Sự vô dụng không thể chịu nổi của tiền số: Được quảng cáo là 'tiên dược' của nền kinh tế nhưng không tạo ra một giá trị nào từ khi xuất hiện
Chính nhờ sự sụp đổ của FTX, thế giới có thể thức tỉnh trước một thực tế nghiệt ngã rằng “ngành công nghiệp” tiền số chẳng là gì ngoài một “cú lừa giàu xổi”. Những lời hứa hẹn làm giàu nhanh được bao bọc bởi lời quảng cáo cường điệu về một thế giới tự do công nghệ.
*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Andrés Velasco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile. Ông là Trưởng khoa Chính sách công tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, là giảng viên tại Đại học Harvard, Columbia và New York. Ngoài ra, ông Andrés cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về kinh tế quốc tế.
Chúng ta có thể tha thứ cho hệ thống quản lý tiền mặt yếu kém (hoặc có thể là gian lận), thứ khiến sàn giao dịch tiền số FTX có trong tay chưa đến 1 tỷ USD trong khi các khoản nợ ngắn hạn phải trả lên đến 9 tỷ USD. Điều đó cũng đã từng xảy ra đối với các ngân hàng.
Chúng ta có thể tha thứ cho việc hạch toán không rõ ràng, các khoản cho vay chồng chéo lên nhau với tài sản thế chấp hư cấu. Những rủi ro như vậy cũng xảy ra đối với những băng đảng như Bratva của Nga, Camorra của Ý và Yakuza của Nhật Bản.
Chúng ta có thể tha thứ cho việc thần thánh hoá công nghệ cơ sở dữ liệu, thứ thậm chí còn chậm, tốn kém và cồng kềnh hơn so với những cách làm việc đã có từ 300 năm trước. Rồi một ngày nào đó sẽ có người tìm ra cách sử dụng chung cho tất cả những chuỗi khối (blockchain).
Chúng ta có thể tha thứ cho những lời quảng cáo hoa mỹ, cường điệu về tiền số. Tiền số được miêu tả như “tiên dược” giúp tăng trưởng kinh tế, “giảm thiểu xung đột, tham nhũng và mang lại nhiều hạnh phúc hơn”. Không chỉ những người đam mê tiền số mới có những ảo tưởng như vậy.
Nhưng có một điều không thể tha thứ là trong 14 năm qua, kể từ khi Bitcoin xuất hiện, ngành công nghiệp tiền số đã không tạo ra bất cứ thứ gì có giá trị. Bao nhiêu nhà máy được xây dựng từ tiền số? Những sản phẩm và dịch vụ nào được tạo ra từ tiền số? Chính phủ nào huy động tiền thông qua tiền số?
Không những thế, những lời hứa về tiền số đã được chứng minh là hoàn toàn không có thật.
Người đồng sáng lập cũng là CEO Brian Armstrong của nền tảng tiền số Coinbase gần đây nói với tờ Finacial Times rằng tiền số cho phép mọi người tin tưởng vào “quy luật toán học” thay vì “quy luật của con người”. Vì thế, tiền số “không thể” trở nên xấu xa. Đó là lời hứa.
“Con người” trong lời phát biểu của CEO Armstrong ám chỉ những người làm việc cho chính phủ, là những người trong tổ chức phát hành tiền pháp định kiểu cũ. Nếu những người này in quá nhiều tiền để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, thì giá trị của đồng tiền đó sẽ giảm xuống. Chính phủ sẽ đánh một khoản thuế đối với những công dân đang nắm giữ loại tiền tệ mất giá trị. Những người không có niềm tin vào các chính trị gia và chính phủ chính là lực lượng ủng hộ thế giới tiền số.
Trái với tiền pháp định, thứ mà bị cho là đáng ngờ, tiền số do các “định luật toán học” chi phối. Một thuật toán sẽ xác định số tiền điện tử có thể “đào” với một lượng chi phí nhất định. Càng khai thác nhiều, chi phí sẽ càng tăng lên. Không một ai có thể hạ thấp giá trị của tiền số. Sự liên kết chặt chẽ về mặt toán học đã cứu mọi người khỏi những âm mưu do con người thao túng. Nghe đến đây, tiền số dường như rất tuyệt vời. Nhưng nó sẽ chỉ tuyệt nếu đó là sự thật.
Có hai lý do khiến mọi người trên khắp thế giới, không chỉ riêng nước Mỹ và Liên minh châu Âu, cảm thấy hài lòng khi nắm giữ các loại tiền pháp định như USD và đồng euro.
Nếu tiền lương hàng tháng của một người được tính bằng USD và giá cả trong siêu thị cũng vậy, ai cũng có thể tính được rằng họ sẽ mua được bao nhiêu cân gạo, bao nhiêu chai nước bằng số tiền họ có. Vì vậy, mọi người cảm thấy vui khi giữ USD, vừa để mua bán, vừa để tích trữ. Trong khi đó, không có siêu thị nào niêm yết giá sản phẩn bằng Bitcoin hoặc các loại tiền số khác.
Một lý do khác khiến người Mỹ vui vẻ khi cầm USD đó là chính phủ đặt ra mức giá tối thiểu cho loại tiền tệ đó, bằng cách cho phép thu thuế bằng loại tiền đó. Còn đối với tiền số, không ai có thể đảm bảo được mức giá tối thiểu của chúng.
Giá trị duy nhất của tiền số đến từ kỳ vọng của những người tin rằng người khác cũng sẽ muốn nắm giữ tiền số. Nếu mọi người sở hữu tiền điện tử, tôi cũng sẽ sở hữu. Nếu không, tôi sẽ từ bỏ chúng. Đó là những gì đã xảy ra đối với Luna, loại tiền ảo đã bị sập và biến mất chỉ sau vài ngày. Và điều đó có thể xảy đến với bất kỳ loại tiền số nào, vào bất kỳ lúc nào.
Nhà kinh tế học đầu tiên hiểu được bài toàn hóc búa này là Frank Hahn. Năm 1965, ông giải thích rằng các tài sản vô giá trị về bản chất như tiền số không giống các loại hàng hoá khác. Nếu giá của một ổ bánh mì là 0 đồng, nhu cầu mua nó sẽ rất lớn. Vì ai cũng sẽ muốn ăn ổ bánh mì rẻ như cho đó. Ngược lại, nếu giá của loại tài sản như Bitcoin về 0, nhu cầu về nó cũng bằng 0. Bởi vì người ta không thể ăn nó, tạo ra nhẫn từ nó, dùng nó để chữa răng hay đem đi đóng thuế.
Cuối cùng, những tuyên bố rằng giá trị của tiền điện tử không bị ảnh hưởng bởi ý muốn của con người là sai lầm. Trên thực tế, tiền số hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích tuỳ hứng.
Các nhà chức trách điều hành các tổ chức như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu, trong một năm u ám như 2022 đã hạ sức mua của tiền tệ xuống hơn 10%. Nhưng đối với tiền số, giá trị của chúng có thể mất ngần ấy chỉ trong một ngày, hoặc thậm chí chỉ vài phút.
Nhờ có FTX, thế giới có thể đã thức tỉnh trước thực tế phũ phàng rằng tiền số là một trò lừa những kẻ ham làm giàu nhanh chóng, được bao bọc trong những lời quảng cáo cường điệu và hoa mỹ.
Theo PS
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng