Khái niệm vốn lẽ ra phải là tôn chỉ của bất cứ ngành nghề kinh doanh nào lại đang khiến các startup tại Thung lũng Silicon khiếp sợ.
Một bài viết bởi nhà đầu tư mạo hiểm Bill Gurley sẽ chỉ cho bạn thấy "bong bóng công nghệ" thời kỳ mới - startup tại Thung lũng Silicon đang bắt đầu vỡ như thế nào. Trong bài viết này, ông Gurley đã chỉ ra lý do vì sao thế giới startup đang lo ngại vì một khái niệm mà họ chưa từng phải dành thời gian duy nghĩ: lợi nhuận kinh doanh.
Bài viết có đoạn:
"Tại các phòng họp ở Thung lũng Silicon, nơi khẩu hiệu 'tăng trưởng bằng mọi giá' đã được chọn làm tôn chỉ trong nhiều năm, người ta bắt đầu hình dung ra một thế giới nơi chi phí hút vốn có thể tăng mạnh và lợi nhuận có thể bỗng nhiên trở thành trọng tâm. Mọi người bắt đầu cảm thấy lo sợ trở lại".
Nhà tiên tri "điên"
Gurley là một trong số rất ít các nhà đầu tư mạo hiểm dám lên tiếng cảnh báo về hiện tượng bong bóng công nghệ của thập niên 2010 trong những năm vừa qua. Cho đến tận năm ngoái, không ai thèm lắng nghe lời cảnh báo của ông: số lượng startup có trị giá vốn hóa trên 1 tỷ USD (còn được gọi là các "kỳ lân" - "unicorn) đã bùng nổ lên mức 160.
Các nhà đầu tư mạo hiểm khác thậm chí còn chế nhạo ông. Scott Nolan, một đối tác tại Founders Fund - quỹ đầu tư được thành lập bởi nhà sáng lập PayPal và cũng là một huyền thoại của giới startup Peter Thiel, thậm chí đã từng khẳng định sẽ không bao giờ đầu tư vào các công ty không "đốt tiền". Lý do là bởi theo Nolan, không đốt tiền là "không có đủ ý tưởng về những thứ có giá trị có thể làm khi có nhiều tiền hơn".
Nhưng cuộc đua đầu tư mạo hiểm có bản chất là như thế này: Hãy đầu tư vào một công ty. Yêu cầu các nhà sáng lập phải tìm cách đạt mức doanh thu 100 triệu USD càng sớm càng tốt, kể cả trong trường hợp chịu lỗ nặng miễn là thu được thị phần. Khi đạt đến mức doanh thu 100 triệu USD, các công ty này có thể lên sàn (IP) hoặc bán lại với giá cao cho các công ty khác.Lúc này, các nhà đầu tư có thể thu lại tiền vốn của họ và đầu tư sang những tên tuổi "hot" khác.
Cuộc chơi thay đổi
Vấn đề là ở chỗ các startup có trị giá "khủng" không thể thoát khỏi cuộc đua luẩn quẩn này một cách dễ dàng như vậy. Nếu startup không thể đạt mức giá trị ngang ngửa với các vòng đầu tư khi thực hiện IPO, các nhà đầu tư thực chất sẽ chịu lỗ khi công ty lên sàn.
Thậm chí, cho đến tận gần cuối tháng 4 Phố Wall mới đón nhận sự kiện "lên sàn" đầu tiên trong năm của một công ty công nghệ: SecureWorks của Dell. Mức giá cổ phiếu đáng thất vọng dành cho SecureWorks nói lên một sự thật duy nhất: Phố Wall không còn hứng thú với các startup "đốt tiền" không có khả năng sinh lời nữa.
IPO là vậy, cửa ra bằng cách "bán mình" cũng chẳng khá khẩm hơn. Các công ty lớn không còn muốn mua startup ở mức giá trị quá cao. CEO Salesforce, Marc Benioff đã khẳng định sẽ chỉ mua các startup nhỏ. Vị CEO đi đầu lĩnh vực đám mây này khẳng định các unicorn sẽ sớm chìm trong "biển máu" khi mức giá trị của chúng giảm sút.
Bầy cá mập xuất hiện
Cuối cùng, như Gurley khẳng định, các VC cũng chỉ có thể (và chỉ muốn) nuôi sống các startup đến một giới hạn nào đó. Các unicorn có thể sẽ sớm hết tiền để "đốt" khi vẫn chưa tìm thấy lối ra.
Khi các startup chuẩn bị rơi vào cảnh phá sản cũng là lúc bầy cá mập xuất hiện "với một bản thỏa thuận bẩn thỉu". Đây là những bản thỏa thuận đầu tư có thể gây hại hoặc thậm chí là mang ý đồ xấu của các nhà đầu tư mới xuất hiện.
Khi CEO của startup chấp nhận lời để nghị của những con cá mập mới xuất hiện thì số phận của startup này coi như đã được định đoạn. Các nhà đầu tư cũ sẽ không muốn tiếp tục đốt tiền vào công ty của mình nếu phải chịu đựng những điều kiện phức tạp mới.
"Bất kỳ một nhà đầu tư nào bị yêu cầu phải tuân theo các thỏa thuận 'bẩn' sẽ nhìn vào mức độ phức tạp của các điều khoản trước đó và rất có thể là rời bỏ startup".
Giải pháp duy nhất khiến các startup hoảng sợ
Cách duy nhất để thoát ra khỏi mớ bòng bong này là một khái niệm tưởng như rất đơn giản nhưng lại gần như nằm ngoài tầm với của các startup: lợi nhuận.
CEO của unicorn Gusto đã từng lên tiếng khẳng định: "Bạn không thể cứ chi ra 5 đô để thu về 1 đô".
Gavin Baker, một nhà quản lý danh mục sản phẩm tại Fidelity đã từng nói với các CEO startup rằng: "Hãy tạo ra dòng tiền 1 USD, và sau đó bạn có thể đầu tư tất cả những thứ khác vào tăng trưởng nhưng vẫn giữ được dòng tiền 1 USD trong vòng nhiều năm. Tôi hiểu rằng các bạn muốn tăng trưởng và tôi cũng muốn các bạn tăng trưởng, nhưng hãy gây quỹ cho sự tăng trưởng đó trong phạm vi nội bộ".
Ấy vậy nhưng các unicorn vẫn không khỏi hoảng sợ khi phải đối mặt với kịch bản "sinh lời hay là chết". Những gì mà họ làm từ trước đến nay, như thâu tóm nhân sự ồ ạt hay thực hiện các chiến dịch giảm giá, marketing điên cuồng, thực chất lại chẳng đòi hỏi một chút trình độ quản lý nào cả. Họ đã được giới đầu tư dạy rằng đây là cách tốt nhất để điều hành một công ty non trẻ. Triết lý "Chiến thắng bằng tốc độ" đã ăn vào máu của họ.
Nhưng tạo ra được một sản phẩm đáng thèm muốn có thể đem lại lợi nhuận để duy trì các công ty, đó lại là chuyện khác.
Nhưng nếu không chấp nhận sự thật đó, sớm hay muộn bong bóng unicorn cũng sẽ vỡ. Cũng giống như số dot-com còn lại từ thời 2000 tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, có lẽ phần lớn trong số 160 unicorn của năm 2015 sẽ sớm chìm vào dĩ vãng khi thập niên 2010 qua đi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng