Suốt 20 năm quản lý kháng sinh chúng ta vẫn thất bại trước siêu vi khuẩn

    zknight,  

    Kháng kháng sinh là một vấn đề không thể được giải quyết bởi các bác sĩ hay bệnh viện đơn lẻ.

    Để đối phó với cuộc chiến chống lại siêu vi khuẩn kháng thuốc, trong hai thập kỷ qua, nhiều quốc gia và tổ chức y tế đã xây dựng những chương trình dưới mô hình “Quản lý kháng sinh” (Antimicrobial stewardship- AMS). Nguyên tắc chính của giải pháp này là hạn chế sử dụng đến mức tối đa các loại kháng sinh. Điều đó có nghĩa là kháng sinh chỉ được phép sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết và phải tạo ra được hiệu quả cao nhất có thể.

    Sau hơn 20 năm triển khai, bạn có thể bắt gặp một mô hình quản lý kháng sinh ở bất cứ quốc gia nào. Thậm chí, Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) còn khuyến cáo tất cả các bệnh viện ở Hoa Kỳ phải có một chương trình quản lý kháng sinh.

    Các hoạt động triển khai của một chương trình thường bao gồm nhiều hành động tổng thể. Có thể kể đến một số như: tổ chức đội ngũ chuyên gia xây dựng hướng dẫn sử dụng kháng sinh, danh mục kháng sinh hạn chế, tiêu chí mức độ kháng thuốc, khảo sát thực trạng sử dụng kháng sinh, đào tạo tập huấn, đánh giá và báo cáo chương trình…

    Có vẻ hiệu quả là vậy, nhưng cho đến nay các chương trình quản lý kháng sinh vẫn không thể giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến với siêu vi khuẩn kháng thuốc. Trong một bài báo trên trang The Conversation, phó giáo sư Sergio Diez Alvare đến từ Đại học Newcastle, Australia đã chỉ ra rằng: "Quản lý kháng sinh đang không thể giữ cho những siêu vi khuẩn trong tầm kiểm soát". Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao.

     Quản lý kháng sinh đang không thể giữ cho những siêu vi khuẩn trong tầm kiểm soát

    "Quản lý kháng sinh đang không thể giữ cho những siêu vi khuẩn trong tầm kiểm soát"

    Khi nhìn vào báo cáo kết quả của chương trình quản lý kháng sinh ở một bệnh viện bất kỳ, chắc chắn bạn sẽ nhận ra một sự thay đổi tích cực. Nhưng một báo cáo tổng hợp trên tạp chí Clinical Microbiology and Infection chỉ ra rằng trên quy mô quốc gia, một chương trình quản lý kháng sinh không có định nghĩa về sự thành công.

    Các tác giả chỉ có thể sử dụng một vài tiêu chí như: giảm sử dụng số lượng kháng sinh tổng thể, các dòng kháng sinh cụ thể, một số bệnh nhiễm trùng đặc biệt và tỷ lệ tử vong để tạm thời nói chương trình quản lý kháng sinh ở một số quốc gia là “thành công” đặt trong ngoặc kép. Bảng kết quả gộp chung cột thành công và thất bại, chỉ ghi những kết quả thống kê để độc giả tự đánh giá.

    Điều đó nói nên rằng về mặt lý thuyết, quản lý kháng sinh có vẻ là một giải pháp hết sức tuyệt vời. Nhưng trong thực tế, nó lại quá phức tạp để thực hiện và đánh giá. Có rất nhiều rào cản khiến những chương trình quản lý kháng sinh về tổng thể chỉ thành công trên giấy còn đến nay vẫn thất bại ngoài đời thực.

    Trước hết, phải quay lại mục đích chính của quản lý kháng sinh. Đó là chương trình nhằm ngăn chặn “cơn ác mộng” kháng kháng sinh đang xảy ra trên toàn cầu. Và vì kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu, nó cũng đòi hỏi một giải pháp toàn cầu.

    Tuy nhiên, khảo sát chỉ ra rằng rất nhiều bệnh viện trên thế giới vẫn không có chương trình quản lý kháng sinh. Nguyên nhân chủ yếu do vấn đề thiếu kinh phí. Ngay cả ở các bệnh viện có triển khai chương trình, một nửa trong số đó không có sự đồng bộ trong đánh giá.

    Thêm vào nữa, quản lý kháng sinh cần thiết phải được triển khai trong hàng loạt lĩnh vực, không chỉ y tế. Ví dụ như nông nghiệp, nới mà kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi có thể phát triển kháng kháng sinh để lây lan trở lại người.

     Kháng kháng sinh là một vấn đề không thể được giải quyết bởi các bác sĩ hay bệnh viện đơn lẻ.

    Kháng kháng sinh là một vấn đề không thể được giải quyết bởi các bác sĩ hay bệnh viện đơn lẻ.

    Kháng sinh cũng được sử dụng nhiều trong cộng đồng. Và đó là một vấn đề. Hãy lấy ví dụ ở Pháp, suốt 10 năm qua 3 chiến dịch hành động quốc gia đã được thực hiện để chống lại những vi khuẩn kháng thuốc.

    Kết quả là những năm đầu tiên, họ có thể giảm tới 25% số lượng đợi thuốc kháng sinh trên mỗi 100 người dân. Tuy nhiên, khi tỷ lệ sử dụng thuốc ngoại trú tăng trong những năm gần đây, những kết quả tích cực ngay lập tức chững lại.

    Vì vậy trong khi chương trình quản lý kháng sinh được tổ chức rất công phu bên trong bệnh viện, điều tương tự cũng nên được thực hiện qua các tổ chức và hoạt động y tế hướng đến cộng đồng.

    Cuối cùng, kháng kháng sinh là một vấn đề không thể được giải quyết bởi các bác sĩ hay bệnh viện đơn lẻ. Những hành động như quản lý kháng sinh phải được phối hợp thực hiện đồng bộ ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Điều này thực sự quá khó khăn. Ví dụ làm thế nào để giải quyết một vấn đề hiện nay, khi giao thông thuận tiện đang khiến vi khuẩn kháng thuốc lây lan dễ dàng hơn giữa nhiều quốc gia?

    Làm sao để giải quyết vấn đề trước khi quá muộn?

    Một điều chắc chắn rằng giải pháp quản lý kháng sinh cần khắc phục được những hạn chế của nó mới có thể trở nên hiệu quả. Bên cạnh đó, riêng chương trình quản lý kháng sinh không thể một mình nó chiến thắng cuộc chiến với kháng kháng sinh trên toàn cầu.

    Tổ chức Y tế thế giới ước tính có đến 50% các loại thuốc kháng sinh được sử dụng cho động vật. Lượng kháng sinh này đang góp phần vào việc vi khuẩn ngày càng trở nên kháng thuốc. Tuy nhiên, đã có nhiều động thái tích cực từ các quốc gia trong vấn đề này.

    Ví dụ như Đan Mạch, họ đã cấm sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp từ năm 2000. Điều này đã trở thành bài học cho nhiều quốc gia, như Liên minh Châu Âu đã ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2006. Mỹ cũng có kế hoạch thực hiện điều này năm 2017 và ngay cả các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam cũng có thể ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vào năm 2017 và 2018.

    Gần đây, cũng có tín hiệu tích cực về nguồn kinh phí cho cuộc chiến chống kháng sinh có thể được vận động bởi những nhóm hành lang. Nguồn tài trợ sẽ được sử dụng cho hoạt động y tế cộng đồng và tìm cách điều trị, ngăn ngừa nhiễm trùng đa kháng thuốc.

     Nghiên cứu khoa học sẽ mở ra những giải pháp mới

    Nghiên cứu khoa học sẽ mở ra những giải pháp mới

    Trong khi đó, các nhà khoa học cũng sẽ làm nhiệm vụ của mình để tìm ra một con đường sáng tạo giải quyết vấn đề vi khuẩn kháng thuốc. Sự thật hiện nay là chúng ta khó có thể trông đợi vào một loại thuốc kháng sinh mới.

    Một rào cản kinh tế đang khiến các công ty dược phẩm bỏ quên thị trường này và nhắm đến nhiều nguồn lợi nhuận béo bở hơn như thị trường thuốc ung thư và các bệnh mãn tính. Ngay cả khi một vài loại thuốc kháng sinh mới sẽ được đưa ra thị trường trong thập kỷ tới, nó không khác nhiều so với các loại thuốc hiện tại. Kể từ năm 1984, chưa có một lớp kháng sinh mới nào được sản xuất.

    Vì vậy, con đường mới cho các nghiên cứu hiện nay là sử dụng hệ miễn dịch để điều trị một số chủng vi khuẩn nhất định. Những bài học rút ra được từ nghiên cứu ung thư đã chỉ ra cho chúng ta thấy hệ thống miễn dịch đôi khi có thể bị vô hiệu hóa bởi một số chủng vi khuẩn nhất định, ví dụ như “Legionella”. Nếu chúng ta có thể tinh chỉnh lại hệ thống miễn dịch với các loại thuốc nhắm mục tiêu, nó sẽ giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng.

    Một lựa chọn khác là tối ưu hóa các loại kháng sinh thông qua các phương pháp xét nghiệm chính xác. Điều này cho phép bác sĩ quyết định có sử dụng kháng sinh hay không và nếu có thì sử dụng tối ưu như thế nào. Nếu liều lượng và thời gian điều trị có thể được kiểm soát chặt chẽ nhất, nguy cơ kháng thuốc sẽ giảm đến mức thấp nhất.

     Kể từ năm 1984, chưa có một lớp kháng sinh mới nào được sản xuất

    Kể từ năm 1984, chưa có một lớp kháng sinh mới nào được sản xuất

    Cuối cùng, nhắc lại kết quả hơn hai thập kỷ của chương trình quản lý kháng sinh, mặc dù có kết quả tích cực trên quy mô nhỏ, nó vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng, giúp ngăn chặn sự lây lan của siêu vi khuẩn trên toàn cầu. Chương trình quản lý kháng sinh dù sao cũng không thể một mình nó chiến thắng cuộc chiến với kháng kháng sinh hiện nay.

    Như một lời an ủi, trong báo cáo trên tạp chí Clinical Microbiology and Infection, các tác giả nhắc lại một câu nói của cựu thử tướng Anh Winston Churchill: “Thành công không phải là cái đích cuối cùng, thất bại không phải là tai họa. Chính lòng can đảm để tiếp tục mới là điều quan trọng”.

    Tham khảo Theconversation, Sciencedirect

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày