Súng thông minh liệu có thể ngăn chặn thảm sát?

    Nguyễn Hải,  

    Khi những giải pháp về pháp luật cảm thấy bất lực để hạn chế các vụ bắn giết bằng súng ở Mỹ, nhiều giải pháp công nghệ - như súng thông minh - đã được đưa ra với hy vọng có thể làm được điều đó.

    Nước Mỹ lại phải chứng kiến thêm một vụ nổ súng ở California, lần này đã làm 14 người chết trong một bữa tiệc tại San Bernadino. Lại một lần nữa câu hỏi về việc có thể làm gì để ngăn chặn những vụ nổ súng bừa bãi như vậy. Và các giải pháp về luật lại được đặt ra.

    Với Tu chính án số 2 trong Hiến pháp Mỹ, gần như mọi đề nghị về việc kiểm soát sở hữu đều gặp sự phản đối quyết liệt. Ngoài ra, các biện pháp khác như kiểm tra lý lịch hình sự hay việc kiểm tra sức khỏe tâm thần đối với người sở hữu súng đều không mang lại kết quả. Tuy nhiên, một giải pháp về công nghệ cho vấn đề này đã nằm trong trong một phòng thí nghiệm bang New Jersey gần một thập kỷ nay.

     Hiện trường vụ nổ súng ở San Bernardino

    Hiện trường vụ nổ súng ở San Bernardino

    Từ những năm 2000, Michael Recce, một cựu kỹ sư của Intel, đã thiết kế một loại súng thông minh, vốn vẫn thường thấy trên màn bạc. Nguyên lý của khẩu súng thông minh dựa vào phản xạ hành vi. Não của chúng ta kích thích để thực hiện các công việc nhất định theo cùng một cách, cho dù đó là đánh gôn hay ký tên đi chăng nữa. Chúng ta luôn làm các việc đó với cùng một áp lực, cùng một nét hay cùng một cách lấy đà.

    Công nghệ của Recce nhận biết các yếu tố sinh trắc học của từng người sở hữu súng, như kích thước của bàn tay, tỷ lệ chiều dài giữa các ngón tay. Các yếu tố này sẽ đảm bảo một khẩu súng chỉ được bắn khi ở trong tay đúng chủ sở hữu. Với sự giúp đỡ của Học viện công nghệ New Jersey (NJIT), Recce và một số người khác đã cố gắng để làm một phiên bản mẫu.

     Công nghệ súng thông minh của Recce

    Công nghệ súng thông minh của Recce

    “Chúng tôi đã chứng minh được rằng lực nắm vào báng súng, lực khi bóp cò súng, là tổng hòa hoạt động của não và các hoạt động thể chất, và các điều kiện này xẩy ra theo cùng một cách vào mọi lúc.” Ông Donald Sebastian, phó chủ tịch của phòng nghiên cứu và phát triển Học viện NJIT cho biết.

    Đây không phải lần đầu người ta nghe về súng thông minh. Đã có những loại súng thông minh áp dụng các công nghệ về nhận biết chủ sở hữu qua dấu vân tay hay chíp tầm gần RFID. Nhưng trong tình huống khẩn cấp, một bàn tay run rẩy sẽ khó để đặt đúng ngón tay vào vị trí quét vân tay. Còn với khẩu súng sử dụng công nghệ sóng tầm gần sẽ buộc người chủ khẩu súng phải đeo một vòng có chíp RFID trên tay, một thiết bị có thể bị mất hoặc khó tìm trong lúc hỗn loạn. Vì vậy, Recce tin rằng công nghệ của mình sẽ xác định nhanh và chính xác chủ của khẩu súng đó, vượt trội so với các công nghệ khác.

    Công nghệ trên súng của Recce được cho là sẽ phù hợp với các loại súng trường tấn công, do những khẩu súng này sẽ trở nên vô dụng trong tay các tên tội phạm. Về lý thuyết ông Sebastian cho rằng, ngay cả khi được mua đi bán lại giữa các cá nhân, súng này cũng chỉ có thể được sử dụng nếu được xác nhận bởi một đại lý được cấp phép.

    Mặc dù từ một thập kỷ trước, học viện NJIT đã nhận được khoảng 1,5 triệu USD để phát triển các cảm biến sinh trắc học, và khoảng 250.000 USD khác để tạo ra hệ thống khóa an toán nếu phát hiện súng đang không phải ở trong tay chủ sở hữu, nhưng sau khi số tiền này cạn kiệt, họ đã không còn nguồn tài trợ nào khác.

    “Chúng tôi đã sử dụng hết số tiền từ quỹ đầu tư công, nhưng cũng không thể kêu gọi vốn từ các quỹ tư nhân, vì không ai tin rằng những khẩu súng thông minh sẽ được cho phép bởi những người ủng hộ sử dụng súng.” Ông Sebastian cho biết.

    Tuy nhiên, nếu có nguồn tài chính bổ sung, Sebastian tin rằng Học viện NJIT có thể sản xuất một phiên bản súng thông minh để kiểm tra, đánh giá và sẵn sàng đưa ra thị trường trong vòng hai năm. Họ cũng sản xuất các loại báng thông minh và hệ thống khóa an toàn để có thể sử dụng trên các khẩu súng khác. Ông tin rằng, đây là các chủ sở hữu súng sẽ cảm thấy thoải mái hơn với loại công nghệ cá nhân này.

    Nhưng cho đến khi tiền chảy ra từ túi nhà đầu tư, các bộ phận của khẩu súng thông minh này sẽ tiếp tục nằm yên trong một ngăn kéo tủ. Nó thậm chí cũng không có một cái tên. “Tôi không quan tâm nếu bạn gọi đó là dì Sally đi chăng nữa” Sebastian cho biết.

    Tuy nhiên, theo tờ Mother Jones, có một thực tế rằng, chỉ có khoảng 62 vụ nổ súng bừa bãi ở Mỹ, khoảng 1/3 số vụ từ năm 1982 đến 2012, là sử dụng súng bất hợp pháp. Vì vậy, với phần lớn số vụ bắn giết vẫn là súng hợp pháp, giải pháp súng thông minh để xác định chủ sở hữu chỉ là giải pháp tạm thời để hạn chế những sự cố đáng tiếc như vậy.

    Theo popsci.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày