Startup này đang biến danh thiếp ngày càng hữu ích không chỉ để ghi thông tin cá nhân

    Đinh Vân, Trí Thức Trẻ 

    Ngay cả trong thời đại của LinkedIn và các địa chỉ kỹ thuật số, danh thiếp vẫn luôn tồn tại.

    Gần như ở mọi nơi, người ta trao đổi thông tin liên hệ bằng danh thiếp, mặc dù miếng giấy nhỏ này có thể lạc đâu mất, và người ta hầu như không có thói quen ngay lập tức đưa tên và số điện thoại vào smartphone của mình.

    Sansan Inc. đang tìm cách để làm thay đổi điều đó. Một khi danh thiếp được scan, công ty startup này sẽ phân tích để người ta có thể biết được ai thuộc công ty nào, quen biết với ai. Nhờ theo dấu các quan hệ mỗi khi tấm danh thiếp được trao tay, phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây có thể tạo ra các khách hàng tiềm năng, hay gợi ý người môi giới hoặc làm trung gian cho các thương vụ.

    Trong khi phần mềm được sử dụng để scan mỗi chiếc danh thiếp, vẫn luôn có một người kiểm tra để đảm bảo thông tin chính xác. Dữ liệu thu được từ các danh thiếp thường đủ chi tiết để có thể tái tạo lại được sơ đồ tổ chức của một công ty. Cơ sở dữ liệu cũng theo dõi sự thay đổi về công việc và gửi thông báo để người ta biết khi một đồng nghiệp tìm thấy một đối tượng giao tiếp mới. Đối với phòng kinh doanh đặc biệt là ở các công ty lớn, đây thực sự là một mạng xã hội nội bộ của các đầu mối làm ăn.

    Startup này đang biến danh thiếp ngày càng hữu ích không chỉ để ghi thông tin cá nhân - Ảnh 1.

    Mức độ chính xác đó có mức giá không hề rẻ. Các hợp đồng dành cho doanh nghiệp bắt đầu ở mức 50.000 yen (451 USD) một tháng, tùy vào số lượng người dùng. Ngoài ra, khách hàng mới phải trả một khoản phí ngang với một năm sử dụng dịch vụ, để trang trải chi phí scan ban đầu lượng danh thiếp hiện có của một công ty. Người dùng cũng có thể tải lên các danh thiếp bằng smartphone của mình, hoặc qua một máy scan chuyên dụng. Tất cả mọi thông tin trên mây đều có thể truy cập từ một ứng dụng. Hơn 6.000 công ty đã đăng ký, trong đó có Lenovo Group Ltd., Merck & Co. và Seven & i Holdings Co.

    Terada – thành viên sáng lập đồng thời là CEO – tự hào nói: "Chốt được một thương vụ làm ăn trong một cuộc họp, giờ điều đó là chuyện quá bình thường."

    Theo Terada, điểm khác biệt của Sansan với LinkedIn là ở chỗ sự minh bạch trong mạng lưới đối tác trong một công ty cao hơn hẳn. Với lĩnh vực quan hệ công chúng, Sansan đưa ra một dịch vụ mang tên "Eight", có khoảng 2 triệu người dùng. Nhắm đến các cá nhân chứ không phải công ty, Eight là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hơn với LinkedIn và Wantedly Inc., một mạng xã hội nghề nghiệp ở Nhật Bản.

    Sansan cũng giúp người ta duy trì các mối quan hệ dễ dàng hơn, vì người dân ở Nhật và các nước châu Á thường có thói quen trao đổi danh thiếp trước khi bắt đầu nói chuyện. Trái lại, người Mỹ và châu Âu chỉ sử dụng danh thiếp để trao đổi thông tin liên hệ sau khi đã quen biết một ai đó.

    Startup này đang biến danh thiếp ngày càng hữu ích không chỉ để ghi thông tin cá nhân - Ảnh 2.

    Được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư như Salesforce.com Inc., Goldman Sachs Group Inc. và Toyota Motor Corp., Sansan đã có 4 vòng gọi vốn, với tổng giá trị lên đến 93 triệu USD. Công ty này vẫn thường xuyên kêu gọi đầu tư với chu kỳ 1-2 năm, và theo Terada, họ sẵn sàng chào bán cổ phiếu ra công chúng nếu đó là cách tốt nhất để gọi vốn.

    Terada chấp nhận thực tế là có một này nào đó danh thiếp sẽ trở nên lỗi thời. Ở Trung Quốc, nhiều người chỉ trao đổi tài khoản WeChat, và ở thung lũng Silicon họ kết nối qua bất kỳ một dịch vụ gửi tin nhắn, mạng xã hội hoặc địa chỉ email nào mà cả 2 thấy hữu ích.

    "Với Sansan, sự biến mất của danh thiếp có thể vừa là nguy cơ, vừa là cơ hội," Terada cho biết. "Có một điều mà mọi người đều hiểu là danh thiếp sẽ tuyệt chủng ngay trong một công ty nếu chúng tiếp tục tồn tại trên giấy."

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày