Tách Mobifone, thị trường có đảm bảo cạnh tranh?

    PV,  

    Về mặt nguyên tắc, một chủ sở hữu không nên đứng ra tổ chức ra 3 cá thể cạnh tranh với nhau.

    Tách Mobifone, thị trường có đảm bảo cạnh tranh?

    Chiều nay, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin đã tổ chức buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam”. Buổi tọa đàm thu hút được sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí cũng như các chuyên gia, nhà quản lý.

    Trả lời câu hỏi tại sao lại tách Mobifone chứ không phải là Vinaphone hay một doanh nghiệp nào đó trong VNPT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng cục Viễn thông cho biết việc lựa chọn đã được cân nhắc cẩn trọng. Mobifone là một thương hiệu đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp còn lại là VNPT và Viettel. Mobifone từ lâu đã hoạt động độc lập ở một mức độ nào đó.

    “Thị trường viễn thông cần ít nhất 3 doanh nghiệp đủ mạnh” – ông Phạm Hồng Hải cho biết.

    Thị trường viễn thông Việt Nam, về mặt nguyên tắc, là hoàn toàn tự do cạnh tranh, không có rào cản gia nhập thị trường.

    Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Việt Nam cho biết, thị trường viễn thông hiện nay chưa đảm bảo cạnh tranh hoàn hảo.

    Trên thực tế, thế chân vạc, nếu có, đang được tạo nên từ 3 cá thể chung một chủ sở hữu Nhà nước. Ông Mai Liêm Trực cho rằng, Viễn thông và ngân hàng là 2 lĩnh vực nhạy cảm nhất. “Mở” được là một thành công tương đối lớn của Việt Nam. Nhưng, “mở” cửa như vậy là chưa đủ.

    Về mặt nguyên tắc, một chủ sở hữu không nên đứng ra tổ chức ra 3 cá thể cạnh tranh với nhau. Trên thực tế thị trường viễn thông Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh lành mạnh, vẫn chịu sự quản lý và quyết định hành chính của các cơ quan chức năng.

    Từ năm 2005 – 2006, chúng ta đã bắt đầu manh nha ý định cổ phần hóa Mobifone. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việc tác Mobifone là việc chẳng đặng đừng, không thể làm khác.

    “Bản thân tôi, nếu tôi ở cương vị VNPT, tôi không muốn tách anh nào hết. Mobifone chiếm 50 - 60% lợi nhuận VNPT, là anh cả của VNPT, công sức VNPT gây dựng.”

    Cổ phần hóa, thay đổi chủ sở hữu, rồi mới tính đến việc cạnh tranh

    Tách Mobifone là để cổ phần hóa, chứ không phải là để cạnh tranh với nhau, việc đáng ra phải làm gần chục năm trước. Cổ phần hóa, thay đổi chủ sở hữu, rồi mới tính đến việc cạnh tranh, ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

    Việc tách Mobifone sẽ tạo động lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp còn lại trong ngành, thị trường viễn thông Việt Nam nhờ vậy sẽ sôi động và vận hành hiệu quả hơn.

    Theo Minh Thư
    CafeF.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày