"Sự thật mất lòng" về thực trạng tái chế linh kiện, phụ tùng điện tử trên thế giới

    NPQM,  

    Hiện trạng đáng buồn cùng những vấn đề bên lề nhưng cũng vô cùng nghiêm trọng khiến cho nhiều chuyên gia đau đầu, liên quan mật thiết đến thị trường sử dụng thiết bị công nghệ của thế giới.

    Không thể phủ nhận sự phát triển tiên tiến của khoa học kỹ thuật trong thời đại hiện nay, nhưng điều đó cũng tỷ lệ thuận với độ nan giải trong việc tái chế những thiết bị điện tử này.

    Nhu cầu không nhỏ của người tiêu dùng đối với những linh kiện nhỏ riêng rẽ đã góp phần tạo ra một thị trường, một xu hướng đi kèm với việc “mổ xẻ” thiết bị nhằm mục đích tái chế phần còn sử dụng được. Những bộ phận trên, về cơ bản, được tách biệt, chia nhỏ hết sức có thể, sau đó sẽ cân nhắc tái sử dụng và cải tạo tùy theo yêu cầu được đưa ra.

     CEO Tim Cook của Apple cùng chiếc iPad Air 2

    CEO Tim Cook của Apple cùng chiếc iPad Air 2

    Thoạt tiên nghe có vẻ an toàn, tiết kiệm chi phí và hiệu quả về lâu dài, nhưng các chuyên gia lại nghĩ khác.

    Nếu nhu cầu về những ưu tiên cho đột phá mới về thiết kế không đủ lớn, thì cũng sẽ không có bước tiến thực sự nào được tạo ra, và xu hướng trên vẫn được giữ nguyên không thay đổi. “Đây quả thật là điều rất đáng lo ngại,” Tim Puckett, chủ tịch Mạng lưới Chiến Lược Basel (BAN), chia sẻ với HuffPost trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Việc chia tách các thành phần nhằm mục đích sử dụng khác sau đó quả thực rất lãng phí và tác động xấu đến môi trường”.

    BAN là một tổ chức phi chính phủ được lập ra để phục vụ mục đích liên quan đến giảm thiểu những loại hình, tác nhân độc hại cho môi trường sống. Cách đây không lâu, BAN đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trong bài phân tích của mình về nhiều mặt trái tiêu cực của quy trình xử lý, tái chế điện tử tại Hoa Kỳ.

    Theo công bố của BAN, đối lập với những điều khoản được đảm bảo trước đó, các doanh nghiệp, công ty khi phục chế thiết bị điện tử lại chối bỏ trách nhiệm, “tống khứ hậu quả” sang các quốc gia khác, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường bằng những chất thải hóa học độc hại, ví dụ như thủy ngân rò rỉ từ màn hình máy tính bỏ đi…

    Lý do vô cùng đơn giản và dễ hiểu: Lợi nhuận. “Bạn là một người tái chế đúng mực và có trách nhiệm ư? Điều đó có nghĩa bạn đang tự đánh mất tiền của chính mình,” Puckett khẳng định. Vì vậy, việc các công ty, tổ chức làm mọi cách để đảm bảo ngân quỹ và doanh số thu vào không bị thụt giảm không còn là điều xa lạ. Thậm chí nhân viên tại cơ sở tái chế nhiều khi còn không có đủ giấy tờ, bằng cấp chính thức, làm việc trong môi trường đầy rẫy những nguy cơ, rủi ro mà không được trang bị an toàn đầy đủ.

    “Họ phải hít thở trong bầu không khí tràn ngập thủy ngân xung quanh. Thật không thể chấp nhận được!” Puckett bức xúc.

    Theo như kế hoạch, BAN sẽ sớm thực hiện những động thái can thiệp, yêu cầu các nhà sản xuất công nghệ có câu trả lời xác đáng cho cho vấn đề này, cùng những dự định, hướng dẫn cho khách hàng của mình biết cách phục chế thiết bị đúng lúc, đúng chỗ. Nhìn chung, mục đích chính là thuyết phục họ trở nên có trách nhiệm hơn vì cộng đồng và môi trường, và xa hơn nữa, vì một thế giới tốt đẹp và lý tưởng.

    Thế nhưng, những vấn đề nảy sinh trong quá trình giải quyết lại không hề đơn giản như hình dung ban đầu. Một vài thế hệ sản phẩm của cả một hệ sinh thái máy móc hiện nay được thiết kế nguyên khối chặt chẽ, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc xử lý, phục hồi. Theo Kyle Wiens, chủ nhân website nổi tiếng iFixit, Apple chính là gương mặt tiêu biểu.

    “Chiếc iPad quen thuộc hằng ngày của chúng ta là một minh chứng rõ rệt. Để đảm bảo độ mỏng của thân máy, họ sử dụng chất gắn kết chủ yếu là keo. Vì thế, nếu muốn tháo rời các bộ phận, chúng phải được làm nóng trực tiếp bằng nhiệt độ từ bên ngoài, nhưng lại chỉ ở một giới hạn nhất định nếu không màn hình LCD sẽ bị hỏng hóc”.

    Nhận xét từ iFixit đối với sản phẩm của Apple

    Hơn nữa, cũng như bao sản phẩm khác, hậu quả phát sinh từ nguồn cung cấp điện luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một viên pin còn năng lượng có thể phát nổ, gây nên thương tổn hay thậm chí tước đi cả mạng sống của người đang trực tiếp tiến hành tái chế. Do đó, theo quy tắc, bắt buộc phải loại bỏ nguồn phát năng lượng trước khi can thiệp sâu hơn. Nực cười là để tiến đến bước đó, iPad phải trải qua quá trình tác động nhiệt như đã đề cập ở trên để tháo rời các bộ phận - điều vốn đã ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng.

    Bên cạnh đó, chiếc Pencil Stylus trị giá 99 USD đi kèm với iPad Pro cũng là sản phẩm không thể gỡ bỏ pin, khiến cho tái chế gần như đồng nghĩa với việc bất khả thi. Thiết kế toàn diện về mặt thẩm mỹ và công dụng, nhưng đâu đó vẫn tồn tại nhược điểm đằng sau mọi thứ hấp dẫn và bắt mắt ấy.

    "Một khi đã trải qua quá trình sửa chữa, phục chế, tuổi thọ và độ bền của những thiết bị do Apple sản xuất chưa bao giờ được đánh giá cao bởi giới chuyên môn,” cho biết bởi Puckett. “Cấu trúc và thiết kế dẫn đầu trong xu thế công nghệ, nhưng với kích thước linh kiện ngày một giảm xuống, thể theo nhu cầu của khách hàng, lại gắn liền với những khó khăn nan giải trong vấn đề xử lý, sửa chữa”.

    Năm 2014, theo thống kê của Apple sau khi phát động phong trào “Tái chế - Tái sử dụng” trên quy mô từng vùng địa phương, “Trên 90% sản phẩm nhận lại và thu thập được không có nguồn gốc từ chính công ty của chúng tôi,” ám chỉ tâm lý khách hàng hiện nay ưa chuộng việc bán lại thiết bị của họ thay vì đem đi tái chế, kể cả bao gồm những điều khoản đảm bảo cải thiện chất lượng cũng như trọn gói vận chuyển tận nơi sau khi hoàn thành.

    Tất nhiên, không thể đổ lỗi cho một mình Apple gánh chịu mọi trách nhiệm. Những phiên bản máy tính Surface của Microsoft trước đây cũng không khả quan hơn là mấy trong góc độ liên quan. Thậm chí những “vết đen” này cũng tồn tại trong hồ sơ của Google và Amazon. Gần đây nhất, điều tra của BAN cũng chỉ trích Dell với bằng chứng về việc hãng công nghệ này không minh bạch trong những báo cáo về rác thải điện tử được xuất khẩu sang những nước đang phát triển khác.

    Tuy vậy, hầu hết những “ông lớn” trong ngành công nghệ hiện nay đều có một điểm chung giống nhau: Đi theo dấu chân của Apple về mặt thiết kế.“5% thay đổi về hình thức của Apple đồng nghĩa với 95% thay đổi, cải tiến của những hãng khác,” Wiens nhận định. Do đó, khả năng tái chế điện tử sẽ giảm xuống đáng kể trên phạm vi toàn cầu với xu hướng thiết kế phát triển như trên.

     Ví dụ điển hình về một bãi rác linh kiện điện tử khổng lồ

    Ví dụ điển hình về một bãi rác linh kiện điện tử khổng lồ

    Kể cả nếu bạn cảm thấy nên có trách nhiệm đối với thiết bị không được mình trọng dụng nữa bằng cách tìm đến những công ty tái chế, đây cũng đang dần trở thành một vấn nạn nhức nhối trên thị trường hiện nay. “Hãy thận trọng hơn bao giờ hết,” Puckett thổ lộ. “Hiện vẫn chưa có bộ luật chính thức cho vấn đề này. Vẫn còn đầy rẫy những tổ chức nhăm nhe trục lợi từ việc phân phối các sản phẩm được “tái tạo như mới” với chất lượng được cấu thành bởi các thành phần lấy về từ bãi linh kiện bỏ đi.”

    Vậy chẳng lẽ không còn ý tưởng nào khác thay thế? Lựa chọn tốt nhất, đặc biệt là khi thời hạn, chất lượng sử dụng chưa giảm đi đáng kể, chính là tặng lại cho một người khác đang thực sự cần đến nó, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau đối với sự phát triển của thị trường công nghệ.

    Tham khảo: Huffingtonpost

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày