Trên thực tế những ứng dụng đuổi muỗi “miễn phí” này có thực sự “thần thánh” như vậy hay không?
Chắc hẳn các bạn đã từng được biết đến những ứng dụng di động mà theo quảng cáo từ nhà phát triển là có khả năng đuổi muỗi, như Anti Mosquito Free hay Anti-Mosquito Ultra-Sonic Pro. Không cần sử dụng đến hóa chất hay mất công vợt muỗi, chỉ cần bật các ứng dụng này lên là lũ muỗi tự động tránh xa bạn. Vậy trên thực tế những ứng dụng “miễn phí” này có thực sự “thần thánh” như vậy hay không?
Các nhà phát triển ứng dụng nói gì?
Theo các nhà phát triển thì những ứng dụng này có thể phát ra sóng âm thanh với tần số cao trên 15 kHz bằng loa ngoài của các thiết bị di động. Với tần số này con người không thể nghe thấy các âm thanh được phát ra, tuy nhiên nó lại có tác dụng đối với loài muỗi.
Âm thanh được phát ra được mô phỏng theo tần số âm thanh từ tiếng đập cánh của chuồn chuồn hoặc loài dơi, nhưng kẻ thù của loài muỗi. Chính vì vậy mà nó có thể đuổi muỗi ra khỏi phạm vi mà sóng âm thanh còn tác dụng.
Có rất nhiều những ứng dụng kiểu như thế này.
Trong tự nhiên, mặc dù loài muỗi không có tai, nhưng chúng vẫn cảm nhận được các sóng âm thanh truyền trong không khí, nhờ đó chúng có thể tránh khỏi kẻ thù. Khả năng cảm nhận này của loài muỗi là khá nhạy bén, chính vì vậy mà việc đập muỗi bằng tay không đôi khi rất khó khăn nếu như bạn không đủ nhanh tay.
Các nhà khoa học nói gì?
Trong khi các nhà phát triển ứng dụng nói rằng phần mềm của họ là rất hiệu quả, thì các nhà khoa học lại nói không. Nhà côn trùng học và là chủ tọa hội đồng cố vấn của tổ chức phòng chống bệnh sốt rét tại Hà Lan, Bart Knols cho biết không có bất kỳ một bằng chứng khoa học nào cho thấy các sóng siêu âm này có khả năng xua đuổi loài muỗi.
Một báo cáo khoa học năm 2010 đã được công bố sau khi tiến hành 10 thử nghiệm khác nhau, các nhà khoa học đã rút ra kết luận “Các EMR (thiết bị đuổi muỗi điện tử bằng sóng siêu âm) là không có tác dụng ngăn ngừa muỗi cắn”. Đồng thời các nhà khoa học còn cảnh báo rằng người dân không nên sử dụng các loại EMR này để ngăn ngừa bệnh sốt rét, thay vào đó cần có những biện pháp ngăn ngừa thiết thực hơn.
Nhà côn trùng học Bart Knols là người có rất nhiều nghiên cứu về loài muỗi, trong đó có cả nghiên cứu về tác dụng thực sự của sóng siêu âm lên muỗi.
Bart Knols cũng cho rằng nếu chỉ sử dụng các công cụ này mà bỏ qua những biện pháp như sử dụng màn, các loại thuốc chống muỗi, thì tức là bạn đang đặt mình vào nguy cơ rất lớn bị lây nhiễm căn bệnh sốt rét từ muỗi.
Còn về việc các ứng dụng này có thể mô phỏng sóng âm thanh của tiếng đập cánh chuồn chuồn hay loài dơi. Trên thực tế, tần số đập cánh của chuồn chuồn là từ 20 đến 170 Hz, đó là con số thấp hơn nhiều so với mức 15 kHz mà các nhà phát triển ứng dụng nói. Nhà côn trùng học Bart Knols cũng cho biết thêm rằng ngay cả ở mức tần số 20 -170 Hz cũng là không có tác dụng nhiều trong việc ngăn muỗi đốt.
Cho đến thử nghiệm thực tế
Đã có rất nhiều thử nghiệm thực tế được các nhà khoa học tiến hành. Một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với lồng kính chứa hàng trăm con muỗi. Sau đó họ sử dụng một chiếc smartphone có cài đặt ứng dụng đuổi muỗi và cho cánh tay trần vào bên trong lồng kính. Với dải tần số từ 3-11 kHz, các sóng âm thanh là hoàn toàn vô tác dụng với đám muỗi. Chúng vẫn vô tư đậu trên cánh tay và hút máu.
Một thử nghiệm khác được tiến hành với thiết bị có thể phát ra tần số cao hơn nhiều lần, từ 20 đến 70 kHz. Các nhà nghiên cứu đã đặt 4 thiết bị này vào 4 góc của một khoang máy bay và sau đó thả những con muỗi vào bên trong. Họ quan sát chuyển động của đàn muỗi khi bật từng thiết bị và khi bật cùng lúc cả 4 thiết bị. Kết quả là sự chuyển động của đàn muỗi không có thay đổi gì đặc biệt khi các thiết bị này được bật lên và chúng cũng không có xu hướng tránh xa các thiết bị phát sóng siêu âm này.
Thậm chí một nghiên cứu khác được công bố trên trang web của Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ còn cho thấy tần suất cắn của loài muỗi tăng cao hơn bình thường khi sử dụng sóng siêu âm. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên loài muỗi Aedes aegypti L, với nguồn sóng âm thanh có tần số 9-18 kHz. Kết quả là số lượng vết đốt tăng lên khoảng 20-50% khi nguồn sóng âm thanh được bật, đặc biệt là ở tần số 11 kHz có tỷ lệ tăng cao đột biến.
Và nó có gây hại đến sức khỏe con người hay không?
Tai người không thể nhận biết được các sóng siêu âm này, do đó nếu thực sự là các ứng dụng này có thể phát ra tần số khoảng 12 kHz thì tai chúng ta sẽ không thể nhận biết được. Và các sóng âm thanh này cũng không gây hại đến sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên không phải ứng dụng nào cũng có thể phát ra sóng siêu âm, đối với các sóng tần số thấp hơn tai chúng ta có thể nghe thấy. Và những âm thanh này có thể gây ra một số khó chịu nhất định.
Như vậy là bí ẩn về các ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone đã được giải đáp.
Tai người có cấu tạo khác với các loài vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Các loài vật nuôi này có khả năng nghe được những âm thanh với tần số cao hơn con người, do đó những ứng dụng trên có thể khiến lũ thú cưng này nổi điên trong nhà của bạn.
Tóm lại, để có thể ngăn muỗi đốt thì việc sử dụng các ứng dụng này là vô tác dụng. Bạn hãy móc màn khi đi ngủ, hoặc đối với những cú đêm ngồi máy tính thì nên sử dụng một số loại thuốc bôi ngoài da chống muỗi hoặc trang bị cho mình một chiếc vợt muỗi bằng điện để xử đám côn trùng gây khó chịu này.
>>Những lý do bất ngờ khiến bạn bị muỗi cắn nhiều hơn những người khác
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng