Startup này có thể thiết lập cho bạn chế độ ăn bổ dưỡng nhất dựa vào xét nghiệm máu
Leroy Hood gọi đây là lĩnh vực hái ra tiền trong tương lai.
Neil Grimmer là một doanh nhân khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực thực phẩm ở Hoa Kỳ. Anh sáng lập và điều hành Plum Inc, công ty từng đứng số 1 trên bảng xếp hạng những công ty tư nhân phát triển nhanh nhất khu vực bởi San Francisco Business Times.
Sau những tháng ngày thành công và bận rộn, Grimmer bán Plum cho Campbell's Soup. Lúc này anh mới có một khoảng thời gian để tự nhìn lại mình trong gương. Grimmer chợt nhận ra rằng những tháng ngày điều hành doanh nghiệp gắn liền với thức ăn nhanh, căng thẳng và những đêm ngủ muộn, đã tàn phá cơ thể anh đến thế nào.
Không đến phòng tập gym hay mua thêm súp lơ xanh, Grimmer hẹn gặp một chuyên gia sức khỏe, người đã ngay lập tức yêu cầu anh thực hiện một loạt các xét nghiệm. Kết quả được thông báo lại cho Grimmer chỉ ra anh đang thừa cân, có nguy cơ đau tim và đã bước vào giai đoạn tiền đái tháo đường.
Tuy nhiên, vị bác sĩ đã xây dựng một kế hoạch dinh dưỡng dành riêng cho Grimmer. “Bằng sự thay đổi thói quen và dinh dưỡng đó, tôi đã có thể kiểm soát được hầu hết những vấn đề”, anh nói.
Những năm tháng vất vả startup, Grimmer phải đánh đổi với sức khỏe của anh
Một ý tưởng chợt đến, Grimmer cũng muốn giúp những người khác giải quyết vấn đề sức khỏe của họ, cho dù đó là việc muốn giảm cân hay chỉ là có một giấc ngủ ngon hơn. Tin rằng những xét nghiệm sẽ là thứ cung cấp cho mỗi người một chế độ dinh dưỡng tối ưu hóa, Grimmer khởi động một startup mới lấy tên là Habit.
Đầu năm 2016, Habit được thành lập. Công ty cung cấp một dịch vụ xét nghiệm máu với 60 chỉ dấu sinh học bao gồm: axit amin, vitamin, lượng đường trong máu… Xét nghiệm có mức phí 299 USD, thậm chí, còn có thể xác định một số biến thể di truyền, giữ vai trò quan trọng và ảnh hưởng lên cách mỗi người đáp ứng với chế độ ăn uống.
Habit cũng cố gắng đo đạc quá trình trao đổi chất của người dùng bằng thực nghiệm. Khác với nhiều ước tính đơn giản bằng lý thuyết, họ thực hiện việc định lượng, cách cơ thể mỗi người đáp ứng với chất béo, tinh bột và đường, sau khi họ thực hiện một bữa ăn với sữa lắc thông qua xét nghiệm máu.
Khách hàng đăng kí dịch vụ của Habit sẽ được lấy mẫu máu tận nhà. Habit có một mạng lưới bác sĩ ủy quyền được phép thực hiện xét nghiệm và cung cấp kết quả cho họ. Sau khi mẫu máu được gửi lại, khách hàng sẽ được cung cấp 30 phút tư vấn ảo, với một chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra chế độ ăn tối ưu cho họ.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng sẽ không thực hiện việc chẩn đoán bệnh từ mẫu máu. “Nếu có gì đó trong dữ liệu chỉ ra một căn bệnh cần được chữa trị, một người nào đó trong nhóm của chúng tôi sẽ nhắc họ đến gặp bác sĩ”, Grimmer nói. Khách hàng của Habit có thể tải về các dữ liệu nguyên bản để mang đến phòng khám, ông cho biết thêm.
Habit tin rằng mỗi người cần phải được cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng
Habit chia khách hàng của họ làm 7 nhóm, dựa trên kết quả phân tích. Mỗi nhóm có một khuyến cáo về lượng calo nên tiêu thụ mỗi ngày, chia cụ thể theo từng chất đa lượng carbohydrate, protein và chất béo. Nhờ vậy, mỗi người sử dụng dịch vụ có thể tùy chọn và mua những bữa ăn mà chính Habit cung cấp. Mõi bữa ăn có giá từ 12 đến 15 USD.
Dựa trên mô hình hoạt động này, ai cũng có thể đoán được Habit đang nhắm đến mục đích bán được những bữa ăn thiết kế riêng của họ. Thị trường dành cho dịch vụ bữa ăn giao sẵn đang có trị giá tới 210 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận đến từ những xét nghiệm máu là rất khiêm tốn.
Habit hy vọng rằng họ có thể nổi bật hẳn lên so với những công ty khác trong thị trường cạnh tranh, bao gồm Blue Apron và Nutrisystem. Rõ ràng điều đó là khả thi vì Habit đang hướng đến việc cá nhân hóa dinh dưỡng cho từng khách hàng. Trong khi đó, nhiều công ty khác vẫn mắc kẹt trong những khuyến cáo dinh dưỡng chung chung.
“Chúng tôi không đứng trong ngành kinh doanh với những chế độ ăn chạy theo mốt nhất thời và gợi ý thực phẩm nào tốt, thực phẩm nào xấu cần phải tránh”, Joshua Anthony, một cố vấn khoa học của Habit, phó chủ tịch dinh dưỡng toàn cầu của Ampbell Soup Company cho biết. Ở Habit, “đó là những tư vấn được thiết kế dành riêng cho từng cá nhân. Ví dụ như một người nào đó có cần phải tăng lượng tinh bột cần thiết hay không, hoặc họ có nên quản lý lượng đường".
Qua các xét nghiệm, Habit có thể đưa ra những bữa ăn tối ưu cho người dùng
Mike Minium, cựu kỹ thuật viên của Habit, người có kinh nghiệm 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực phòng gym, là một trong những thành viên thử nghiệm phiên bản beta của dịch vụ. Anh cho biết các khuyến nghị của Habit hoàn toàn chứng minh được sự hữu ích của nó.
Sau khi gửi đi mẫu máu của mình, Minium được khuyên nên ăn nhiều carbohydrate hơn vào buổi tối để có thể đạt được mục tiêu của anh, bao gồm một giấc ngủ tốt hơn và duy trì cân nặng trong mùa giải tennis. Ban đầu thực hiện, Minium cũng đã có đôi chút hoài nghi. Nhưng sau quá trình trải nghiệm sự thay đổi, anh đã bị thuyết phục.
Ngoài Minium, chương trình beta của Habit đã thu hút khoảng 100 người tham gia. Nó đang được đánh giá mức độ hiệu quả trong dài hạn. Habit nói rằng họ đang hợp tác với Đại học Stanford để triển khai các nghiên cứu chứng minh điều đó trong năm tới.
Cá nhân hóa dinh dưỡng, ý tưởng hoạt động của Habit
Tại thời điểm này, một số nhà khoa học vẫn còn nghi ngờ tính hiệu quả của mô hình hoạt động như Habit. Họ đặt câu hỏi rằng: Tại sao phải thực hiện những bài kiểm tra sức khỏe cho những người khỏe mạnh? Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thực hiện sàng lọc những người không có triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe không phải là cách hiệu quả để cải thiện và chăm sóc sức khỏe cho họ.
Đó cũng là lí do mà trước đây, khi tỷ phú Mark Cuban đăng tải một lời khuyên trên Twitter nói rằng mọi người nên đi xét nghiệm máu thường xuyên vào mỗi quý, ông đã vấp phải rất nhiều lời chỉ trích từ phía cộng đồng các nhà khoa học.
“Có 12 điều bạn có thể làm mà chẳng cần tới xét nghiệm máu”, Arthur Caplan, một giáo sư trong lĩnh vực Đạo đức sinh học tại Đại học New York cho biết. “Giảm cân, tập thể dục, đội mũ bảo hiểm và không lạm dụng thuốc phiện”.
Tuy nhiên, có một số nghiên cứu gần đây hé lộ rằng những lời khuyên khi được cá nhân hóa sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp người khác thay đổi lối sống, so với những gì quá chung chung như: Ăn ít muối đi, nhiều rau lên. Nhưng vẫn còn vấn đề cần xem xét là liệu các xét nghiệm sức khỏe có cần thiết hay không, và cả những bữa ăn được chuẩn bị sẵn cũng vậy.
“Tôi có thể chỉ cần nhìn vào chế độ ăn uống của ai đó một cách khách quan và đưa cho họ những khuyến nghị mà chẳng cần thực hiện một xét nghiệm nào”, Jordan Shlain, một bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Bay Area cho biết.
Các nhà khoa học đang tranh cãi: Liệu những xét nghiệm của Habit có hiệu quả?
Cũng không phải không có những người ủng hộ mô hình hoạt động của Habit. Cyrus Khambatta, chuyên gia dinh dưỡng của Bay Area, cho biết một số người có thể không thực sự khỏe mạnh như họ nghĩ. Bằng xét nghiệm máu, họ có thể phát hiện và nhận thức được một điều gì đó. “Ngay cả khi bạn tin rằng mình đang hoàn toàn khỏe mạnh, bạn vẫn có thể tuân thủ những lời khuyên tốt hơn nếu chúng được đưa ra dựa trên bằng chứng cụ thể”.
Một trong số những nhà khoa học ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng của Habit là nhà sinh vật học nổi tiếng Leroy Hood. Ông cũng đang làm việc như một cố vấn khoa học cho Habit. Hood có một lý thuyết mà ông gọi là “chăm sóc sức khỏe khoa học”. Ông mô tả đó là quá trình “đánh giá dữ liệu sinh học để đưa ra các khuyến nghị thích hợp, bao gồm cả việc chăm sóc sức khỏe”.
Tại Viện Hệ thống sinh học, Hood đang thực hiện một vài nghiên cứu dài hạn để chứng minh hiệu quả của khái niệm chăm sóc sức khỏe khoa học. Ông coi lĩnh vực này sẽ là thứ có thể giúp các công ty hái ra tiền trong tương lai.
Leroy Hood gọi đây là lĩnh vực hái ra tiền trong tương lai
Hiện tại, Hood còn đang tư vấn cho Arivale, cũng là một start-up cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe. Arivale đưa ra một dịch vụ chi phí lên tới 3.500 USD, tổng hợp rất nhiều thông tin y tế qua một loạt các xét nghiệm. Sau đó, khách hàng sẽ nhận được một khuyến nghị về chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa qua điện thoại.
Có thể thấy rằng tất cả các dịch vụ chăm sóc y tế cá nhân hóa đều không có cái giá phải chăng. Điều này sẽ đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu những startup như Arival và Habit rồi cũng chỉ để lại "một vết lõm" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Nó cũng giống như phần nhiều startup sức khỏe trước đây tại Thung lũng Silicon, tập trung vào nhóm đối tượng am hiểu công nghệ, có ý thức về sức khỏe, muốn biết ý nghĩa của mọi số liệu và quan trọng nhất là họ đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ như xét nghiệm máu hoặc nhiều bữa ăn lành mạnh.
Habit rồi cũng chỉ để lại "một vết lõm" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe?
Còn khi nhìn lại thực trạng ngày nay tại Hoa Kỳ, 2 phần 3 dân số đang ở trong tình trạng thừa cân và béo phì. Thế nhưng, những người nghèo thường là nhóm có nguy cơ nhất. Họ không có điều kiện tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh, khiến cho nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường type tăng cao. Những đối tượng này lại đang phải chịu trách nhiệm cho 86% chi phí chăm sóc sức khỏe, theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Vậy thì liệu khái niệm về chăm sóc sức khỏe khoa học hay những dịch vụ cá nhân hóa đắt đỏ có thể giúp đỡ những đối tượng này? Grimmer nói rằng ông chưa thể hạ giá dịch vụ của Habit, nhưng sẽ coi đó là mục tiêu trong tương lai nếu mọi thứ được nhân rộng ra quy mô lớn. “Chúng tôi muốn cung cấp dịch vụ tới cho những cộng đồng có nguy cơ, cho dù nó được sử dụng để quản lý nạn đói, béo phì hay bất cứ nguy cơ nào khác”.
Tham khảo Fastcompany
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng