Sự ra đời của nút like: Từ bị Mark Zuckerberg chê đến nút bấm ‘quyền lực’ tạo nên xu hướng toàn cầu
Năm 2007, người dùng Facebook chỉ có thể thể hiện cảm xúc với bài đăng của người khác bằng cách bình luận bên dưới.
Mùa hè năm 2007, Facebook là nền tảng mạng xã hội 3 năm tuổi và đang phát triển với tốc độ chóng mặt với 30 triệu người dùng. Tuy nhiên, tính năng còn thiếu của Facebook thời điểm đó là cho phép người dùng thể hiện cảm xúc với bài đăng của người khác. Cách duy nhất họ có thể làm là bình luận bên dưới.
Khi đó, Leah Pearlman - một trong ba giám đốc sản phẩm của Facebook, đã nhận ra điều này. Những bài đăng phổ biến thường có rất nhiều bình luận nhưng nội dung chỉ ngắn gọn như “tuyệt vời” hay “xin chúc mừng” chứ không thể hiện thái độ của họ với nội dung.
Nó khiến Pearlman và nhiều người không thoải mái. Hầu hết họ đều ở độ tuổi ngoài 20 và là những người dùng Facebook tích cực. Đối với cô, chuỗi bình luận dài dằng dặc gợi nhớ đến đối thủ của Facebook là MySpace và đi ngược thiết kế tối giản của Facebook.
Pearlman và một số người khác, bao gồm hai giám đốc kỹ thuật Akhil Wable và Andrew Bosworth, nhà thiết kế Justin Rosenstein và giám đốc truyền thông nội bộ Ezra Callahan, bắt đầu xây dựng một dự án mang tên “Props”.
Sau một thời gian, với sự giúp đỡ của nhiều kỹ sư và nhà thiết kế khác, nút “like” đã ra đời và nhanh chóng trở thành biểu tượng của Facebook và định hình lại các phương tiện truyền thông xã hội.
Năm 2017, nhà thiết kế Rosenstein cho biết ông tham gia vào dự án với mong muốn tăng tính tích cực của nền tảng và góp phần tạo ra một thế giới mà mọi người nâng đỡ thay vì hạ thấp nhau.
Nhóm của Pearlman đã đề xuất nút “tuyệt” (awesome button) trong bảng ý tưởng nội bộ của Facebook và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người. Thậm chí, họ còn mở cuộc đua viết mã để xem ai sẽ phát triển thành công ý tưởng này.
Ngày 17/7/2007, nhóm bao gồm Bosworth, Rebekah Cox, Ola Okelola, Rosenstein và Tom Whitnah đã lập trình thành công nút “tuyệt” đầu tiên và được đón nhận nồng nhiệt cũng như được “bật đèn xanh” để tiếp tục phát triển.
Bosworth cho biết, nút “tuyệt” đã tạo ra sự phấn khích trong toàn công ty. Bộ phận quảng cáo nghĩ rằng nó có thể giúp hiển thị quảng cáo tốt hơn đối với người dùng. Bộ phận phát triển nền tảng cho rằng nó có thể được sử dụng để lọc các nội dung xấu. Trong khi đó, bộ phận phát triển Newsfeed việc này giúp hiển thị bài viết phù hợp với sở thích của từng người.
Tuy nhiên, đội ngũ phát triển nút “tuyệt” đã gặp phải một số vấn đề. Ví dụ như: Có nên đặt tên là nút “tuyệt” hay biểu tượng giơ ngón tay cái lên không, Có nên phát triển nút ngón tay cái trỏ xuống không? Có nên đi kèm với bộ đếm không?
Theo Pearlman, thiết kế một nút mới vừa đơn giản về mặt trực quan vừa dễ hiểu là “một vấn đề thực sự thú vị”. “Thời điểm đó, chưa thực sự có nút bấm nào như vậy trên trên Internet”, nữ giám đốc chia sẻ.
Sau nhiều lần trì hoãn, nhóm đệ trình dự án cho CEO Mark Zuckerberg để phê duyệt lần cuối vào tháng 11/2007. Thế nhưng, Zuckerberg đã khiến họ ngạc nhiên khi bác bỏ bởi lý do nút Like có thể sẽ xung đột với một số cài đặt mặc định về quyền riêng tư của Facbook (số lượt thích được công khai hay riêng tư?).
Ngoài ra, Zuckerberg cũng không thích cái tên nút “tuyệt” và cho rằng gọi là nút like sẽ hay hơn. Bên cạnh đó, một số người trong công ty nói rằng nút này sẽ tạo ra phản hồi “hời hợt” của người dùng.
Trong một thời gian, dương như sự đình trệ đã chôn vùi dự án “Props”. Tuy nhiên, dữ liệu từ một thử nghiệm đã chỉ ra rằng các bài viết phổ biến có nút này sẽ có nhiều lượt tương tác hơn. Và đó hóa ra lại là phát hiện mang tính quyết định. Đến tháng 2/2009, Zuckerberg đã phê duyệt phiên bản cuối cùng của nút like, do Cuervo vẽ ngón tay cái hướng lên trên trong Photoshop.
Ngày 9/2/2009, Pearlman thông báo ra mắt nút like với nội bộ công ty. Cô khuyến khích mọi người sử dụng một cách tùy thích. Nút like đã gây ấn tượng ngay lập tức và thay đổi toàn bộ mạng xã hội. Theo Fast Company, Facebook không chỉ tích hợp nút like vào nền tảng của mình mà còn khiến nút này được sử dụng rộng khắp trên Internet.
Một năm sau, Facebook phát triển thêm tính năng cho phép người dùng thích bình luận của người khác. Tháng 4/2010, Facebook cho phép người dùng thích các fanpage trên nền tảng. Điều này giúp họ sử dụng thông tin đó để nhắm mục tiêu quảng cáo tốt hơn.
Kể từ khi ra đời, nút like đã mang lại nhiều điều lớn lao hơn rất nhiều so với những gì mà đội ngũ tạo ra nó tưởng tượng. Trong số đó, có lẽ thay đổi lớn nhất là nút like đã góp phần phát triển cơ sở người dùng của Facebook lên gần 3 tỷ trên toàn cầu.
Những người dùng đó không chỉ bao gồm các cá nhân bình thường mà còn cả những nhân vật của công chúng, doanh nghiệp lớn và công ty truyền thông. Thuật toán newsfeed của Facebook đã trở thành công cụ phân phối thông tin có ảnh hưởng bậc nhất và sinh ra những người “ăn theo”, từ Instagram, Twitter đến TikTok.
Pearlman chia sẻ với Fast Company: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mọi chuyện sẽ xảy ra như vậy. Thời điểm phát triển nút like, chúng tôi có mục đích hoàn toàn khác và sau đó nó trở thành xu hướng mới của Internet”.
Nguồn: Fast Company
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng