Sự thật bất ngờ về Bing: Dù bị chế giễu nhưng Google vẫn “khiếp sợ”, đem về cho Microsoft hàng tỷ USD, dẫn đầu tương lai Internet
Bing thường bị xem là một công cụ tìm kiếm “ăn theo” và không bao giờ sánh được với Google. Nhưng tại sao Microsoft vẫn không ngừng phát triển công cụ “thừa thãi” này, chẳng lẽ Bill Gates có quá nhiều tiền và không có chuyện gì hay hơn để làm hay sao?
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Google quá thông dụng đến mức trở thành một động từ đại diện cho hành động tìm kiếm trên Internet, nhưng không vì thế mà gã khổng lồ này dễ dàng "độc quyền" thị trường.
Kế hoạch: Với những vũ khí riêng, Bing dần trở thành một đối thủ đáng gờm của Google, nhất là ở những thị trường đáng giá như Châu Mỹ và Châu Âu.
Kết quả: 374 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày, 33% thị trường Mỹ, 5 tỷ USD doanh thu vào năm 2017. Bing hoàn toàn không phải là "kẻ thua cuộc" như mọi người chế giễu.
Kẻ thua cuộc Bing
Xin khẳng định rằng Bing không phải là một dự án thất bại!
Dù không phải là công cụ tìm kiếm được nhiều người ưa thích, nhưng Bing luôn sở hữu yếu tố mà bất kỳ công ty công nghệ nào cũng thèm khát: Khả năng sinh lời.
Và con số này lớn hơn nhiều so với danh tiếng của Bing: 5 tỷ USD doanh thu trong năm 2017, trong đó có 1,8 tỷ USD tiền quảng cáo.
Google hiện đang đứng đầu thị trường tìm kiếm toàn cầu với 87,1% thị phần, tiếp theo đó là 2 công cụ "nhỏ bé" là Bing với 5,82% thị phần và Yahoo! với 2,98% thị phần. Nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng 5% hoàn toàn không nhỏ bé chút nào:
Hiện Google đang giải quyết hơn 5,6 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, và 5,82% thị phần đồng nghĩa với việc Bing cũng sở hữu hơn 374 triệu lượt tìm kiếm một ngày, 374 triệu!
Không những thế, Bing còn tự tin công bố rằng mình có hơn 1,37 tỷ lượt người truy cập mỗi tháng, một con số không hề nhỏ.
Số liệu trên còn hấp dẫn hơn khi đa phần người dùng Bing đến từ Mỹ và Châu Âu, hai thị trường có giá trị nhất trên Internet ngày nay.
Theo Microsoft, hiện Bing đang chiếm trọn 33% thị trường Mỹ và 23% thị trường Anh, khiến việc tập trung quảng cáo trên Google mà "bỏ quên" Bing sẽ đánh mất từ 1/4 đến 1/3 sự hiệu quả.
Thêm vào đó, từ khóa "Bing" còn được tìm kiếm trên Google đến 13,6 triệu lượt mỗi tháng, thể hiện mức độ nổi tiếng nhất định của công cụ "bị quên lãng" này, đồng thời Bing cũng được sử dụng khá nhiều để hỗ trợ những thứ mà Google không thể tìm thấy.
Cuộc chiến "phòng vệ" của Google
Quay lại với Google, dù thị trường tìm kiếm gần như bị gã khổng lồ này nuốt trọn, nhưng Bing với tiềm lực chống lưng (Microsoft) đương nhiên được Google ghi tên vào danh sách những đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua khai thác tài nguyên đáng giá nhất trên Internet: Dữ liệu người dùng.
Cả Facebook, Amazon, Apple (và đặc biệt hơn là chính quyền Trung Quốc) đang ra sức thu thập dữ liệu để xây dựng những hồ sơ người dùng chính xác nhất, từ số liệu thể chất cho đến đặc điểm tâm lý mỗi người.
Từ những hồ sơ trên, các tập đoàn Internet dễ dàng tạo ra quảng cáo "đón đầu" hành động và mong muốn, hướng đến mục tiêu thâu tóm tất cả từng người dùng vào trong hệ sinh thái của mình. Trong đó, Trung Quốc được dự đoán là "tổ chức" sẽ đạt được mục tiêu này đầu tiên, với chương trình theo dõi và "chấm điểm" người dân cực kỳ tân tiến.
Sở hữu cả công cụ tìm kiếm, trình duyệt web, hệ điều hành điện thoại, hệ điều hành máy tính … Microsoft gần như nắm trọn cuộc sống hàng ngày của người dùng, nguy hiểm đến mức Google phải đưa Apple 3 tỷ USD "phí bảo vệ" vào năm 2017 để giữ Google là công cụ tìm kiếm mặc định và YouTube là ứng dụng được cài sẵn trên những chiếc iPhone mới.
Nước đi "phòng vệ" gần đây nhất là vào năm ngoái, khi một khoản tiền bí mật được gửi đến Apple để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên Siri.
Với doanh thu quảng cáo vượt trội trên ứng dụng iOS so với Android, Google sẵn sàng làm mọi giá để giữ Bing ra khỏi thiết bị cầm tay này.
Vũ khí "mặc định" của Microsoft
Dù Google ra sức chi tiền để "hất cẳng" Bing ra khỏi mảng điện thoại và nhờ thế giữ vững ngôi vô địch cả về doanh thu và độ nổi tiếng, nhưng Bing vẫn lặng lẽ phát triển dựa vào "vũ khí" của riêng mình: 82% máy tính trên khắp thế giới chạy hệ điều hành Microsoft Windows.
Đến đây thì ai cũng biết công cụ tìm kiếm mặc định của Windows là gì rồi. Đúng vậy, chính là Bing! Thừa hiểu rằng người dùng sẽ thay thế Bing sang Google ngay sau khi cài đặt máy, Bing ngày nay đã "ẩn mình" sâu trong Win10 để đem lại một trải nghiệm vừa lòng khách hàng nhất.
Người dùng hoàn toàn không sử dụng Bing vì họ thích, đơn giản là vì họ quá lười để chuyển sang sử dụng Google. Thêm vào đó, rất nhiều người dùng sẽ không thay đổi bất kỳ tùy chỉnh mặc định nào kể từ khi nhận được máy, nhất là máy không thuộc sở hữu của mình (máy tính công ty, thư viện …).
Nhưng nói đi thì phải nói lại, Bing đã liên tục cải thiện khả năng tìm kiếm kể từ lúc ra đời, và hiện tại có thể thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm của đa phần người dùng, đó cũng là một lý do củng cố thời gian "tồn tại" của Bing.
Và những người dùng "lười thay đổi" thật ra là một tin vui đối với Bing. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 54% người dùng Bing đã trên 45 tuổi, độ tuổi có nhu cầu rất lớn về mua sắm cho con cháu và đặc biệt là khả năng tài chính ổn định.
Không những thế, hơn 38% người dùng nhấp vào các đoạn quảng cáo từ Bing có mức thu nhập hơn 100.000 USD mỗi năm! Người dùng ít nhưng có túi tiền "rủng rỉnh" của Bing chắc chắn có giá trị hơn so với các sinh viên sử dụng Google với thu nhập bấp bênh.
Tất cả dẫn đến 66 triệu lượt tìm kiếm bán lẻ mỗi tháng và doanh thu cao hơn 22% từ tìm kiếm trên Bing so với Google.
Thế mới biết, "nhỏ mà có võ" là hoàn toàn có thật.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng