wake it up không bị đóng cửa mà vẫn được tiếp tục duy trì.
Kindmate, hòm từ thiện số hóa
Ngày 5/5 vừa qua, Hoàng Đức Minh cho ra đời Kindmate, dự án khởi nghiệp số 2, cũng vẫn lấy mục tiêu hoạt động vì cộng đồng làm nguyên tắc hàng đầu.
Khi đăng ký tham gia Kindmate, khách hàng có cơ hội mua sắm giảm giá tại các cửa hàng có hợp tác với dự án. Mỗi người có thể lựa chọn giảm giá nếu muốn hoặc chuyển khoản giảm giá đó thành tiền ủng hộ cho các dự án xã hội.
“Tôi nhận thấy hành vi mua hàng diễn ra phổ biến hàng ngày. Nếu mỗi lần mua hàng, khách hàng chỉ dành ra đúng 1.000 đồng, giống như hũ gạo mỗi lần ăn cơm để dành ra nửa bát, thì đã là một số tiền khổng lồ”, Minh nói.
Hoàng Đức Minh, CEO của Wake it up
Việc mua sắm tại các chuỗi cửa hàng trong hệ thống Kindmate diễn ra khá đơn giản. Khách hàng chỉ cần lên website đăng ký thành viên, sau đó ra cửa hàng, đọc số điện thoại cá nhân là đã nhận được giảm giá.
“Kindmate là nền tảng trung gian giúp khách hàng hiểu được khoản tiền họ đóng góp đã đi đâu về đâu. Nó là một hòm từ thiện số hóa và chúng tôi đứng ra đảm bảo với khách hàng tiền sẽ được chuyển đến các dự án xã hội. Còn dự án nào thì tùy thuộc vào lựa chọn của doanh nghiệp hợp tác”, chàng trai sinh năm 1990 cho biết.
Cũng giống Wake it up, Kindmate có thể gặp rủi ro khi hoạt động dựa vào lòng tốt của con người. Nếu khách hàng không chấp nhận từ bỏ phần giảm giá, sẽ không có chi phí đầu tư cho các dự án xã hội cũng như hoạt động của start-up.
“Tôi có niềm tin là con người sẽ có lòng tốt và lòng tốt ấy đủ để nuôi sống Kindmate. Tôi tin số lượng người không nhận khoản giảm giá sẽ đủ lớn, hoặc ít nhất trong 10 lần mua sắm, cùng có một lần người ta quyết định quyên góp”.
Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận Kindmate sẽ thành công hay chịu chung số phận của Wake it up. Tuy nhiên Minh khẳng định nếu dự án thành công, anh có thể sẽ chuyển dự án cho một người khác để họ đẩy quy mô lớn hơn, vì anh thừa nhận mình chỉ có khả năng điều hành bộ máy dưới 20 người.
“Đến thời điểm ấy, tôi nghĩ mình nên ra đi nếu thật sự yêu quý sản phẩm”.
Trường hợp dự án thất bại, Minh sẽ vẫn đi theo con đường khởi nghiệp, có thể tiếp tục xây dựng dự án khác hoặc vẫn đi làm thuê, nhưng làm cho start-up. “Một khi đã là dân start-up rồi thì rất khó làm việc khác. Không nhất thiết phải là người sáng lập hay CEO, chỉ cần cống hiến cho giấc mơ của người khác cũng vui rồi”.
Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng