Sự bùng nổ của một loạt các công ty chuyên cung cấp API đang dần thay đổi cách các ứng dụng được thiết kế và tung ra thị trường.
Đã 5 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên chúng ta nghe đến câu “phần mềm đang chiếm lĩnh cả thế giới”. Số lượng các dịch vụ phần mềm đã gia tăng đột biến và làn sóng áp dụng API vào việc cung cấp các tính năng quan trọng cho các phần mềm, ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ của một loạt các công ty chuyên về API đang dần thay đổi cách các ứng dụng được thiết kế và tung ra thị trường.
(Tìm hiểu chi tiết API là gì tại đây).
API hiện đang là yếu tố cốt lõi trong phát triển phần mềm và đã được coi là phương pháp phát triển một số nền tảng chuyên biệt như Microsoft Windows từ nhiều thập kỷ nay. Thế nhưng gần đây, sau khi gia nhập cuộc đua cung cấp nền tảng, các tay chơi mới như Google, Facebook, Salesforce đều mở mã nguồn rất nhiều API giúp các lập trình viên phát triển ứng dụng nhanh chóng và hiểu quả hơn, đồng thời cũng khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào những nền tảng các công ty này cung cấp.
Ngày nay, sự trỗi dậy của thế hệ các công ty cung cấp API bên thứ ba (những công ty không phải bên cung cấp nền tảng) đã “giải phóng” các lập trình viên từ những nền tảng đóng kín sang bất kỳ nền tảng chuyên biệt nào, cho phép họ tung ứng dụng của mình ra thị trường một cách dễ dàng hơn.
Cơ sở hạ tầng tốt cùng các ứng dụng từng giúp các công ty trở nên hùng mạnh vài thập kỷ trước đây đang được chia nhỏ và phân phối rộng rãi đến các lập trình viên. Điều này có được là nhờ những tính năng, dịch vụ nhỏ có thể dễ dàng chèn vào trong các ứng dụng phức tạp hơn. Kết quả là nay các nhà phát triển đã có thể tập trung toàn lực vào xây dựng các tính năng độc đáo khiến ứng dụng của họ trở nên khác biệt và gắn các tính năng phụ thêm (được các nhà phát triển khác cung cấp) vào sản phẩm lớn của mình nhờ các đoạn mã API.
Nhanh hơn, rẻ hơn, thông minh hơn
Các nhà cung cấp API phổ biến trong một số lĩnh vực
Các nhà phát triển đã nhận ra việc lãng phí thời gian công sức vào thiết kế lại những thứ đã được các công ty khác xây dựng là hết sức không nên. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể dựa vào những API được các nhà cung cấp nền tảng như Salesforce, Amazon và mới đây là các nhà phát triển độc lập khác đưa ra.
Chúng ta mới chỉ đang bắt đầu bước vào giai đoạn thị trường chuyển sang sử dụng các đoạn mã API được thiết kế bởi các công ty hay các nhà phát triển độc lập bên thứ ba; thế nhưng đã có rất nhiều ví dụ về việc các lập trình viên quay ra dùng API từ những công ty độc lập như vậy, chẳng hạn như API cổng thanh toán điện tử từ Stripe và Plaid, API gọi điện từ Twilio, API dữ liệu địa điểm từ Factual hay API tìm kiếm từ Algolia.
Lĩnh vực này đang phát triển rất mạnh. Gần đây, ProgrammableWeb đã chia sẻ kho 15.000 API của mình với các API mới vẫn đang được cập nhật thêm hàng ngày. Các lập trình viên có thể chèn các đoạn mã API này vào các dự án phần mềm họ đang thực hiện và tung sản phẩm ra thị trường nhanh chóng hơn so với việc tự đi thiết kế lại từng tính năng nhỏ từ đầu rất nhiều.
Mặc dù việc cho phép các lập trình viên hoàn thiện sản phẩm nhanh chóng, hiệu quả hơn đã là một lợi thế khổng lồ của API, thực tế API vẫn còn một lợi ích quan trọng khác: Các công ty có thể tập trung toàn lực vào khả năng phát triển các tính năng độc đáo trên phần mềm của mình, hay nói đúng hơn là bí quyết giúp sản phẩm họ trở nên khác biệt với các sản phẩm khác thay vì lo đi làm cả những thứ “râu ria” như trước.
Một công năng khác của các API được phát triển bởi bên thứ ba là chúng thường tốt hơn. Những API này hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn các API đóng được phát triển trong nội bộ công ty. Các công ty thường coi nhẹ khâu xây dựng và bảo trì các tính năng họ có thể chèn vào sản phẩm của mình bằng API. Cuối cùng thì các nhà cung cấp API bên thứ ba lại càng có lượng khách hàng cũng như dữ liệu lớn hơn để tạo ra hiệu ứng lan tỏa (network effect).
Những hiệu ứng lan tỏa này có thể là giá thành rẻ hơn, thỏa thuận cung cấp dịch vụ tốt hơn cho đến khả năng sử dụng AI phân tích các loại dữ liệu người dùng. Ví dụ như công ty Signifyd chuyên cung cấp API phân tích các hành vi gian lận trong sử dụng sản phẩm mà cụ thể là API này sẽ tổng hợp dữ liệu giao dịch từ hàng trăm công ty, cho phép họ hiểu sâu hành vi của một lượng lớn các vụ gian lận hơn bất cứ một công ty đơn lẻ nào có thể nhìn ra.
Thế hệ các công ty phần mềm kiểu mới
Cung cấp phần mềm, dịch vụ dưới dạng API cho phép các công ty theo đuổi những chiến lược kinh doanh ưu việt hơn. Thay vì cố gắng bán sản phẩm của mình cho các khách hàng thuộc một nhóm ngành nào đó, các công ty nay đã có thể phân phối sản phẩm đến với phần đông các lập trình viên và hưởng lợi từ việc tiết giảm chi phí cho đội ngũ bán hàng. Dòng doanh thu thường sẽ được xoay vòng, tạo nên một mô hình kinh doanh bền vững có thể nhân rộng khi lượng khách hàng tăng lên.
Mặc dù hệ sinh thái các công ty chuyên về API mới chỉ đang tiến vào giai đoạn đầu của cuộc dịch chuyển nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng trong tương lai, các công ty này có thể tạo ra những mô hình kinh doanh hiệu quả và mang về lợi nhuận cao hơn.
Cơ hội này cũng không hề giới hạn quanh những cái tên sáng giá mới nhập cuộc mà được phân phối đều cho tất cả các nhà phát triển độc lập. Bất cứ ai cũng có thể tung ra những tính năng chuyên biệt mình phát triển dưới dạng API cho các ứng dụng hay nền tảng. Một số công ty nổi bật thậm chí đã thu về lợi nhuận từ API nhiều hơn cả chính mảng kinh doanh cốt lõi ban đầu của mình, chẳng hạn như Salesforce với 50% tổng doanh thu xuất phát từ API, eBay với 60% hay Expedia tới mức 90%.
Mô hình kinh doanh API hấp dẫn cả các doanh nhân lẫn các nhà đầu tư. Giờ đây, thay vì cố tạo ra một ứng dụng hot kiểu Uber rồi đốt một đống tiền vào các hoạt động marketing, phân phối trước khi đạt được doanh thu mong muốn, các công ty, các nhà phát triển có thể tập trung vào xây dựng các tính năng hữu dụng, độc đáo và trở thành nhà cung cấp “vũ khí” cho các lập trình viên.
Mô hình này cũng ưu việt ở chỗ có thể tạo ra một con đường phát triển thuận lợi trên thị trường mà nếu thành công có thể nhân rộng và liên tục hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa. Hiện nay có khoảng 9 triệu lập trình viên đang sử dụng các loại API đóng (chỉ cho các lập trình viên trong công ty cung cấp API đó sử dụng) thế nhưng khi các công ty nhìn ra cơ hội của việc phân phối rộng khắp các API này, không lâu nữa chúng ta có thể sẽ chứng kiến thị trường chuyển dịch từ API đóng sang API mở (ai cũng có thể truy cập) mà hiện nay lượng lập trình viên sử dụng mới đạt 1,2 triệu người.
Thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng
Trong quá khứ, những công ty lớn nhất là những công ty có thể tiếp cận nhiều dữ liệu nhất hay có khả năng “khóa kín” nền tảng của mình. Thế nhưng trong kỷ nguyên API hiện nay, các công ty hùng mạnh nhất rất có thể sẽ là những công ty có thể tổng hợp được nhiều dữ liệu nhất và chia sẻ những dữ liệu này rộng rãi với công chúng.
Xu hướng này cũng tạo ra những rào cản cạnh tranh kiểu mới, ví dụ như khả năng thương lượng các nhà cung cấp dịch vụ giảm giá thành của Twilio khi lượng người dùng đủ lớn mà không một nhà phát triển đơn lẻ nào có thể có được. Các công ty như Usermind (cũng là một công ty được quỹ Menlo Ventures đầu tư) cho thấy tiềm năng lớn trong việc cung cấp các API giúp đơn giản hóa quy trình phát triển ứng dụng của các công ty công nghệ.
Các startup về API đang ngày càng hot và sẽ tiếp tục hot hơn trong tương lai. 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến ưu ái ngày một lớn của thị trường dành cho các công nghệ hướng đến khách hàng doanh nghiệp như các phần mềm dịch vụ (SaaS), dữ liệu lớn, các dịch vụ mini hay trí tuệ nhân tạo. Và API chính là nút giao của tất cả các lĩnh vực trên.
Khi mà thị trường phần mềm doanh nghiệp ngày càng phát triển và ưa chuộng các API của bên thứ ba hơn, tất nhiều công ty lớn sẽ xuất hiện. Mô hình kinh doanh không cần đầu tư quá nhiều vào quy trình bán hàng hay chuỗi cung ứng, doanh thu đều đặn và có thể giúp “giảm tải” lượng công việc cho khách hàng sẽ trở thành mô hình cực kỳ hấp dẫn trong tương lai. Thêm vào đó, lợi ích API mang đến cho hệ sinh thái phát triển phần mềm cũng thực sự khổng lồ khi giúp các lập trình viên tập trung toàn lực vào việc thiết kế các tính năng độc đáo giúp định vị sản phẩm của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần tiết giảm đáng kể nguồn lực và chi phí phát triển, cung ứng phần mềm.
Tham khảo Techcrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng